Trong cuộc họp báo mới đây tại Hà Nội, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (World Bank, WB) tại Việt Nam nhận định những con số được nêu trong báo cáo Điểm lại công bố cuối tuần trước đã cho thấy "khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thách thức ngày càng gia tăng trên toàn cầu".
Theo các chuyên gia của WB, hiện nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa quay lại lộ trình tăng trưởng như trước đại dịch COVID-19.
Do đó, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công để vừa kích cầu ngắn hạn vừa góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt hạ tầng trong các lĩnh vực như năng lượng, giao thông và logistics.
"Để duy trì đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm và các năm tới, các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục cải cách thể chế, đẩy mạnh đầu tư công, đồng thời quản lý, giám sát các rủi ro trong thị trường tài chính" - ông Sebastian Eckardt, trưởng ban kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của WB, nêu khuyến nghị.
Cũng theo các chuyên gia WB, để Việt Nam khai mở tiềm năng của thị trường vốn, cần phải vượt qua một số rào cản cụ thể nhằm đảm bảo tăng trưởng lành mạnh và bền vững. Trong đó cần tận dụng được quỹ của Bảo hiểm xã hội, xem đây là một nguồn lực chủ đạo tiềm năng trong việc thúc đẩy phát triển thị trường vốn, Tuổi Trẻ dẫn lời.
Do sự thiếu vắng tỷ trọng lớn của các nhà đầu tư tổ chức trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư cá nhân trở nên chi phối, qua đó tạo ra nhiều biến động do hành vi mua bán mang tính bầy đàn. Điều này cũng góp phần làm tích tụ rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và hạn chế việc thị trường cổ phiếu trở thành kênh huy động vốn cho khu vực doanh nghiệp.
Quản lý một danh mục tương đương 10% GDP, Bảo hiểm xã hội là nhà đầu tư tổ chức lớn nhất ở Việt Nam, lớn hơn toàn bộ các nhà đầu tư tổ chức trong nước khác cộng lại. Song do các quy định pháp lý, tài sản của Bảo hiểm xã hội đang tập trung chủ yếu vào trái phiếu chính phủ.
Nếu Bảo hiểm xã hội đa dạng hóa đầu tư sang các thị trường chứng khoán doanh nghiệp như cổ phiếu và trái phiếu, sự đầu tư của Bảo hiểm xã hội sẽ hỗ trợ sự phát triển của các thị trường đó qua đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư và tạo ra tình trạng ổn định tương đối với tư cách là nhà đầu tư dài hạn.
"Nếu được triển khai hợp lý theo từng bước nhỏ, đa dạng hóa đầu tư sẽ làm tăng lợi nhuận đầu tư cho Bảo hiểm xã hội về lâu dài", WB khuyến nghị và cho rằng cần có khung chính sách mạnh mẽ hơn để Bảo hiểm xã hội trở thành nhân tố chính thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn.
Tốc độ tăng trưởng đầu tư quỹ BHXH năm 2023: 10,43%
Hồi đầu năm nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo, công tác quản lý đầu tư các quỹ bảo hiểm xã hội được thực hiện đúng quy định, đảm bảo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả, tối ưu hóa phương án đầu tư.
BHXH Việt Nam đang thực hiện đầu tư các quỹ BHXH chủ yếu dưới 2 hình thức: mua trái phiếu chính phủ (hơn 86%) và gửi tiền, mua trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại (khoảng 14%).
Ông Nguyễn Thế Mạnh - Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, công tác quản lý đầu tư quỹ các quỹ BHXH được thực hiện đúng quy định, đảm bảo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả, tối ưu hóa phương án đầu tư.
Tốc độ tăng trưởng đầu tư quỹ năm 2023 là 10,43% so với năm 2022. Hiện nay, Quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đã trở thành các quỹ an sinh lớn nhất, được quản lý, sử dụng đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch dưới sự giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng quản lý BHXH.
Nghị định số 30/2016/NĐ-CP quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH, BHYT, BHTN quy định hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH được thực hiện thông qua các hình thức: mua trái phiếu chính phủ; cho ngân sách nhà nước vay; gửi tiền, mua trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt, theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.