Một cố vấn kinh tế của Thủ tướng Datuk Seri Anwar Ibrahim đã gọi sự sụt giảm thu thuế so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Malaysia là "kỳ lạ", xét đến mức tăng trưởng kinh tế khá mạnh mẽ mà đất nước này đạt được.
Một phần của vấn đề có thể là do nền kinh tế ngầm lớn của Malaysia và thực tế là chỉ có 15% lực lượng lao động nộp thuế cho Cơ quan Thuế vụ Nội địa (LHDN), ông Nurhisham Hussein cho biết.
Ông Nurhisham là giám đốc cấp cao về kinh tế và tài chính tại văn phòng Thủ tướng.
“Chính phủ ưu tiên tìm hiểu lý do và cách thức doanh thu thuế trên GDP giảm, cũng như giải quyết vấn đề này”, tờ The Star dẫn lời ông Nurhisham cho biết trong một cuộc thảo luận nhóm tại Hội nghị Trái phiếu và Sukuk (trái phiếu "tuân thủ sharia") Malaysia do Malaysian Rating Corp Bhd. tổ chức.
Trong báo cáo Triển vọng Tài chính 2024, Bộ Tài chính Malaysia dự kiến số thu thuế trên GDP năm 2024 sẽ giảm nhẹ xuống còn 12,3% so với 12,4% năm 2023.
Tiến sĩ Runchana Pongsaparn, chuyên gia kinh tế chính của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3, cho biết doanh thu thuế trên GDP của Malaysia thấp hơn hầu hết các quốc gia trong khu vực.
Một nguyên nhân khác gây lo ngại là mức đóng góp thấp từ thuế tiêu dùng của Malaysia như thuế bán hàng và dịch vụ. Theo bà Runchana, thực tế chỉ có 2,8% GDP là từ thuế tiêu dùng, chắc chắn là mức thấp nhất trong số các nước ASEAN.
“Thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) là một cách để cải thiện doanh thu thuế tiêu dùng”, theo bà Runchana.
Trong khi đó, ông Nurhisham cho biết GST không phải là giải pháp duy nhất có thể giúp mở rộng cơ sở thuế của chính phủ. “Chúng ta có thể làm cho chế độ thuế thu nhập mang tính tiến bộ hơn và xem xét lại các ưu đãi đã cung cấp trong nhiều năm cho khu vực doanh nghiệp”, ông cho biết.
Đồng tình với quan điểm tương tự của Nurhisham, Runchana cho biết đất nước nên tăng cường chế độ thuế thu nhập cá nhân . “Điều này là do doanh thu từ thuế thu nhập cá nhân tương đối thấp ở mức 2,4% GDP, so với mức trung bình 3% của các thị trường mới nổi”, chuyên gia Runchana nói.
Trước đó, có báo cáo cho biết nhóm 20% hay nhóm T20 có thu nhập cao nhất trong cả nước đã đóng góp 85%, hay 33,68 tỷ RM, thuế thu nhập cá nhân được thu vào năm 2022. Nhóm 40% hay nhóm M40 ở giữa đã đóng góp 13%, hay 5,38 tỷ RM.
Malaysia thu thuế thu nhập cá nhân đến 30%
Theo PwC, một cá nhân, dù là cư trú hay không cư trú tại Malaysia, đều phải chịu thuế đối với bất kỳ khoản thu nhập nào phát sinh tại hoặc có nguồn gốc từ Malaysia. Cá nhân cư trú cũng phải chịu thuế đối với thu nhập có nguồn gốc nước ngoài nhận được tại Malaysia.
Một cá nhân không thường trú phải chịu mức thuế cố định là 30% trên tổng thu nhập chịu thuế.
Một người đủ điều kiện (được định nghĩa) là một nhân viên trí thức cư trú tại Iskandar Malaysia (đặc khu kinh tế) phải chịu mức thuế 15% đối với thu nhập từ việc làm tại một công ty hoạt động đủ điều kiện tại khu vực được chỉ định.
Một cá nhân thường trú được chấp thuận theo Chương trình Chuyên gia Trở về có hoặc đang làm việc với một người tại Malaysia cũng sẽ được hưởng mức thuế 15% trong năm năm đối với thu nhập từ việc làm.
Một người đủ điều kiện đang giữ một vị trí quan trọng (C-Suite) phải chịu mức thuế 15% đối với thu nhập từ việc làm tại một công ty đã được cấp ưu đãi thuế tái định cư theo sáng kiến PENJANA (một chương trình phục hồi kinh tế).
Theo dữ liệu của PwC, cập nhật đến 26/6, Malaysia áp mức thuế hàng hoá đến 10%.
Hồi tháng 5 năm nay, Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Malaysia (NCCIM) hy vọng chính phủ nước này sẽ tái áp dụng thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) – với mức thuế suất 4%.
Chủ tịch NCCIM Tan Sri Soh Thian Lai cho biết chính phủ cũng phải tìm thêm nguồn để tăng doanh thu. “Hiện tại, chính phủ đang dựa vào các loại thuế bổ sung như Thuế hàng hóa giá trị thấp và Thuế hàng hóa giá trị cao. Điều này gây rất nhiều áp lực cho cộng đồng doanh nghiệp của chúng tôi”, tờ The Sun dẫn lời ông này nói tại Diễn đàn Kinh tế Quốc gia 2024.
1 RM ~ 5.800 đồng