Mỹ và đồng minh đang lên kế hoạch chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine. Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố không phản đối việc các nước khác cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine.
Về phần mình, Kiev hy vọng sẽ nhận được tới 50 máy bay chiến đấu F-16 từ phương Tây.
Nhà khoa học chính trị, chuyên gia quân sự, chuyên gia về xung đột giữa các sắc tộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Nam Kavkaz Yevgeny Mikhailov cho rằng, việc phương Tây chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine đã được thảo luận trong một thời gian dài, trong khi chính các nước châu Âu đã cố gắng trì hoãn quá trình này.
"Họ dự đoán Nga sẽ bị bẻ gãy, nên không tốn nhiều công sức để cố "tiêu diệt". Nhưng giờ đây, khi nhận thấy Nga đang hoàn thành các nhiệm vụ mà Tổng thống đặt ra cho chiến dịch quân sự đặc biệt, phương Tây tăng cường hỗ trợ vũ khí cho Ukraine. Theo chuyên gia Mikhailov, "bây giờ tất cả các lợi ích đang được đặt vào Ukraine như một tiền đồn của khối NATO".
Cựu chỉ huy không quân, Trung tướng dự bị Valery Retunsky cho rằng, Mỹ đang cố gắng đẩy quyết định này cho người châu Âu. Họ nhận thức rõ rằng, việc cung cấp F-16 cho Kiev về cơ bản là một mức độ leo thang mới của cuộc xung đột. Ông nhấn mạnh rằng, để thực sự huấn luyện một phi công hạng nhất, có khả năng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu bằng F-16, anh ta phải có ít nhất 800 giờ bay. Do đó, nếu người Ukraine bay từ 80 đến 120 giờ một năm, họ sẽ phải chuẩn bị thêm 6-8 năm nữa. Cũng theo ông Retunsky, các tổ hợp của Nga, bắt đầu từ những sửa đổi đầu tiên của hệ thống S-300, chưa kể đến S-400 và các hệ thống hiện đại khác, hoàn toàn có thể tiêu diệt những máy bay F-16.
Chuyên gia của Hiệp hội các nhà khoa học chính trị quân sự, Trưởng phòng Phân tích chính trị và các quá trình tâm lý xã hội của Đại học Kinh tế Nga Plekhanov Andrey Koshkin cũng cho rằng, với số lượng nhỏ, F-16 sẽ không có tác động đáng kể đến tình hình.
Các hệ thống phòng không của Nga đã sẵn sàng đối phó với F-16, vì nó, mặc dù đáng tin cậy, nhưng là một mẫu đã lỗi thời.
Theo ông, "sẽ là quá tham vọng khi nói rằng, những máy bay chiến đấu này sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình trên đường tiếp xúc. Phương Tây chỉ đơn giản là ném "củi mới" vào ngọn lửa xung đột vốn đã âm ỉ một chút: đường tiếp xúc dài hơn 800 km, nhưng không có nhiều cuộc đụng độ tích cực. Tuy nhiên, phương Tây cần cuộc xung đột tiếp tục".
Theo nhà khoa học chính trị này, NATO sẽ không có thời gian để chuẩn bị kịp thời cho các phi công Ukraine lái F-16. Nhiều khả năng, trong hầu hết các trường hợp, các phi công từ các quốc gia khác nhau sẽ điều khiển các máy bay chiến đấu. Tuy nhiên, các phi công Ukraine có thể được đào tạo liên tục để đưa họ vào phục vụ trong tương lai.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nga đã tuyên bố, kế hoạch cung cấp máy bay cho Ukraine của phương Tây sẽ dẫn đến sự leo thang cuộc khủng hoảng. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Alexander Grushko, Nga có tất cả các phương tiện cần thiết để đạt được mục tiêu của mình.
Còn theo bài đăng trên Tạp chí Military Watch, "cỗ máy lỗi thời" F16 sẽ không thể cạnh tranh với các đối thủ như Su-35, MiG-31 và Su-57 của Nga. Các nhà quan sát cho rằng, việc tiêu diệt những chiếc F-16 sẽ nâng cao đáng kể uy tín của Không quân Nga và tổ hợp công nghiệp quân sự, vốn gần đây đã vô hiệu hóa hệ thống tên lửa phòng không Patriot hàng đầu của Mỹ.