Chuyên gia Nga: Có tháo dỡ từng con ốc của S-400 thì NATO cũng chẳng thu được gì!

Trung Phạm |

Ngay cả trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ có giao cả một tổ hợp S-400 cho Mỹ thì cũng chẳng giúp ích gì được trong việc khám phá những bí mật của hệ thống.

Trong lúc Washington đang "nổi đóa" vì Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua S-400 và một số nhà quan sát Nga lo ngại rằng, việc bán tổ hợp này có thể khiến công nghệ phòng không tiên tiến nhất của Moscow rơi vào tay NATO, Andrei Stanavov- nhà phân tích quân sự của RIA Novosti đã chỉ ra những lý do tại sao "các chuyên gia phòng lạnh" thực sự chẳng có gì phải lo lắng về điều đó.

Lo lắng lộ bí mật quân sự

Thứ Ba tuần trước (12/9), Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đã chi trả khoản tiền đầu tiên cho hợp đồng mua hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga.

Thông tin này ngay lập tức khiến Washington nổi giận, buộc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phải lên tiếng đáp trả rằng đất nước ông được tự do đưa ra các quyết định độc lập về vấn đề an ninh quốc gia của mình.

Trong khi đó, một số nhà quan sát quân sự Mỹ lại không giấu nổi sự phấn khích trước kế hoạch Nga bán hệ thống vũ khí tiên tiến này cho một quốc gia NATO.

Tạp chí National Interest cho rằng, tổ hợp S-400 nằm trong tay Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cho phép NATO "có được một cái nhìn cận cảnh đầy giá trị về các khả năng và hạn chế của hệ thống" cũng như "cơ hội tìm được giải pháp vô hiệu hóa nó".

Những tranh luận tương tự cũng diễn ra ở Nga, mặc dù ngôn từ, tất nhiên, có phần lo lắng hơn.

Giới quan sát không chuyên cảnh báo việc bán S-400 cho một nước NATO sẽ mang lại cho khối liên minh này những chiếc chìa khóa để đánh bại các hệ thống phòng không mạnh mẽ nhất của Nga.

Chuyên gia Nga: Có tháo dỡ từng con ốc của S-400 thì NATO cũng chẳng thu được gì! - Ảnh 1.

Tên lửa đất đối không Pantsir-S, hệ thống pháo binh phòng không và hệ thống S-400 Triumph tham gia các cuộc diễn tập tác chiến của trung đoàn tên lửa đất đối không ở Quân khu Moscow. Ảnh: Sputnik

Tuy nhiên, trong một bài viết đăng tải trên RIA Novosti, chuyên gia bình luận quân sự Andrei Stanavov đã xoa dịu những mối lo ngại này, chỉ rõ tại sao các nhà quan sát Nga không nên quá lo lắng và tại sao những bí mật của S-400 vẫn sẽ được đảm bảo an toàn bên trong nước Nga.

Trong bài viết của mình, Andrei Stanavov thừa nhận S-400 Triumf thực sự là niềm tự hào của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

"Được đưa vào sử dụng năm 2007, hệ thống có khả năng hạ gục hiệu quả mọi biện pháp tấn công hiện đại từ trên không, kể cả các phương tiện bay tới tốc độ 5km/giây… Máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình dễ dàng bị tiêu diệt ở tầm bắn lên tới 250 km, tên lửa đạn đạo ở tầm bắn trên 60 km".

"Từ vị trí cất giữ, hệ thống có thể được triển khai chỉ trong đúng 3 phút. Hệ thống Triumf có thể đồng thời ngắm bắn 300 mục tiêu một lúc với tổng số tên lửa lên tới 70 quả. Mặc dù nhiều chuyên gia quân sự thường so sánh S-400 với Patriot của Mỹ nhưng hệ thống Patriot còn kém xa về hàng loạt thông số".

Từ những dữ liệu này, Stanavov cho rằng cũng là lẽ tự nhiên khi việc xuất khẩu S-400, đặc biệt lại xuất sang một nước NATO, sẽ làm dấy lên những lo ngại về khả năng bị rò rỉ các bí mật công nghệ quốc phòng, dù phiên bản xuất khẩu đã là phiên bản "hạ cấp" của hệ thống.

Trong cuộc trò chuyện với Stanavov, Viktor Murakshovsky, đại tá lục quân nghỉ hưu và hiện là Tổng biên tập Tạp chí "Kho vũ khí của Tổ quốc" (Arsenal of the Fatherland) đã xoa dịu những lo lắng như vậy, gọi đó là những "bàn luận thiếu hiểu biết".

Murakshovsky cho biết, trên thực tế những tính năng chiến đấu của các mẫu S-400 xuất khẩu kém xa so với các hệ thống trong kho vũ khí của Nga và thiếu những công nghệ mới nhất được Bộ quốc phòng Nga bảo vệ như những bí mật nhà nước.

"Việc soạn thảo quy chế xuất khẩu được kiểm soát bởi một đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Quốc phòng, đó là Cơ quan Liên bang về Hợp tác Kỹ thuật Quân sự.

Nếu không được Bộ quốc phòng cấp visa thì chẳng hạng mục nào có thể đi ra nước ngoài theo cách sẽ bộc lộ mối đe dọa với an ninh quốc gia Nga. Quy định tương tự cũng áp dụng cho hệ thống S-400", Đại tá Murakshovsky giải thích.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng những lo lắng liên quan tới Thổ Nhĩ Kỹ đã đi sai hướng vì các thành viên NATO khác từng sở hữu (và có thể đã nghiên cứu) các hệ thống phòng không tiên tiến của Nga trong nhiều năm. Trong số này có cả Hy Lạp, nước đã sử dụng các hệ thống phòng không Buk và S-300 mà chẳng gặp phiền phức gì từ năm 1999.

Chuyên gia Nga: Có tháo dỡ từng con ốc của S-400 thì NATO cũng chẳng thu được gì! - Ảnh 2.

Một tên lửa phòng không S-300 PMU-1 được phóng đi trong cuộc tập trận quân sự của Hy Lạp gần Chania trên đảo Crete ngày 13/12/2013. Ảnh: Sputnik

Tháo dỡ cũng chẳng giúp ích gì

Chuyển giao S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ là hợp đồng xuất khẩu đầu tiên dạng này của Nga. Nước thứ hai duy nhất mà Nga ký thỏa thuận chuyển giao là Trung Quốc. Bắc Kinh có ý định mua tới 6 tiểu đoàn, tương đương với 48 giàn phóng. Việc chuyển giao hợp đồng này dự kiến sẽ được thực hiện vào cuối năm nay.

Ngoài ra, các cuộc đàm phán với Ấn Độ cũng đang được thực hiện. New Delhi có kế hoạch mua 10 tiểu đoàn hay 80 giàn phóng. Hiện hai nước vẫn đang thảo luận chi tiết hợp đồng.

Mikhail Khodarenko, nhà quan sát quân sự đã nghỉ hưu và là Tổng biên tập Tạp chí "Phòng thủ Hàng không Vũ trụ" nói rằng, thậm chí nếu Thổ Nhĩ Kỳ có giao một hệ thống S-400 cho Mỹ thì cũng chẳng giúp ích gì được trong việc khám phá những bí mật của hệ thống.

"Tất cả những lo lắng về việc lộ bí mật công nghệ đã bị cường điệu hóa, đặc biệt với hệ thống tên lửa phòng không S-400", Khodarenko nói.

"Thậm chí họ có tháo dỡ hệ thống tới từng con ốc mong tìm kiếm được chút bí mật quân sự nào đó, họ cũng sẽ chẳng thu nhận được gì. Ngoài ra, hệ thống này cũng sẽ được chuyển giao cho Trung Quốc và chúng ta chắc chắn nước này sẽ tháo dỡ nó".

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhấn mạnh, điều quan trọng là mặc dù một số khả năng của hệ thống sẽ bị giảm bớt, nhưng phiên bản xuất khẩu của S-400 vẫn giữ được hầu hết khả năng tác chiến, nghĩa là Thổ Nhĩ Kỹ sẽ sở hữu một trọng những hệ thống phòng thủ hiện đại nhất trên thế giới, đủ khả năng khóa không phận bằng một chiếc ô đáng tin cậy".

Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang thiếu hoàn toàn khả năng tên lửa phòng không tầm xa. Quân đội nước này được trang bị các tên lửa MIM-14 Nike Hercules và MIM-23 Hawk tầm trung nhưng những mẫu thiết kế này của Mỹ và NATO đã được đưa vào sử dụng từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước.

Bên canh đó, các tên lửa tầm ngắn Rapier do Anh chế tạo từ những năm 1970 mà Ankara đang sở hữu cũng được xem là đã lỗi thời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại