Theo các chuyên gia quân sự mà hãng thông tấn TASS của Nga khảo sát, tên lửa siêu thanh mà Mỹ thử nghiệm ngày 27/9 không phải là một vũ khí mang tính đột phá.
Ảnh: Raytheon Missiles & Defense/Reuters
Giám đốc phát triển Tổ chức khuyến khích công nghệ thế kỷ 21, ông Ivan Konovalov cho rằng, kết quả thử nghiệm tên lửa siêu thanh mới nhất của Mỹ không thể được coi là thực sự đáng tin cậy.
"Những cuộc thử nghiệm này không đáng tin. Thứ nhất, Mỹ từng nói rằng họ cần thêm rất nhiều thời gian nữa. Sau đó, một loạt thử nghiệm diễn ra thất bại. Giờ đây họ lại nói rằng việc nghiên cứu và phát triển loại vũ khí này đã hoàn thất và các cuộc thử nghiệm cặn kẽ đã được tiến hành", ông Konovalov nói.
Theo ông Konovalov, tên lửa mới của Mỹ sẽ không trở thành "vũ khí mang tính đột phá". Các thông số mà Mỹ tiết lộ không vượt quá những gì đã từng được tuyên bố ở Nga.
Trong khi đó, Nga đã sở hữu năng lực cho phép nước này đối phó với tên lửa mới của Mỹ.
"Hệ thống phòng không mới nhất của Nga có thể đánh chặn xuất sắc loại vũ khí này", ông Konovalov nói.
Tổng biên tập tạp chí Arsenal Otechestva, ông Viktor Murakhovsky nói với TASS rằng, cấp độ phát triển vũ khí siêu thanh mà Mỹ đạt được ngày ngay đã có từ thời Liên Xô.
"Đánh giá dựa trên những gì phía Mỹ tiết lộ, vũ khí mà họ thử nghiệm là tên lửa hành trình siêu thanh, có khả năng đạt tốc độ Mach 5. Liên Xô đã đạt đến bước này từ khi chế tạo ‘sản phẩm 4202’, một đầu đạn siêu thanh", ông Murakhovsky nói.
Ngày 27/9, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết nước này đã thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh có khả năng đạt tốc độ gấp 5 lần âm thanh. Lầu Năm Góc không tiết lộ tên của loại tên lửa này. Tên lửa được cho là do Raytheon phát triển./.