Chuyên gia Mỹ: “Trung Quốc trỗi dậy không mang dấu hiệu hòa bình“

Một nhà bình luận Mỹ chuyên theo dõi về Trung Quốc đã cảnh báo không có gì là hòa bình trong việc nước này phát triển thành một cường quốc.

Với tư cách là một sức mạnh đang trỗi dậy, là nước chủ nhà thượng đỉnh quốc tế G20 trong hai ngày 4-5.9, Trung Quốc đang cố thể hiện là "cường quốc thống trị".

Trong một bài phân tích đăng trên tờ South China Morning Post, được trang mạng News.com.au của Australia trích dẫn ngày 31.8, nhà nghiên cứu Frank Ching nhận định phán quyết của Toà Trọng tài về Biển Đông vào tháng 7.2016 không làm lay chuyển được các kế hoạch của Trung Quốc nhằm tăng cường quyền kiểm soát trong vùng.

Ông viết: "Trong thế giới tưởng tượng của mình, việc thực hiện Giấc mơ Trung Hoa của Chủ tịch Tập Cận Bình một lần nữa lại đặt Trung Quốc thành trọng tâm của thế giới, sau vài thế kỷ bị gián đoạn vì chủ nghĩa tư bản phương Tây".

Từ sau phán quyết của Tòa Trọng tài ở The Hague bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông vì "không có bằng chứng pháp lý để Trung Quốc đòi hỏi các quyền lịch sử của mình trong phạm vi đường 9 đoạn", Trung Quốc không ngừng tăng cường hiện diện trong các vùng tranh chấp.

Báo mạng Washington Free Beacon, trích lời các quan chức của Lầu Năm Góc, cho biết số tàu hải cảnh Trung Quốc gần những khu vực này tăng lên một cách đáng kể trong tháng vừa qua. Cũng trong thời gian này, hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy nhiều nhà chứa máy bay được gia cố để có thể chứa được chiến đấu cơ trên nhiều hòn đảo nhân tạo được Bắc Kinh ra sức bồi đắp.

Được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) và tổ chức Minh bạch Hàng hải Châu Á (Asia Maritime Transparency Initiative) cung cấp, những hình ảnh còn cho thấy nhiều cơ sở hạ tầng phục vụ mục đích quân sự đang được xây trên các bãi đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn. Tất cả các thực thể này đều nằm trong vùng tranh chấp chủ quyền với nhiều nước Đông Nam Á khác.

Bản báo cáo tiết lộ mỗi hòn đảo sắp tới sẽ có khả năng chứa đến 24 chiến đấu cơ, cùng với 3 đến 4 máy bay cỡ lớn, như máy bay trinh sát, oanh tạc cơ hay phi cơ tiếp nhiên liệu. Như vậy, Bắc Kinh có thể phô trương sức mạnh với khoảng 70 chiến đấu cơ trong vùng.

Thậm chí, theo một phát ngôn viên của CSIS, những nhà kho nhỏ nhất cũng có kích cỡ lớn hơn mức cần thiết để chứa máy bay dân sự. Ông nhấn mạnh những kho bãi này "được gia cố để tấn công".

Theo quan điểm của chuyên gia Frank Ching về vấn đề này, Bắc Kinh biện hộ cho những hành động của mình bằng cách "tạo nên một thế giới tưởng tượng", nơi mà mọi hành động của nước này không bao giờ sai trái.

Ông nhận định: "Điều mà Trung Quốc nghĩ trong đầu là quyền của nước này phải là luật pháp. Điều này giải thích sự thống trị ngỗ ngược của Bắc Kinh tại Biển Đông, nơi Trung Quốc tiếp tục đòi hỏi chủ quyền".

Trung tuần tháng Tám, tờ báo nhà nước Study Times viết rằng các nước phương Tây tìm cách cố tình ngăn chặn một Trung Quốc đang trỗi dậy và phủ nhận một tiếng nói đích thực trên trường quốc tế với nhiều chương trình như Hiệp định Tự do Mậu dịch xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại