Trong báo cáo mới nhất của ông Szabo có tựa đề “Nước Nga: Phép thử đối với Quan hệ Xuyên Đại Tây Dương”, ông nhận định: “Nền kinh tế châu Âu đã chịu tổn thất lớn gấp 10 lần Mỹ trong các hoạt động thương mại với Nga”.
“Ví dụ, tổng kim ngạch thương mại giữa EU và Nga đã giảm từ 368,4 tỉ USD vào năm 2013 xuống còn 237 tỉ USD vào năm 2015”, ông Szabo nói.
“Trong khoảng thời gian này, tổng kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Nga đã giảm từ 38,2 tỉ USD xuống còn 23,6 tỉ USD”.
Nói về sự đoàn kết giữa các nước phương Tây, ông nói rằng quan hệ giữa các quốc gia này sẽ có thể gặp khó khăn trong những tháng tới, khi “chính phủ của một số nước đang có sự thay đổi về nhân sự trong vòng 1 năm rưỡi tới”.
“Một chính phủ Mỹ mới sẽ bắt đầu làm việc kể từ tháng 1/2017, trong khi đó Pháp và Đức cũng tổ chức các cuộc bầu cử quan trọng.
Lệnh cấm vận với Nga sẽ còn được bàn thảo để kéo dài thêm vài lần và mối quan hệ giữa các nước phương Tây cũng sẽ bị thử thách”, ông Szabo nhận định.
Vị chuyên gia chính trị người Mỹ không đề cập đến việc một số quốc gia châu Âu đã lên tiếng phản đối lệnh cấm vận với Nga và mong muốn dỡ bỏ nó sớm nhất có thể.
Hiện tại, rất nhiều chính trị gia và nhà kinh doanh ở Đức và Pháp tin rằng lệnh cấm vận chống Nga đang gây sức ép rất lớn đối với kinh tế và chính trị của các nước này.
Họ cũng chỉ trích Mỹ dùng điều kiện tài chính để ngăn họ xóa bỏ những lệnh trừng phạt này.
Không chỉ có Đức và Pháp, các nước Hungary, Hy Lạp, Áo và Ý cũng bắt đầu phản đối lệnh cấm vận đối với Nga.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier mới đây phát biểu rằng khi lệnh trừng phạt kinh tế với Nga hết hạn vào mùa hè này, nhiều khả năng EU sẽ càng khó tìm được tiếng nói chung khi nhiều nước thành viên đang tỏ ra không hài lòng khi lệnh cấm vận có thể sẽ bị tiếp tục kéo dài.