Dưới đây là phần lược dịch các nhận định của các chuyên gia Mỹ Tướng Dell Dailey (từng chỉ huy vô số các chiến dịch đặc biệt) và James P. Farwell (từng làm cố vấn cho Bộ Quốc phòng Mỹ):
Phương Tây bị ám ảnh bởi kịch bản Nga tấn công quân sự vào Ukraine
Việc Tổng thống Nga Putin ồ ạt điều quân tới sát biên giới với Ukraine và Tổng thống Mỹ Joe Biden đe dọa sẽ trừng phạt Nga để đáp trả nếu Nga can thiệp quân sự vào Ukraine đã cho thấy mối nguy hiểm khi con người tính toán nhầm và gây ra một cuộc chiến tranh mà không bên nào muốn gặp phải.
Mỗi bên có thể tính toán nhầm về những điều đối phương làm, và các lựa chọn của mỗi bên có thể bất đối xứng với bên kia.
Dailey và Farwell cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây khó lòng chấm dứt được một cuộc tấn công như thế. Cho nên, theo họ, vấn đề không phải là liệu phương Tây có răn đe được hay không.
Các thông tin từ nguồn mở cho thấy Nga có thể đã xâm nhập được vào các yếu tố của mạng lưới điện lực Mỹ. Phần mềm mã độc của Nga được cho là có khả năng gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng trọng yếu của Mỹ cũng như khả năng truy cập internet tại đây.
Phương Tây ở trong thế yếu trước các cuộc tấn công mạng từ phía Nga và đây được xem là thách thức lâu dài của phương Tây.
Tổng thống Putin xem Ukraine có mối gắn bó mật thiết về lịch sử và văn hóa với Nga. Và cách nhìn nhận này được các chuyên gia phương Tây cho là có khả năng tác động lên chiến lược của ông Putin. Họ dự đoán ông Putin có thể mong muốn tạo ra một di sản dài lâu khi ông đã gần 70 tuổi.
Phương Tây nhận định, với việc Tổng thống Putin coi sự tan rã của Liên Xô là một thảm kịch địa chính trị thì ông Putin có khả năng sẽ coi di sản của mình phải là khôi phục lại ảnh hưởng của Liên Xô xưa, theo hướng “Làm nước Nga vĩ đại trở lại”.
Các động thái của ông Putin cả ở gần Ukraine và ở Kazakhstan mới đây đều khiến phương Tây phải dè chừng.
Chuyên gia phương Tây đánh giá Tổng thống Putin là con người thông minh và tháo vát. Nhưng họ cũng ghi nhận ông Putin có nhiều cảm xúc và tràn đầy niềm tự hào dân tộc. Cả lý trí và cảm xúc của Putin đều có thể thúc đẩy ông ra tay quyết liệt.
Phương Tây e ngại ông Putin có thể động thủ trong tầm 4 tới 6 tuần nữa. Kịch bản mà phương Tây dự đoán như sau: Quân đội Nga sẽ không tiến vào toàn lãnh thổ Ukraine mà chỉ tiến vào miền đông nước này.
Đồng thời, Nga dựa trên uy lực của mình sẽ gây ảnh hưởng chính trị lên nửa phía tây của Ukraine. Phương Tây đánh giá Nga không đủ nguồn lực tài chính để đưa quân vào toàn lãnh thổ Ukraine. Chưa kể quân Nga có thể vấp phải chiến tranh du kích khiến họ bị thương vong lớn.
Đối sách của Mỹ phải là đại chiến lược
Hai chuyên gia Mỹ Dailey và Farwell cho rằng Mỹ cần một đại chiến lược để ứng phó với Nga. Theo họ, đại chiến lược này cần khảo sát xem mối quan hệ nào là khả dĩ đối với nước Nga. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra như sau:
Hậu quả rộng lớn hơn của hành động đối với Ukraine? Mỹ sẽ xử lý thế nào trước tình trạng leo thang căng thẳng nhanh chóng?
Ngoài gửi quân thì nên ủng hộ quân sự ở chừng mực nào cho khôn ngoan? Liệu phản ứng của phương Tây có đẩy Nga gia nhập một liên minh thân cận với Trung Quốc ? Có tìm được điểm tương đồng? Đâu là các cạm bẫy nguy hiểm?
Các chuyên gia này nhận định rằng chiến lược của Mỹ một mặt phải cứng rắn nhưng mặt khác phải đồng thời khôn khéo. Theo họ, chiến lược này phải bảo đảm cái mà họ gọi là nền độc lập của Ukraine trước Nga.
Nhưng đồng thời chiến lược đó cũng phải tính đến các lợi ích sống còn của Nga và xử lý điều đó theo những cách thức không gây hại cho lợi ích của cả Mỹ và Ukraine. Một hướng giải quyết là để Ukraine chấp nhận một quy chế tương tự như nước Áo – nước này duy trì độc lập và tự do nhưng không nghiêng về riêng Mỹ hoặc Nga.
Dailey và Farwell đánh giá rằng dù chiến lược đi theo hướng nào thì cũng phải thuyết phục Nga không liên kết với Trung Quốc.
Họ cho rằng, dù Nga không phải là bạn của Mỹ, các lợi ích an ninh của Nga vẫn đồng điệu với mục tiêu của Mỹ là ngăn chặn Trung Quốc đặt được giấc mơ giành ưu thế áp đảo về kinh tế và quân sự trên quy mô toàn cầu vào năm 2049, từ đó chấm dứt trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế.
Làm sao Mỹ sẽ đạt được tất cả những điều này?
Hai chuyên gia trên gợi ý, xét ở góc độ lý tưởng, chính quyền Tổng thống Biden nên khởi động một dự án Solarium mới giống dự án mà Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower đã khởi xướng vào năm 1953 để hình thành một đại chiến lược nhằm đối phó với phe Liên Xô, theo hướng kiềm chế hữu hiệu.