Giới chuyên gia quân sự từ tạp chí National Interest nổi tiếng của Mỹ nhận định, xe tăng T-90 của Nga hoạt động tốt hơn bất cứ phương tiện chiến đấu nào mà Mỹ mang đến các cuộc xung đột ở Trung Đông, Sputnik ngày 3-11 đưa tin.
Xe tăng M1 Abrams của Mỹ bị bắn cháy ở Iraq. Ảnh: ITN
Vì các nhược điểm về mặt kĩ thuật, quân đội Iraq đã không thể sử dụng xe tăng M1-Abrams để chống lại các tay súng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Họ sau đó đã buộc phải bỏ lại những chiếc xe tăng này trên chiến trường và rồi bị các tay súng IS chiếm giữ.
Cụ thể, ông Sebastien Roblin, một chuyên gia về an ninh và giải quyết xung đột từ trường Đại học Georgetown (Mỹ), cho biết các xe tăng M1-Abrams do Mỹ chế tạo được bàn giao cho quân đội Iraq hồi năm 2014 đã gần như không giúp gì cho quân đội Iraq, mà thậm chí còn khiến tình hình tồi tệ hơn.
Ở chiến trường Yemen, nơi Saudi Arabia cung cấp loạt xe tăng M1 cho các lực lượng thân cận, loại thiết giáp được Mỹ mô tả là hiện đại nhất thế giới này cũng liên tiếp bị phiến quân Houthi bắn nổ.
Xe tăng Leopard-2 cũng bị đánh giá là hoạt động thiếu hiệu quả. Ảnh: ITN
Cũng theo chuyên gia National Interest, các xe tăng chủng loại M60 Patton và Sabra của Mỹ cùng với phương tiện chiến đấu Leopard-2 của Đức, do quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu, cũng không thể kháng cự trước lực lượng dân quân người Kurd và IS cho các cuộc giao tranh.
Trong khi đó, riêng xe tăng T-90 của Nga thì lại hoàn toàn khác. Kể từ khi Nga cung cấp các phương tiện này cho Damascus vào năm 2015, quân đội Syria liên tiếp giành được thắng lợi trên các mặt trận chống lại khủng bố.
Chúng sau đó lập tức được biên chế hàng loạt cho các đơn vị tăng thiết giáp tinh nhuệ của quân chính phủ, tham chiến ở hầu hết các chiến trường trọng điểm trên lãnh thổ Syria.
Nhằm minh chứng rõ nét sự vượt trội của xe tăng T-90 của Nga, chuyên gia Roblin lưu ý tới một đoạn băng video do phe đối lập Syria công bố hồi tháng 2-2016, khi một quả tên lửa chống tăng TOW hiện đại bị giáp Kontakt-5 của xe tăng vô hiệu hóa và không thể khiến chiếc xe tăng dừng bước.
Tại Nga, xe tăng T-90 đi vào hoạt động hồi năm 1993, nhằm thay thế các phiên bản T-80 và T-72. Nga đã tạm dừng việc sản xuất hàng loạt xe tăng T-90 để tập trung cho thế hệ tăng đời mới là T-14 Armata. Tuy nhiên, các xe tăng T-90 trong biên chế quân đội vẫn thường xuyên được nâng cấp để tiếp tục phục vụ hàng chục năm nữa.