Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố nước này gần như đã cân bằng với Mỹ, mặc dù theo các quan sát viên Nga điều này mang tính phóng đại nhiều hơn. Song chính các quan sát viên này cho rằng Bình Nhưỡng đã đủ năng lực để phóng tên lửa tới Mỹ như nước này tuyên bố.
Phát biểu tại buổi hội thảo về việc cấm phổ biến vũ khí hạt nhân tại Matxcơva, Nga, người đứng đầu bộ phận Bắc Mỹ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui đã tuyên bố Triều Tiên đang sắp đuổi kịp Mỹ về năng lực hạt nhân.
Tên lửa chống hạm Kumsong-3 của Triều Tiên trong lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Mặt trời năm 2017. (Ảnh: KCNA)
"Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là đạt thế cân bằng với Mỹ, để họ không thể có ý định bàn luận về bất cứ hành động quân sự nào chống Triều Tiên", nhà ngoại giao Triều Tiên này tuyên bố. Bà Choe một lần nữa khẳng định rằng vũ khí hạt nhân là vấn đề sống còn của Triều Tiên và quốc gia này không có kế hoạch đàm phán với Washington ở vị thế hiện tại.
Bà Choe nhấn mạnh: "Tình hình hiện tại càng củng cố nhận định của chúng tôi rằng chúng tôi cần vũ khí hạt nhân để chống lại 1 cuộc tấn công tiềm tàng". Nhà ngoại giao này cũng nói thêm, hiện Triều Tiên đang nằm dưới mối đe dọa hạt nhân từ Mỹ và chỉ có duy nhất Mỹ liên tục nhắm vào năng lực hạt nhân của Triều Tiên.
Triều Tiên thử tên lửa chống hạm Kumsong-3. (Ảnh: MDAA)
Bình luận về phát biểu của bà Choe, nhà nghiên cứu Evgeny Kim thuộc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho rằng Bình Nhưỡng có thể phóng đại về sức mạnh quân sự của mình khi tuyên bố đã gần theo kịp sức mạnh quân sự của Mỹ, cũng như có thể gây ra thiệt hại nặng nề cho siêu cường này trong trường hợp chiến tranh nổ ra.
"Đương nhiên, có một số sự phóng đại ở đây, bởi lẽ Triều Tiên khó có thể đạt được vị trí ngang bằng với Mỹ trong công nghệ tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, ở thời điểm hiện tại cũng như thập kỷ tới", ông Kim nói.
Chuyên gia này giải thích, "thứ nhất họ chưa có hệ thống mang đầu đạn hạt nhân như Mỹ đang sở hữu... Thứ hai, họ không sở hữu nhiều đầu đạn hạt nhân như Mỹ. Triều Tiên đã thử đầu đạn hạt nhân, nhưng chưa sản xuất hàng loạt. Họ chỉ có thể sản xuất hàng loạt sau khoảng từ 2 đến 3 năm nữa".
Tuy nhiên, ông Kim khẳng định rằng "về khía cạnh nào đó họ vẫn có lý khi nói rằng họ có thể gây thiệt hại cho quân đội Mỹ. Ví dụ, biên đội tàu sân bay USS Ronald Reagan đóng quân tại biển Nhật Bản. Triều Tiên hoàn toàn có thể sử dụng toàn bộ công nghệ tên lửa hiện có để tiêu diệt tàu sân bay này".
Hải quân Mỹ triển khai tàu sân bay USS Ronald Reagan cùng khu trục hạm lớp Arleigh Burke USS Stethem, cùng nhiều chiến hạm của Hải quân Hàn Quốc tại bờ biển phía đông bán đảo Triều Tiên từ ngày 18/10/2017. Cuộc tập trận chung giữa Hải quân Mỹ và Hàn Quốc, cùng các hoạt động khác của quân đội 2 nước này đã bị Triều Tiên phản ứng rất dữ dội trong thời gian qua.