Chuyên gia: Hết tên lửa hành trình Tomahawk, Mỹ như lính chiến lâm trận mà không có đạn

Trung Phạm |

Theo chuyên gia Jonathan Bergner, việc thiếu hụt tên lửa hành trình Tomahawk sẽ khiến các đối thủ tiềm ẩn cho rằng Mỹ không dám tấn công và khả năng ngăn chặn cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Tên lửa hành trình Tomahawk là "sứ giả chiến tranh" - một trong những vũ khí hiệu quả nhất và được sử dụng với cường độ cao nhất trong kho vũ trang của Mỹ. Tuy nhiên, thật đáng tiếc, nước Mỹ đã quyết định ngừng sản xuất nó.

Tháng trước, Hải quân Mỹ đã đặt đơn hàng cuối cùng mua 100 quả Tomahawk, đồng thời đóng dây chuyền sản xuất với lý do đã có một loại tên lửa hành trình mới đang được phát triển.

Theo Jonathan Bergner, chuyên gia phân tích chính sách an ninh quốc gia độc lập trên trang Defense News thì "điều này tốt thôi, nhưng cần biết rằng các tên lửa mới sẽ chưa thể sẵn có để đưa vào hoạt động cho tới tận năm 2030".

Trong khi đó, Mỹ vẫn cần phải duy trì, thậm chí là gia tăng kho tên lửa hành trình của mình, vốn vẫn được miêu tả như loại "vũ khí được ưa chuộng hàng đầu".

"Hãy nhìn vào số lượng. Mặc dù con số chính xác không được công bố công khai nhưng ước tính mỗi năm Hải quân Mỹ bắn đi khoảng 100 quả Tomahawk", chuyên gia Jonathan Bergner nói.

Trong 15 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã sử dụng Tomahawk ít nhất 2 lần. Lần đầu là phóng khoảng 60 quả tấn công căn cứ không quân Shayrat ở Syria nhằm đáp trả cáo buộc Chính phủ Tổng thống Bashar Assad sử dụng vũ khí hóa học.

Lần thứ 2 diễn ra vào tháng 4/2018 khi Mỹ cùng với Pháp và Anh một lần nữa phóng hơn 100 quả Tomahawk tấn công các mục tiêu cũng bị nghi là chế tạo hoặc cất trữ vũ khí hóa học của Syria.

Ngay cả với đơn hàng cuối cùng kể trên, số lượng tên lửa Tomahawk dự trữ của nước Mỹ vẫn chưa thể trở về mức như trước thời kỳ tổng thống Donald Trump bắt đầu chấp chính và với tốc độ "tiêu dùng" như hiện tại, kho vũ khí này có thể cạn kiệt trong vòng 5 năm tới.

Chuyên gia: Hết tên lửa hành trình Tomahawk, Mỹ như lính chiến lâm trận mà không có đạn - Ảnh 1.

Thiếu Tomahawk, Mỹ "lực bất tòng tâm"?

Để ngăn chặn các cuộc tấn công tiềm tàng, Mỹ phải chứng tỏ cho đối phương thấy rằng "chúng ta vừa có khả năng vừa có quyết tâm đáp trả. Đối thủ phải tin rằng chúng ta có thể và sẽ phản công đáp trả". Mỹ đã triển khai Tomahawk trong rất nhiều tình huống khác nhau nhưng không phải lúc nào cũng sẵn sàng sử dụng tới, thay vào đó có thể điều động lục quân.

Nhưng theo Jonathan Bergner, dù thế nào thì "Mỹ cũng phải dự trữ sẵn Tomahawk để sử dụng". Do số lượng tên lửa hành trình giảm đi mà vũ khí mới thay thế lại chưa có nên mỗi quả tên lửa sẽ càng trở nên quý giá hơn và chi phí sử dụng cũng sẽ tăng cao.

Điều gì sẽ xảy ra khi nước Mỹ cần tới Tomahawk cho một cuộc xung đột tốn kém hơn so với những trận chiến đã qua? Khi nguồn dự trữ còn lại thu hẹp, một quyết định triển khai Tomahawk sẽ càng trở nên khó khăn hơn đối với các tư lệnh quân sự, và cuối cùng là đặt lên vai Tổng tư lệnh.

Điều gì sẽ xảy ra nếu giải pháp đáp trả duy nhất được chấp nhận cho một tình huống cụ thể phải cần tới việc sử dụng vũ khí tấn công tầm xa, hiệu quả cao như Tomahawk? "Chúng ta không nên để các tư lệnh quân sự và Tổng tư lệnh vào tình huống như thế", Jonathan Bergner nhận xét.

Những lựa chọn kiểu như "được ăn cả ngã về không" chắc chắn sẽ chẳng dẫn tới đâu. Không hành động gì, đến lượt nó, có thể khiến "các đối thủ của chúng ta cho rằng nước Mỹ không dám tấn công và khả năng ngăn chặn của chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng".

Chính phủ và Quốc hội Mỹ hiện đã quyết định gia tăng đáng kể chi tiêu quân sự. Ngân sách quốc phòng năm 2018 tăng thêm 61 tỷ USD so với năm 2017, và tiếp tục bổ sung thêm 16 tỷ USD nữa cho năm 2019.

Việc gia tăng này là cần thiết và đang được triển khai theo nhiều cách tích cực, gồm cả các khoản tăng chi tiêu cho hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo và đóng tàu hải quân.

Trợ lý Bộ trưởng Hải quân James Geurts gần đây cho biết, theo kế hoạch và dự toán ngân sách hiện tại, Mỹ có thể nâng số tàu hải quân từ 282 hiện nay lên tới 355 chiếc vào năm 2030. Điều này cũng sẽ tăng cường thêm khả năng khuếch trương sức mạnh và gia tăng khả năng răn đe thông thường của Mỹ.

Tuy nhiên, việc thiếu đi khả năng tấn công linh hoạt mà Tomahawk mang lại sẽ hạn chế rất nhiều lợi thế răn đe của các tàu đóng mới. "Trang bị thêm tàu mà không mua tên lửa chẳng khác nào chế tạo xe tăng mà không có pháo hay điều lính ra chiến trường, mang súng mà không có đạn", Jonathan Bergner bình luận.

Một tàu khu trục lớp Aegis và một tàu ngầm lớp Ohio có khả năng mang tổng cộng lên tới 250 tên lửa hành trình.

Khi hạ thủy các tàu chiến mới và nếu Mỹ tiếp tục sử dụng Tomahawk ở mức trung bình như trước đây, lực lượng hải quân có thể phải cần tới hàng nghìn tên lửa trong thập kỷ tới hoặc thậm chí nhiều hơn.

Khi thảo luận về Đạo luật Phân bổ Ngân sách Quốc phòng 2019, Quốc hội Mỹ cần xem xét lại việc chấm dứt dây chuyền sản xuất tên lửa Tomahawk mới.

Nếu không, một ngày nào đó, "chúng ta sẽ phải rơi vào tình huống "lực bất tòng tâm" hay nói cách khác là muốn đánh mà không có đạn", chuyên gia Jonathan Bergner nhận xét.

Hải quân Mỹ công bố video tàu ngầm USS John Warner phóng tên lửa hành trình tấn công Syria

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại