JH-7AII tham gia Army Games 2019 để lại sự "bối rối"
Hôm 6/8, Tân Hoa Xã cho biết biến thể mới của cường kích Xian JH-7A, được đặt tên là JH-7AII, đã được gửi hồi đầu tháng này cho Army Games 2019 diễn ra gần Moscow, Nga.
Ngày hôm sau, Weihutang (Uy Hổ Đường), một chuyên mục quân sự của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, cũng đã một lần nữa nhắc lại tên JH-7AII.
Máy bay JH-7AII xuất hiện vào đầu tháng 8 trong cuộc thi Aviadarts 2019 được tổ chức tại Nga
Các chuyên gia nước ngoài đã rất vất vả để tìm ra những cải tiến mới trên biến thể này, việc này cũng nhằm tìm ra mục đích sử dụng hoặc chiến thuật áp dụng của Trung Quốc trong tương lai đối với loại máy bay này.
"Trong khi thiết kế khí động học của JH-7AII dường như không khác nhiều so với JH-7A, các hệ thống bên trong của máy bay có thể đã được nâng cấp", Wei Dongxu, nhà phân tích quân sự có trụ sở tại Bắc Kinh, nói với tờ Thời báo Hoàn cầu ngày 8/8.
Ông lưu ý rằng, JH-7AII có thể được trang bị hệ thống radar và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến hơn, giúp nâng cao hiệu suất hoạt động.
Tuy nhiên, không có báo cáo chi tiết nào được đưa ra về những nâng cấp của JH-7AII so với JH-7A và ngoại hình của máy bay cũng không cho thấy sự thay đổi, khiến các chuyên gia quân sự "bối rối".
JH-7AⅡ được cho là đã nâng cấp máy tính kiểm soát thực hiện nhiệm vụ, hệ thống cung cấp năng lượng và khả năng xử lý của radar để thích nghi tốt hơn với các ECM (Thiết bị chế áp điện tử).
Một "cú lừa ngoạn mục"?
Tạp chí quốc phòng Jane đã từng lưu ý về "biến thể đồn đại" JH-7B xuất hiện vào khoảng năm 2013, nó được cho là có khả năng tiếp nhiên liệu trên không, đi kèm với việc nâng cấp động cơ và radar. Tuy nhiên, JH-7B hóa ra chỉ là một tin đồn.
Một chiếc JH-7
Ngay chính tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cũng lưu ý rằng theo các nhà quan sát quân sự nhận xét thì TQ không có nhiều cơ hội để cải tiến JH-7 và một số ý kiến đã đề xuất loại biên hoàn toàn JH-7 và thay thế bằng máy bay Thẩm Dương J-16 (được giới thiệu vào năm 2013).
Được chế tạo bởi Tập đoàn công nghiệp máy bay Tây An, cường kích thế hệ thứ tư JH-7 được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1988, nhưng cho tới khi xuất hiện biến thể cải tiến JH-7A (2004) nó mới chính thức được đưa vào trang bị.
Tờ National Interest cũng lưu ý rằng JH-7 được lấy cảm hứng từ General Dynamics F-111 Aardvark, một chiếc máy bay đa năng hai động cơ được sử dụng bởi Hải quân và Không quân Hoa Kỳ trong các nhiệm vụ ném bom chiến lược.
Một chiếc EF-111A (Biến thể chiến tranh điện tử của Hải quân Hoa Kỳ)
Các biến thể hải quân của F-111 được cho là những máy bay có khả năng mạnh mẽ nhất.
Với chiều dài 22,4 m máy bay quá lớn để hạ cánh trên một tàu sân bay (mặc dù đây là phương án có sẵn cho F-111), tuy nhiên mối nguy hiểm mà nó có thể gây ra cho lực lượng hải quân đối phương hoàn toàn không bị đánh giá thấp.
Một chiếc F-111A bị bắn rơi ở miền bắc Việt Nam
Hay "lời cảnh báo" của Trung Quốc?
"Phiên bản Trung Quốc của F-111" JH-7A, có tốc độ tối đa Mach 1,75 (1.809 km/h), khả năng chiến đấu độc lập trong vòng 900 dặm hoặc lên đến 1.100 dặm (1.760 km) nếu bổ sung trên thùng nhiên liệu.
Nói cách khác JH-7A của Trung Quốc có thể nhanh chóng có mặt ở các vùng biển xa, cất cánh từ Hải Nam nó có thể tiếp cận bất kỳ địa điểm nào ở Biển Đông, và nếu cất cánh ở căn cứ ở Hạ Môn, nó có thể tham chiến ở khu vực chiếm phân nửa khoảng cách đến đảo Guam của Mỹ.
JH-7A được trang bị những vũ khí tốt nhất trong kho vũ khí của Trung Quốc như tên lửa tầm xa chống hạm (có thể mang lên tới 4 tên lửa KD-88 hoặc YJ-83) các tên lửa này có phạm vi tấn công lớn hơn 180 km và được trang bị radar bám bắt mục tiêu trong pha cuối.
Vũ khí trang bị trên JH-7A
Ngoài ra, radar Doppler JL-10A của máy bay giúp nó bay thấp trên mặt đất hoặc trên biển, nghĩa là khả năng "bất thần" tiếp cận và tấn công các hạm đội hải quân khiến JH-7A trở thành mối nguy hiểm thực sự .
Trung Quốc cũng sử dụng thiết bị gây nhiễu (chế áp điện tử) KG600 trên các máy bay JH-7A, điều này có thể làm giảm thiểu tầm bắn nhưng cũng khiến tàu chiến hoặc máy bay đối phương không thể xác định nguy hiểm sắp tới.
Thiết bị chế áp điện tử KG600 trên JH-7A
Một phương pháp phổ biến của các kế hoạch tập kích là kết hợp KG600 với radar dẫn bắn LD-10 và tên lửa chống radar YJ-91.
Một khi radar đối phương cố gắng tăng cường độ hoạt động để vượt qua nhiễu của chế áp điện tử, có thể vô tình sẽ biến chính nó thành mục tiêu tuyệt vời cho một chiếc JH-7A đang "săn mồi".
Nếu khả năng tấn công nói trên được cải thiện trong JH-7AII, điều đó sẽ chứng minh cho việc tại sao TQ lại tiếp tục nâng cấp nó.
PLAAF (Không quân) và PLAN (Hải quân Trung Quốc) hiện đang có từ 215 đến 240 chiếc JH-7A và vẫn tiếp tục duy trì hoạt động.
JH-7A của Trung Quốc trong huấn luyện