Chuyên gia Anh: Trận "đại chiến" của xung đột 30 năm Armenia-Azerbaijan sắp diễn ra?

Hoài Giang |

Đã hơn 30 năm tính từ thời điểm bùng phát xung đột giữa Armenia và Azerbaijan về vấn đề Nagorno-Karabakh, và hiện tại cả hai phía đang đứng trước một "ngã rẽ tử thần".

Mới đây, tờ Open Caucasus Media (OC Media) đăng tải bài phân tích của tác giả Laurence Broers có nhan đề: "Analysis: A dangerous turn in a 30-year conflict" (tạm dịch: Phân tích: Ngã rẽ nguy hiểm trong cuộc xung đột 30 năm).

Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn tương đối khách quan trong bối cảnh xung đột đẫm máu giữa AzerbaijanArmenia ở Nagorno-Karabakh chưa có dấu hiệu kết thúc, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Trận "đại chiến" ở Nagorno-Karabakh sắp diễn ra ở đâu?

Giao tranh giữa Azerbaijan và Armenia đã diễn ra hơn một tuần ở Nagorno-Karabakh là một điểm nhấn đẫm máu trong cuộc xung đột kéo dài hơn 30 năm giữa hai quốc gia.

Điều này được thể hiện bởi quy mô và phạm vi của các cuộc giao tranh, được đánh giá là nguy hiểm nhất kể từ khi hai phía ngưng bắn.

Ngày 5/10, Bộ Quốc phòng Armenia xác nhận tổng cộng 228 quân nhân nước này đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh vẫn đang tiếp diễn ở Nagorno-Karabakh. Phía Azerbaijan không công bố dữ liệu về phía họ nhưng tổn thất của họ có thể được suy đoán là khá lớn.

Hàng chục dân thường đã thiệt mạng và thiệt hại hạ tầng dân sự của cả hai phía do pháo kích được cho là đáng kể.

Chuyên gia Anh: Trận đại chiến của xung đột 30 năm Armenia-Azerbaijan sắp diễn ra? - Ảnh 1.

Hình minh họa.

Theo các cáo buộc qua lại của Baku và Yeveran, đạn pháo phản lực và tên lửa đạn đạo chiến thuật cũng đã công kích các mục tiêu bên ngoài Nagorno-Karabakh, bao gồm cả ở Armenia lẫn Azerbaijan.

Nếu chỉ nhìn ở phương diện quân sự, rõ ràng đây là một cuộc hành quân có chủ đích của phía Azerbaijan, có quy mô lớn hơn đáng kể nếu so với hoạt động quân sự đã diễn ra ở Nagorno-Karabakh vào tháng 4/2016.

Căn cứ vào việc chiến sự tập trung ở hướng Fizuli-Jebrayil, đông nam Nagorno-Karabakh hơn là dãy núi Murov phía bắc, mục tiêu dường như là tái chiếm (theo Baku là "giải phóng") một khu vực rộng hơn đáng kể so với 800 Hecta vào năm 2016.

Rất có thể những ngày tới giao tranh tại đây sẽ trở nên cực kỳ ác liệt.

Chuyên gia Anh: Trận đại chiến của xung đột 30 năm Armenia-Azerbaijan sắp diễn ra? - Ảnh 2.

Các khu vực giao tranh ác liệt dọc theo "tuyến liên lạc" ở Nagorno-Karabakh (Nguồn: OC Media).

Vì sao Azerbaijan quyết "giải phóng" Nagorno-Karabakh?

Trái ngược với phương diện quân sự, ở phương diện chính trị thì vấn đề trở nên phức tạp hơn nhiều.

Các quan chức cao cấp của Baku đã gọi cuộc xung đột là "chiến tranh bảo vệ tổ quốc", nhằm mục đích chấm dứt sự chiếm đóng của người Armenia và việc hàng trăm nghìn người Azerbaijan buộc phải di tản.

Theo quan điểm này, có thể thấy nó có sự tương đồng với "Chiến dịch Bão táp" của Quân đội Croatia vào năm 1995, chấm dứt sự tồn tại của thực thể Cộng hòa Srpska Krajina ly khai.

Tuy nhiên, không giống như Cộng hòa Srpska Krajina những năm 1990, Cộng hòa Artsakh ly khai ở Nagorno-Karabakh đã nhận được sự hỗ trợ vững chắc của Armenia, mà bản thân nước này lại được người Nga bảo vệ bởi một Hiệp định quân sự.

Hiện tại, Yerevan đang nhấn mạnh rằng không cần thiết tới sự hỗ trợ của Moscow, nhưng quan điểm này có thể thay đổi nếu xung đột tiếp tục leo thang tới mức nằm ngoài sự kiểm soát của Armenia.

Yeveran cáo buộc Baku tiến hành tấn công cầu nối Armenia với Nagorno-Karabakh bằng tên lửa đạn đạo LORA do Israel sản xuất hôm 2/10 (Nguồn: Sputnik).

Yếu tố then chốt thứ hai khiến xung đột bùng phát ở Nagorno-Karabakh được cho là ảnh hưởng từ bên trong và bên ngoài đã kết hợp theo những cách hoàn toàn mới để thay đổi các tính toán quân sự của Azerbaijan)

Đợt bùng phát xung đột này diễn ra sau 2 năm đầy biến động của khu vực. Vào tháng 4/2018, Armenia đã nổ ra ​​cuộc "Cách mạng Nhung" mà đi kèm với nó là những kỳ vọng "phóng đại" về việc "tái thiết lập" tiến trình hòa bình ở Nagorno-Karabakh.

Kể từ đó, đã có một sự "thụt lùi" mang tính biểu tượng về chính trị đối với cuộc xung đột, khi các chính phủ ở hai bên chiến tuyến phải đối mặt với những thách thức ngay trong nước, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đi cùng với nó là cuộc đụng độ nổ ra tại một số điểm dọc tuyến biên giới giữa Armenia và Azerbaijan vào tháng 7/2020.

Chuyên gia Anh: Trận đại chiến của xung đột 30 năm Armenia-Azerbaijan sắp diễn ra? - Ảnh 4.

Binh sĩ Azerbaijan canh gác tại một cứ điểm ở Nagorno-Karabakh giai đoạn 2016-2017 (Nguồn: Reuter).

Tổn thất của phía Azerbaijan được cho là nặng nề hơn Armenia (14/17 quân nhân thiệt mạng) có nguy cơ làm đổ bể câu chuyện về ưu thế quân sự đang dần hồi phục của Baku - thứ được lan truyền từ đợt bùng phát xung đột ở Nagorno-Karabakh vào tháng 4/2016.

Các cuộc biểu tình tự phát ở Baku liên quan tới đụng độ tháng 7/2020 cũng cho thấy một tâm lý phổ biến trong người dân Azerbaijan hướng về việc ủng hộ giải pháp quân sự để giải quyết các tranh chấp với phía Armenia.

Tất cả diễn ra khi Azerbaijan đang phải đối mặt với những thách thức của thế giới hậu đại dịch với một nền kinh tế chưa thể hoàn toàn thoát khỏi sự phụ thuộc vào tài nguyên dầu khí.

Có thể đã có một tính toán cho rằng chiến thắng về mặt quân sự có thể cung cấp một sự bảo vệ nhất định về chính trị trong nước trước khi đối mặt với một thời gian "thử thách xã hội" đầy gian nan.

Azerbaijan là một quốc gia tương đối nhỏ nên hành động phiêu lưu về mặt quân sự đi kèm với nguy cơ bị cô lập nghiêm trọng trên trường quốc tế. Sự hỗ trợ ngày càng rõ rệt của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm giảm nguy cơ đó.

Việc Ankara hỗ trợ quân sự cho Baku tất nhiên không phải là điều mới.

Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa biên giới với Armenia từ tháng 4/1993 để phản đối việc lực lượng nước này chiếm đóng quận Kelbajar thuộc Nagorny-Karabakh.

Vào năm 2016, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã đưa các tuyên bố ủng hộ "hùng hồn" cho Azerbaijan. Vào tháng 7/2020, các cuộc tiếp xúc giữa các quan chức quốc phòng của hai nước đã liên tục diễn ra, đi cùng với các cuộc tập trận chung có quy mô lớn diễn ra ngay sau đó.

Chủ đề tranh cãi gay gắt hiện tại là có quá sớm để đưa ra kết luận rằng sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Azerbaijan bao gồm việc "sử dụng tích cực" sức mạnh không quân và lính đánh thuê Syria của Ankara như cáo buộc của phía Armenia hay không.

Tuy nhiên, có rất ít phản bác liên quan tới việc Thổ Nhĩ Kỳ đang hỗ trợ Azerbaijan trên một số phương diện khác trong bối cảnh xung đột hiện tại, chẳng hạn như công nghệ máy bay không người lái (UAV) quân sự.

UAV của Quân đội Azerbaijan hoạt động hiệu quả ở Nagorno-Karabakh.

"Thế giới đa cực" là thách thức mới đối với hòa bình giữa Azerbaijan và Armenia?

Thái độ "tích cực" của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột là dấu hiệu của sự chuyển dịch toàn cầu và khu vực đối với trật tự quốc tế.

Nói cách khác, trật tự đơn cực do Mỹ thống trị cuối thế kỷ 20 dần chuyển sang trật tự đa cực, với đặc trưng là tranh chấp giữa một số cường quốc toàn cầu và khu vực.

Việc khu vực hóa các điểm nóng cũng bắt nguồn từ xu thế này, khi các cường quốc "mới nổi" tìm cách gây ảnh hưởng ở các khu vực lân cận quốc gia của họ.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là hai cường quốc như vậy, họ đã và vẫn sẽ tiếp tục can thiệp vào nhiều cuộc xung đột ở Đông Âu, Trung Đông và Bắc Phi trong bối cảnh người Mỹ đang tìm cách "rút chân" khỏi các "vũng lầy".

Bạo lực ở Nagorno-Karabakh hiện tại tạo ra khả năng biến tổng thể cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan trở thành một trong những chiến trường nơi người Nga và người Thổ đọ sức.

Xét một cách toàn diện, một loạt các cuộc xung đột khu vực sẽ tạo thành một thế trận đối đầu liên tục mà qua đó Moscow và Ankara có thể sử dụng để đánh đổi thông qua các cuộc đàm phán.

Viễn cảnh này là hình mẫu của cuộc khủng hoảng rộng lớn hơn trong ngoại giao đa phương và các nguyên tắc đã làm nền tảng cho quá trình hòa giải kéo dài hàng thập kỷ do Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) dẫn đầu.

Thái độ không hài lòng đối với quá trình đàm phán không lối thoát của Nhóm Minsk lẽ dĩ nhiên là động lực chính cho các tuyên bố và hành động hiện tại của phía Azerbaijan.

Điều này cũng gắn liền với nghi ngờ của Baku rằng các đề xuất hòa giải của Nhóm Minsk, nếu thành công, rất có thể kết thúc bằng việc thực thể Cộng hòa Artsakh ly khai dần trở nên hợp pháp.

Một đoạn phim được đăng tải trên mạng xã hội Twitter hôm 1/10 cho thấy các tay súng Cộng hòa Artsakh ly khai tiến chiếm một cao điểm trong xung đột Nargono-Karabakh.

Một điểm quan trọng hơn cả, là theo quan điểm của Baku, việc kéo dài vô thời hạn của quá trình đàm phán chỉ cho phép Nagorno-Karabakh ngày càng bước sâu hơn vào không gian chính trị và an ninh chung với Armenia.

Như vậy là "canh bạc" hiện tại của Azerbaijan cũng nhằm trả lời câu hỏi về việc liệu khi thế giới chuyển từ chủ nghĩa đa phương sang đa cực có ảnh hưởng đáng kể về vấn đề Nagorno-Karabakh hay không.

Theo hướng suy luận này, giả thuyết về việc tiến hành một cuộc chiến ngắn với kết quả đủ sức quyết định thắng thua, đồng thời cũng cho phép các lãnh đạo của Armenia và Azerbaijan "xuống thang" ngày càng ít thuyết phục,

Tuy nhiên, cuộc xung đột càng kéo dài thì phạm vi của cái gọi là "sự ủy nhiệm hóa" càng tăng.

Điều này ngày càng trở nên quan trọng vì một trong những điểm đặc trưng của thế cạnh tranh giữa Armenia và Azerbaijan cho tới hiện tại là việc các bên tham chiến không có khả năng đưa ra tuyên bố của chính mình và đang trở thành đại diện cho chiến lược của các cường quốc.

Mặc dù điều này vẫn còn cơ hội khá nhỏ để thay đổi, nhưng kết quả của nó hoàn toàn không chắc chắn.

Tiến sĩ Laurence Broers là Giám đốc Chương trình Caucasus tại Conciliation Resources (Nguồn lực Hòa giải), một tổ chức độc lập làm việc với các bên tham gia xung đột để ngăn chặn bạo lực và xây dựng hòa bình có trụ sở tại London, Anh Quốc.

Ông đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi và thành viên Viện Hoàng gia về Các vấn đề Quốc tế tại Chatham House, một tổ chức phi chính phủ.

Tiến sĩ Laurence Broers là tác giả và đồng biên tập của một số sách phân tích về khu vực bao gồm "Armenia và Azerbaijan: Anatomy of a Rivalry", The Unrecognized Politics of De Facto States in the Post-Soviet Space...

Lính Azerbaijan hạ cờ Cộng hòa Artsakh ly khai được Armenia hậu thuẫn tại một vị trí ở Nagorno-Karabakh hôm 4/10.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại