Chuyện gì xảy ra nếu Israel có trong tay "pháo đài bay" B-52?

Vy Lam |

Nếu B-52 tấn công Iran, ai có thể giả vờ rằng Israel là bên duy nhất phải chịu trách nhiệm? "B-52 cho Israel" thậm chí có thể khiến an ninh Mỹ bị đe dọa.

Ý tưởng điên rồ?

Tháng 4/2014, Trung tướng Không quân về hưu David Deptula và chuyên gia Michael Makovsky của Viện Do Thái về các vấn đề an ninh quốc gia đã có bài viết trên tờ Wall Street Journal, đề cập tới việc Mỹ nên chuyển giao một số máy bay ném bom hạng nặng dư thừa B-52 cho Israel.

Deptula và Makovsky cho rằng, các máy bay ném bom 8 động cơ B-52 nên được trang bị bom Massive Ordnance Penetrator (MOP) – một loại bom khổng lồ đặc biệt của Mỹ, được thiết kế để xuyên phá các cơ sở ngầm, đặc biệt là cơ sở hạt nhân.

Theo chuyên gia Robert Farley trên tạp chí National Interest, "B-52 cho Israel" là một đề xuất có phần ngờ nghệch, với cơ hội trở thành hiện thực gần như bằng 0. Do đó, có lẽ ông Deptula và Makovsky không có ý định để bất cứ ai xem xét chuyện này một cách quá nghiêm túc.

Ý tưởng đó có thể là một phần trò chơi truyền thông của một số phe phái chính trị nhằm tác động rộng rãi tới chính sách, thay vì đưa nó trở thành một phần của chính sách thực.

Tuy nhiên, hãy thử coi "B-52 cho Israel" là một ý tưởng nghiêm túc. Vậy lúc này, điều gì sẽ xảy ra?

Chuyện gì xảy ra nếu Israel có trong tay pháo đài bay B-52? - Ảnh 1.

Bom MOP gắn trên máy bay ném bom tàng hình B-2. Ảnh: The Aviationist

B-52 và Iran

Theo ông Farley, MOP là bom trọng trường dẫn đường chính xác. Vì thế, B-52 không thể triển khai nó từ phạm vi ngoài tầm phòng không, mà phải tiến tới gần mục tiêu.

Trong khi đó, B-52 là mẫu máy bay khá chậm chạp. Đó là lý do tại sao chúng ta thường không nhìn thấy cỗ máy khổng lồ này bay qua các vùng không phận được bảo vệ chặt chẽ. Năm 1972, quân đội Bắc Việt Nam đã bắn hạ tới 16 chiếc B-52 trong vòng 11 ngày diễn ra chiến dịch Linebacker II.

Không quân Iran hiện vận hành hàng trăm tiêm kích MiG-29, F-7, F-4, F-5 và một vài không đoàn F-14 do Mỹ sản xuất. Những hình ảnh thu được cho thấy chúng có vẻ vẫn trang bị một phiên bản của tên lửa tầm xa Phoenix. Theo ông Farley, bất kỳ chiếc máy bay nào trong số này cũng có thể đánh chặn "pháo đài bay" B-52 của Israel.

Chuyện gì xảy ra nếu Israel có trong tay pháo đài bay B-52? - Ảnh 2.

Mặc dù mang tính biểu tượng nhưng B-52 là một cỗ máy chậm chạp. Ảnh: National Interest

Iran còn có một hệ thống phòng không được tích hợp khá tinh vi với số lượng lớn tên lửa đất-đối-không. Chúng cũng đã chứng minh được sức mạnh hủy diệt khi tấn công máy bay ném bom.

Một quốc gia có khả năng tiến hành chiến dịch áp chế phòng không quy mô lớn trước khi phá hủy các căn cứ không quân và tên lửa đất-đối-không dọc theo hành trình bay của B-52 đều có thể giải quyết được vấn đề này. Hoặc họ chỉ cần triển khai B-2 – loại máy bay có khả năng qua mặt radar – là đủ.

Chúng ta đang đề cập đến nước Mỹ. Israel rất giỏi tiến hành các đợt không kích phức tạp nhằm vào lực lượng đối phương được vũ trang hạng nặng.

Tuy nhiên, quốc gia Do Thái này lại thiếu khả năng tiến hành chiến dịch áp chế phòng không diện rộng, trong khi đây là yếu tố có thể đảm bảo khả năng sống sót cho B-52 khi chúng ì ạch di chuyển để thả bom MOP.

Trong quá khứ, Israel từng triển khai các máy bay chiến đấu cơ động F-15 và F-16 tiến hành các đợt tấn công "nhanh như chớp", xuyên qua mạng lưới phòng không để phá hủy các cơ sở hạt nhân của Iraq và Syria. Không thể phủ nhận hiệu quả quân sự mà chúng mang lại.

Còn cách rất xa kỳ vọng nâng cao năng lực của Tel Aviv nhằm duy trì mối đe dọa đối với chương trình hạt nhân của Tehran, ông Farley cho rằng, "B-52 cho Israel" trên thực tế sẽ khiến cuộc tấn công trở nên khó khăn hơn và đắt đỏ hơn.

Nó đòi hỏi Không quân Israel phải phá hủy gần như tất cả các hệ thống phòng không của Iran trước khi cỗ pháo đài bay có thể thả những quả bom chính xác mang tính quyết định.

Đó là chưa kể tới những vấn đề mà Israel sẽ phải đối mặt khi phát triển những kỹ năng chuyên môn cần thiết để khắc phục và vận hành các máy bay B-52 đã có từ những năm 1960. Ngoài ra, so với F-15 và F-16, chi phí duy trì B-52 rất tốn kém.

Israel đã loại biên B-17, máy bay ném bom cỡ lớn, đa động cơ, từ năm 1958. Sau đó, họ chuyển hướng sang xây dựng lực lượng không quân với các loại tiêm kích-bom cỡ nhỏ.

Chuyện gì xảy ra nếu Israel có trong tay pháo đài bay B-52? - Ảnh 3.

Chi phí duy trì các máy bay ném bom B-52 vô cùng tốn kém. Ảnh: RT

Theo ông Farley, Washington sẽ thật "ngớ ngẩn" nếu đề nghị cung cấp B-52 cho Israel. Nhưng có vẻ Israel sẽ không ngớ ngẩn tới mức tiếp nhận chúng.

Nếu xét về khía cạnh chính trị thì thế nào? Việc chuyển giao các máy bay ném bom B-52 cho Israel sẽ giúp Mỹ tiết kiệm thời gian và giảm bớt rắc rối khi phải tự mình phá hủy chương trình hạt nhân Iran, từ đó dẫn tới một phương thức răn đe đáng tin cậy hơn?

Tuy nhiên, liệu quyết định xuất khẩu B-52 có thực sự giải thoát Mỹ thoát khỏi bất cứ rắc rối nào hay không?

Khó có thể tưởng tượng nổi có mẫu máy bay nào của Mỹ mang tính biểu tượng nhiều hơn B-52. Những cỗ máy bay chiến tranh khổng lồ này đã phục vụ Không quân Mỹ từ năm 1952, và chưa từng bay trong đội hình quốc gia nào khác.

B-52 mang tính điển hình nhiều hơn F-15 (hiện có trong cả biên chế Saudi Arabia) và F-16 (Ai Cập, Jordan và Iraq cũng đang vận hành).

Song nếu B-52 tấn công Iran, ai có thể giả vờ rằng Israel là bên duy nhất phải chịu trách nhiệm? Việc chuyển giao các máy bay B-52 cho Israel không hẳn sẽ bảo vệ được Mỹ trước bất cứ hệ lụy chính trị hoặc quân sự nào. "B-52 dành cho Israel" thậm chí có thể khiến an ninh Mỹ bị đe dọa.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của chuyên gia Robert Farley

“Mắt thần” vạch nhiễu B-52

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại