Theo đó, Mỹ muốn mua lại của Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất, để giúp Ankara tham gia vào chương trình phát triển chiến đấu cơ F-35 của Mỹ.
Thượng nghị sĩ John Thune đề xuất chỉnh sửa Đạo luật ủy nhiệm quốc phòng 2021 theo hướng cho phép mua hệ thống S-400 dưới danh nghĩa mua sắm tên lửa cho lục quân. Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Jim Risch đề xuất trong vòng 30 ngày sau khi Đạo luật CAATSA có hiệu lực sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Đạo luật CAATSA do Tổng thống Donald Trump ký hồi tháng 8/2017, ủy quyền cho chính quyền Mỹ trừng phạt các bên có giao dịch lớn với những bên thuộc chính quyền Nga trong lĩnh vực quốc phòng và tình báo.
Nga có thể trừng phạt nếu Thổ Nhĩ Kỳ bán S-400 cho Mỹ
RIA đưa tin, nhận định về việc này Chủ tịch Hiệp hội Quyền quốc tế của Nga, ông Anatoly Kapustin cho biết, Nga có quyền áp dụng các biện pháp trừng phạt nếu Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận đề xuất của Mỹ bán lại các hệ thống phòng không S-400.
“Đề xuất này hoàn toàn phù hợp với hình tượng của “Chú Sam” (một nhân vật nhân cách hóa quốc gia chỉ nước Mỹ và đôi khi cụ thể hơn là chỉ chính phủ Mỹ, được sử dụng lần đầu tiên trong thời kì cuộc chiến tranh 1812). Bạn có thể đưa ra bất cứ điều gì, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hành xử như thế nào là một chuyện khác. Những đề xuất như vậy, tất nhiên, sẽ dẫn đến sự phức tạp trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả việc áp dụng bất kỳ biện pháp trừng phạt nào từ phía Nga”, ông Kapustin nói.
Ông Kapustin cho biết thêm, nếu như ai đó vi phạm nghĩa vụ quốc tế, họ phải chịu trách nhiệm nhất định và Nga sẽ nắm lấy cơ hội này. Tôi nghĩ rằng người Mỹ và người Thổ Nhĩ Kỳ biết điều này.
“Khi kết thúc bất kỳ hợp đồng ngoại thương nào, một số điều kiện luôn được quy định trong việc sử dụng hàng hóa được mua đối với bên mua hoặc một bên khác. Bắt buộc quy định các hạn chế sử dụng trên một vùng lãnh thổ nhất định, không tiết lộ bí mật hoặc bí quyết đào tạo sử dụng vũ khí, cũng như có thể có những hạn chế khác liên quan đến việc chuyển giao bằng sáng chế và thông tin khác đi kèm với giao dịch”, ông Kapustin cho biết.
Sự “chia rẽ nghiêm trọng” trong NATO vì S-400 của Nga
Theo nhà phân tích chính trị quân sự Andrei Koshkin, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ về S-400 của Nga dẫn đến sự chia rẽ nghiêm trọng trong NATO.
Nhà phân tích cho rằng: “Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đối với S-400 đã trở thành tiền lệ cho toàn bộ NATO, một thành viên của liên minh được trang bị vũ khí hiện đại. Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia hùng mạnh nhất của liên minh về mặt quân sự”.
Theo ông Koshkin, sáng kiến của Thượng nghị sĩ Thune nhằm giải quyết vấn đề này sẽ không thể thay đổi ưu thế của S-400 so với các đối tác Mỹ.
“Ý tưởng này được trình bày như một giải pháp chính trị, hòa bình cho vấn đề. Nhưng ngay cả khi các sửa đổi này được phê duyệt và thỏa thuận được hoàn thành, thì điều đó cũng không thể xảy ra”, ông Koshkin nhấn mạnh.
Thổ Nhĩ Kỳ không có căn cứ để bán lại S-400 cho Mỹ
Người phát ngôn Omer Celik thuộc đảng Công lý và Phát triển (AKP) của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho hay, không có căn cứ pháp lý nào để bán lại các hệ thống phòng không S-400 từ Thổ Nhĩ Kỳ cho Washington.
Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo rằng họ sẽ không mua các thiết bị quân sự khác không tương thích với các yêu cầu của NATO.
“Thổ Nhĩ Kỳ có ý định mua các hệ thống Patriot của Mỹ, tuy nhiên, khi chưa nhận được phản hồi từ Washington, thì Ankara đã quyết định mua các hệ thống S-400 của Nga”, ông Celik nói trong một cuộc họp.
Theo ông Celik, Ankara là “người dùng cuối” của hệ thống phòng không S-400.
Ông Celik lưu ý rằng, Ankara đang đếm các bước đi quan trọng trong quan hệ với các quốc gia khác. Theo ông Celik, liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ, các biện pháp trừng phạt của Mỹ là không thích hợp. “Chúng tôi hy vọng rằng Washington sẽ đánh giá cao mong muốn của chúng tôi đối với các hệ thống Patriot, đó sẽ là chủ đề thảo luận tiếp theo”, ông Celick nói.
“Tôi có thể hiểu được mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cải thiện như thế nào nếu Hoa Kỳ có thể sử dụng hệ thống S-400 cho mục đích của họ. Đây chỉ để thỏa mãn sự tò mò hay đúng hơn là chỉ để đánh cắp bí mật quân sự”.
Trước đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho hay, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng mua các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trong một số điều kiện nhất định, nhưng lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ về hệ thống phòng không S-400 của Nga vẫn không thay đổi.
Thỏa thuận cung cấp 4 sư đoàn S-400 do Nga sản xuất cho Thổ Nhĩ Kỳ đã được ký kết vào tháng 9/2017. Giá trị hợp đồng lên tới 2,5 tỉ USD. Lô hàng đầu tiên đã được phía Nga giao cho Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7/2019.
Gần cuối tháng 11/2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã thử hệ thống phòng không S-400 tại một căn cứ quân sự ở tỉnh Ankara, sử dụng máy bay quân sự, trong đó có chiến đấu cơ F-16 của Mỹ.
Đây là một trong những hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới và có thể bắn trúng các mục tiêu cách xa tới 400 km, cũng như tiêu diệt các mục tiêu trên không (máy bay, tên lửa, UAV...) từ độ cao 5 m đến 27 km.