Tại Hội nghị các nhà khoa học trẻ ngành Tài nguyên và Môi trường do Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Đoàn thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức sáng 28/7 tại Hà Nội, các chuyên gia trong ngành đã có những giải đáp, định hướng sáng tạo trong nghiên cứu cho các nhà khoa học trẻ để ứng dụng và phục vụ hiệu quả cho các lĩnh vực ngành tài nguyên và môi trường.
Thay đổi tư duy về chuyển đổi số
Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ cũng như tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến là chìa khóa quan trọng để "kiến tạo" một tương lai xanh.
Theo đó, trong suốt chặng đường 20 năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn ưu tiên cho công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.
Tại hội nghị, nhiều nhà khoa học trẻ đặt câu hỏi liên quan tới chuyển đổi số với các chuyên gia.
Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều cơ chế, chính sách, hoạt động hỗ trợ cán bộ trẻ phát huy năng lực, tư duy khoa học, mạnh dạn và đổi mới trong nghiên cứu với mong muốn các nhà khoa học trẻ chung tay với các nhà quản lý cùng giải "bài toán khó" về môi trường và thách thức của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, chuyển đổi số, công nghệ số của ngành có 3 vấn đề cơ bản cần suy nghĩ tới, đó là: Con người, hạ tầng và thông tin dữ liệu.
Theo ông Thi, ngành Tài nguyên và Môi trường cần tập trung và bảo đảm thống nhất đồng bộ, hiệu quả trong quá trình đầu tư phát triển.
Ông Thi nêu ví dụ, dữ liệu thông tin mà không bảo đảm đồng bộ thì hoạt động khó khăn; vận hành mà không có lực lượng, con người thì không bảo đảm thành công. Vì vậy, 3 vấn đề cơ bản nêu trên cần có sự gắn kết đồng bộ của cơ chế.
Trong quá trình chuyển đổi đó, ông Thi nhấn mạnh vai trò, sự đột phá từ các nhà nghiên cứu trẻ. "Tôi mong muốn, các nhà khoa học trẻ sẽ có những nhận thức đúng đắn về chuyển đổi số, công nghệ số trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường".
Cuộc cách mạng 4.0 mang tới nhiều lợi thế nhưng cũng mang tới nhiều thách thức đòi hỏi ngành tài nguyên và môi trường phải đổi mới tư duy trong chuyển đổi số và công nghệ số.
GS.TS Trần Hồng Thái, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Hội đồng Giáo sư liên ngành Khoa học Trái đất - Mỏ, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn cho rằng, để thực hiện chuyển đổi số, công nghệ số trong lĩnh vực ngành cần sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, chứ không hướng tới một cá nhân nào.
"Thực tiễn cho thấy cơ chế và nguồn nhân lực trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường còn nhiều hạn chế. Chúng ta nhắc nhiều tới chuyển đổi số, công nghệ số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng đâu đó đang ở 0.4", GS.TS Trần Hồng Thái nói.
Vì vậy, theo chuyên gia này, trong thời gian tới, công nghệ số, chuyển đổi số chỉ có thể thực hiện được khi có nguồn lực trẻ.
Nhắn nhủ tới các nhà khoa học trẻ, GS.TS Trần Hồng Thái hi vọng, kinh nghiệm của thế hệ đi trước sẽ tạo cho thế hệ trẻ phát triển.
Chú trọng đào tạo thế hệ trẻ
Việt Nam đang đứng trước cuộc cạnh tranh về khoa học và công nghệ. Do đó, việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong giới trẻ để góp phần kiến tạo một tương lai xanh là hết sức cần thiết.
Hơn 20 năm xây dựng và phát triển, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những bước phát triển vững chắc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc nghiên cứu, triển khai khoa học và công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên môi trường vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: thiếu cơ chế phối hợp, thiếu nguồn lực để thu hút, động viên các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ tham gia công tác nghiên cứu…
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, Việt Nam đã trải qua các giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đến nay là giai đoạn cần có sự bứt phá hơn. Tuy nhiên, chúng ta không thể bứt phá bằng tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ mà cần phải dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Để làm được điều này, theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, có nhiều điều cần chuẩn bị: nguồn lực từ sớm, từ xa, chú trọng đào tạo thế hệ trẻ. Có như vậy, trong tương lai, nguồn lực mới góp phần vào sự phát triển của đất nước.
Tại Hội nghị các nhà khoa học trẻ ngành Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân bày tỏ mong muốn và kêu gọi các nhà khoa học trẻ tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa để thực hiện thành công Chiến lược phát triển ngành Tài nguyên và Môi trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 và Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 theo 3 định hướng cụ thể.
Trong đó, định hướng đầu tiên là liên kết giữa các viện nghiên cứu, các trường đại học để hình thành các nhóm nghiên cứu liên ngành, liên lĩnh vực theo quy chế thành lập ngành và tổ chức hoạt động nhóm nghiên cứu mạnh của Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ được ban hành trong thời gian tới.
Tại hội nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ ngành Tài nguyên và Môi trường.
Câu lạc bộ được thành lập với mong muốn xây dựng môi trường giao lưu và chia sẻ giữa các nhà khoa học trẻ trong ngành tài nguyên và môi trường và các nhà khoa học trẻ ngoài ngành đã, đang có các công trình nghiên cứu liên quan đến các lĩnh vực của Bộ Tài nguyên và Môi trường vì sự phát triển bền vững ngành tài nguyên và môi trường.
Đồng thời, chia sẻ quan điểm và trao đổi học thuật, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học giữa các cán bộ nghiên cứu khoa học, các giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên từ các trường đại học, có đào tạo các chuyên ngành liên quan đến tài nguyên và môi trường để tiếp nối thành công và kiến tạo một nền tảng vững chắc cho khoa học.