Adcock và vợ lần lượt nghỉ hưu ở tuổi 35 và 33 sau khi tích lũy được 870 nghìn đô từ công việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Nhờ thời cơ phát triển thuận lợi của thị trường, giá trị tổng tài sản của hai người đã tăng lên 1 triệu đô.
“Hai vợ chồng chúng tôi đều không được sinh ra trong một gia đình giàu có, cũng không được hưởng bất kỳ tài sản thừa kế nào quý giá”, Adcock nói. “Không giống như nhiều người tích cực nhận thêm nhiều công việc ngoài giờ, vợ chồng chúng tôi tập trung 100% vào công việc toàn thời gian của bản thân. Chúng tôi đã tích lũy tài sản theo cách truyền thống nhất: Làm việc thật chăm chỉ và thực hiện các chiến lược tài chính đã đề ra”.
Hai vợ chồng nghỉ hưu trước tuổi 35
Dưới đây là 13 nguyên tắc mà vợ chồng Adcock đã áp dụng để thoát khỏi guồng quay công việc, nghỉ hưu sớm sau 14 năm chăm chỉ.
Bỏ qua lời khuyên “Hãy theo đuổi đam mê của bạn”
Cả hai vợ chồng Adcock đều ý thức rằng những niềm đam mê, sở thích không phải lúc nào cũng có thể giúp họ kiếm sống.
“Tôi rất đam mê với nghề nhiếp ảnh. Nhưng thế mạnh của tôi là khoa học máy tính. Năm 2004, tôi bắt đầu công việc với tư cách là một kỹ sư phần mềm. Mức thu nhập khởi điểm của tôi khi ấy là 55 nghìn đô. Tôi chăm chỉ làm việc cho đến năm 2016, mức lương của tôi đã lên tới 100 nghìn đô. Tôi không chắc mình có thể kiếm được bao nhiêu tiền nếu cứ mù quáng theo đuổi đam mê nhiếp ảnh của mình”, ông kể lại.
Adcock sớm nhận ra rằng việc kết hợp sở thích của chúng ta với một nghề nghiệp mà thị trường có nhu cầu cao là một điều hoàn toàn có thể. Nhưng trên thực tế, trường hợp ấy ít phổ biến hơn chúng ta tưởng. Vậy nên, hãy cứ cố gắng xây dựng sự nghiệp xung quanh những gì chúng ta giỏi.
Học hỏi từ các triệu phú
Trong suốt sự nghiệp của mình, Adcock đã làm việc với rất nhiều người thành công và giàu có và học hỏi từ họ.
“Tôi sẽ không bao giờ quên được Brian, người đã làm việc cùng văn phòng với tôi ngay sau khi tôi tốt nghiệp đại học. Anh ta lớn hơn tôi và tuổi và lái chiếc xe Honda Accord đã 6 năm tuổi. Mặc dù là một triệu phú nhưng Brian vẫn dùng chiếc đồng hồ casio rẻ tiền và không mặc các đồ hiệu”, Adcock nói. “Brian luôn là người đầu tiên đến văn phòng, không bị cuốn vào những cuộc tán gẫu và tình nguyện nhận nhiều trách nhiệm hơn. Cũng như tôi, anh ấy không có một xuất điểm tốt”.
Gặp gỡ những người như Brian khiến Adcock nhận ra rằng, rất nhiều người không có xuất phát điểm tốt nhưng họ vẫn thành công nhờ học cách đầu tư và quản lý chi tiêu cho bản thân mình.
Tránh xa những kẻ không có ý chí
Nếu cuộc đời bạn chỉ chơi với những người ngày qua ngày buông thả ở quán bar, tiêu tiền vô tội vạ, rất có thể một ngày nào đó, chúng ta cũng sẽ trở thành những người như thế. Adcock đã nâng cấp cuộc sống của ông bằng cách nâng cấp danh sách bạn bè.
“Tôi kết nối với những người giỏi nhất trong văn phòng, dành thêm thời gian nói chuyện với những người thành công. Nhờ những mối quan hệ đó, tôi có được những ảnh hưởng tích cực và chính tôi cũng tác động tích cực lại cho họ”, ông chia sẻ.
Từ khi ý thức được những điều đó, ông đã suy nghĩ thấu đáo hơn trong tất cả những quyết định liên quan đến tài chính và cố gắng uống rượu ít nhất có thể. Tại nơi làm việc, ông cũng thường xuyên tăng ca để đạt hiệu suất tối đa công việc. Như một hệ quả, ông luôn được đề xuất cho nhiều vị trí khác nhau. Thu nhập của ông nhờ đó mà cũng tăng đều theo thời gian.
Tập trung hoàn toàn cho công việc toàn thời gian
Adcock đã đầu tư vào quỹ hưu trí tư nhân do chủ lao động tài trợ và nhận được 4% lãi suất. Đây là khoản tiền miễn phí mà công ty đã thay ông đóng góp định kỳ. Một số công ty đã cung cấp Tài khoản Tiết kiệm Y tế hoặc HSA để giúp nhân viên tiết kiệm tiền thuế cho các chi phí chăm sóc sức khỏe, bao gồm tiền khấu trừ và thuốc men.
Điều tuyệt vời của các dịch vụ này là sau khi người tham gia bước qua tuổi 65, số tiền không sử dụng có thể được rút ra cho bất kỳ mục đích nào.
Công việc toàn thời gian của chúng ta cũng có thể cung cấp các cơ hội giáo dục và đào tạo để giúp nâng cao kỹ năng như lập trình máy tính, kế toán, quản lý thời gian… Những kỹ năng này có thể là những điểm cộng lớn giúp chúng ta được đề cử thăng chức, tăng lương.
Sẵn sàng nhảy việc: Chuyển 5 công ty trong vòng 14 năm
Nhận một công việc mới thường là cách dễ nhất để được tăng lương. Bởi lẽ chúng ta có cơ hội được thương lượng mức lương phù hợp với trình độ bản thân khi phỏng vấn.
“Tôi đã được tăng 15-20% mỗi khi chuyển công ty. Con số này vượt xa mức tăng sinh hoạt phí thông thường là 3% mà nhiều nhà tuyển dụng dùng để giữ chân nhân viên ở lại công ty mình lâu hơn”, Adcock chia sẻ.
Anh cũng nhấn mạnh rằng chỉ cần không chuyển công ty quá thường xuyên để đảm bảo rằng chúng ta sẽ cố gắng đảm nhiệm một công việc ổn định trong vòng ít nhất một năm. Bởi một điều hiển nhiên là các nhà tuyển dụng sẽ không có thiện cảm với những ứng viên nhảy việc quá thường xuyên. Quá trình tuyển dụng luôn rất phức tạp và tốn kém.
Tự động hoá mọi thứ
Adcock đã sử dụng các tài khoản khấu trừ tiền tự động cho quỹ hưu trí của mình và các dịch vụ tương tự. “Tôi đã sử dụng chuyển khoản ngân hàng tự động để góp tiền vào tài khoản môi giới của mình. Điều này giúp đảm bảo rằng tôi luôn để ra một khoản tiết kiệm mỗi tháng”.
Tương tư, anh cũng đăng ký thanh toán hoá đơn tự động cho các dịch vụ như điện, nước và một số thẻ tín dụng. Anh không bao giờ bỏ lỡ một lần thanh toán nào và tránh được tất cả các khoản phí trả chậm, trả lãi và các loại tiền phạt khác.
Phớt lờ những kẻ thù ghét
Một điều hiển nhiên trong cuộc sống là bạn không thể làm hài lòng hết tất cả mọi người. Mọi người đôi khi sẽ chỉ trích chúng ta chỉ vì cách tiêu xài của chúng ta quá khác với đại đa số. “Tôi biết rằng mình có thể mất bạn bè nếu liên tục từ chối các cuộc hẹn vui vẻ tại quán bar. Cảm giác ấy thực sự không dễ dàng nhưng chúng ta buộc phải chấp nhận.
Phớt lờ sự thù ghét là điều không thể thiếu để có được sự thành công trong cuộc sống, nhất là về mặt tài chính”, Adcock khẳng định.
Không bị ảnh hưởng bởi thói quen chi tiêu của người khác
Việc hàng xóm hay những người bạn của chúng ta sở hữu một chiếc xe hơi, một du thuyền, một ngôi nhà mới không có nghĩa là bạn cũng cần như vậy.
“Cách tốt nhất là chúng ta tập trung vào mục tiêu của chính bản thân mình. Vợ chồng tôi luôn nói về những hy vọng, dự định tương lai mỗi buổi tối đi dạo cùng chú chó nhỏ. Cảm giác thực sự bình yên đến lạ. Điều này giúp chúng tôi luôn kiên định với những mục tiêu phía trước và ấm ủ nó trong tâm trí”, Adcock nói.
Mỗi người có một cuộc đời và có những mục tiêu của chính mình. Không có lý do gì để chúng ta cho phép những thói quen chi tiêu của mọi người xung quanh ảnh hưởng đến mình.
Ưu tiên giao tiếp để giải quyết vấn đề
Cũng như những cặp vợ chồng khác, vợ chồng Adcock cũng có những mâu thuẫn trong thói quen chi tiêu, mục tiêu và ước mơ. Nếu không được kiểm soát, những sự khác biệt này có thể gây ra tranh cãi và nảy sinh ra các vấn đề khác khiến chúng ta không đạt được những mục tiêu tài chính của cả hai người.
“Việc nói về những mục tiêu tương lai mỗi ngày khiến vợ chồng chúng tôi luôn quan tâm đến những mục tiêu trước mắt, những bức tranh tương lai lý tưởng và các bước để chúng tôi biến những giấc mơ ấy thành hiện thực”, anh chia sẻ.
Mối quan hệ lành mạnh phụ thuộc nhiều vào việc cả hai sẵn sàng mở lòng để cùng nhau chia sẻ, cùng nhau giải quyết các vấn đề khúc mắc. Nhờ đó, chúng ta loại bỏ được những rào cản không đáng có trên hành trình của mình.
Luôn ưu tiên sức khỏe
Dù tập trung hoàn toàn cho công việc nhưng ông Adcock luôn đặt sức khoẻ nên hàng đầu. “Sức khoẻ tốt giúp tôi hạnh phúc và làm việc hiệu quả hơn. Đồng thời, một thể trạng tốt cũng giúp tôi tiết kiệm các khoản chi phí y tế đắt đỏ không mong muốn”.
Ngay từ những ngày đầu đi làm, Adcock luôn chú trọng đến tình hình sức khoẻ của mình. Anh thay đổi lối sống bằng cách ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên. Năm nay, dù đã ngoài 40 tuổi nhưng Adcock vẫn tập tạ hằng ngày. Đặc biệt là trong năm nay, 2 vợ chồng quyết định chi 10 nghìn đô để xây dựng một phòng thể dục dành riêng cho gia đình trên mảnh đất rộng 7 mẫu. “Đó là một trong những khoản đầu tư sáng suốt nhất của tôi”, anh tự hào nói.
Tránh nợ thẻ tín dụng
Người Mỹ hiện tại đang gánh khoản nợ thẻ tín dụng lên đến 840 tỷ đô. Lãi suất cực kỳ caoc ảu thẻ tín dụng đã khiến nó trở thành khoản nợ tồi tệ nhất. Việc dễ dàng tiêu những khoản tiền không phải của mình khiến nhiều người có thói quen tiêu xài vượt ngoài tầm kiểm soát
Với kế hoạch tài chính cụ thể, Adcock không để mình rơi vào nợ nần. “Tôi chưa bao giờ phải trả một đô nào cho tiền lãi từ thẻ tín dụng. Tôi sử dụng nó như một sự tiện lợi. Tính bảo mật cao và sự tiện dụng giúp tôi dễ dàng quản lý chi tiêu của mình. Sự tiện lợi ấy phát huy tác dụng vì tôi luôn trả hết số dư của mình hàng tháng. Đó là một trong những lí do quan trọng khiến tôi có thể nghỉ hưu trước tuổi 35".
Luôn ở trạng thái sẵn sàng
Adcock luôn chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho mọi cơ hội đến với mình. Ngay cả đối với những việc anh chưa từng làm bao giờ, cũng chưa có ý tưởng gì, anh vẫn tự tin nhận.
Anh kể lại một trải nghiệm đáng nhớ tại văn phòng. Trong công ty không ai sẵn sàng đảm nhận dự án được giao vì nó không chỉ đòi hỏi kỹ năng chuyên môn mà còn rất nhiều sự mạo hiểm và đánh đổi. Chính tại thời điểm ấy, Adcock đã quyết định đứng ra nhận việc và có được bước nhảy vọt không ngờ trong sự nghiệp của mình - lần đầu tiên đảm nhận chức giám đốc công nghệ thông tin.
“Khi ấy tôi thậm chí còn chưa từng làm quản lý. Cơ hội thăng tiến bất ngờ khiến tôi phải nhắc nhở bản thân nỗ lực nhiều hơn nữa để gánh vác tốt trọng trách trên vai. Bây giờ nhớ lại, nếu không có lần mạo hiểm đó, sẽ không có tôi ngày hôm nay”, Adcock chia sẻ.
Ngừng đi bar
Khi mới bắt đầu đi làm, ông Adcock thường phải chi từ 70-100 đô cho mỗi lần đi bar cùng đồng nghiệp. Trong hơn một tháng, thói quen ấy đã vét cạn ví của ông từ 350-400 đô. Nhận ra khoản chi tiêu khổng lồ mà vô cùng hại sức khoẻ ấy, ông đã cố gắng từ bỏ thú vui này của mình.
Ông chia sẻ: “Thỉnh thoảng ra ngoài ăn uống thì không sao nhưng nếu đã trở thành thói quen, bạn sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của mình trong tương lai chỉ vì bạn luôn tiêu nhiều hơn mức cần thiết”.
Theo CNBC