Trường THCS Yên Thắng, xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa nằm lọt thỏm giữa những dãy đồi trùng điệp của vùng giáp biên. Ngôi trường như chấm vàng tươi giữa màu xanh của núi rừng và những ruộng lúa đang vào vụ gặt.
Tiếng trống trường buổi sớm vang lên một hồi dài làm đám học sinh đang chơi ngoài sân chạy vội vào lớp. Đứng ở sân trường, cô Trịnh Thị Phương, chủ nhiệm lớp 9B vẫn đang đợi những em cuối cùng từ đằng xa hớt hải chạy tới.
"Toàn là học sinh ở các bản xa trường. Dậy từ khi gà chưa gáy nhưng vẫn chẳng kịp để vào lớp đúng giờ. Nhiều em đến lớp vì quá mệt nên ngủ cả tiết một", cô Phương vừa nói vừa đếm từng học sinh như một thói quen. Khi đã đủ sĩ số, cô mới bước vào lớp bắt đầu buổi học.
Một buổi chào cờ đầu tuần ở Trường THCS Yên Thắng.
Chuyện những đứa trẻ đi bộ đến trường ở Yên Thắng không có gì lạ lùng. Quá nửa trong số 380 học sinh ngôi trường này ở những bản làng cách trường 3-6 km, cá biệt có bản Vịn cách đó đến 8 km. Đường đến trường tuy ngắn nhưng phải qua đèo, qua sông, lội suối. Đường có thể đi xe đạp cũng nhiều đoạn phải dắt bộ.
Mới 4h, Lương Thị Hồng Diệp, học lớp 6 đã thức dậy, sắp vội bữa trưa là một nắm cơm nếp và một ít cá khô cho vào túi vải. Khi được hỏi về sách vở hay đồng phục mới Diệp chỉ cười và nói: "Em không biết, đến trường thầy cô cho thì dùng hoặc mượn các bạn".
Dưới ánh trăng lúc mờ lúc tỏ, em ra khỏi nhà sau đó vài phút và chuẩn bị vượt qua quãng đường 9km tới trường. Diệp không dám chắc sẽ mất bao lâu vì vài ngày qua trời mưa, đường trơn trượt và khó đi hơn nhiều. Em nhớ rõ mình phải qua 3 con suối, vài ngọn đồi và những đoạn đường chỉ vừa một chiếc xe máy đi qua. Đúng 7h sáng mới tới trường.
Không ai dạy trẻ con ở Yên Thắng phải làm gì để đảm bảo an toàn trên đường đến trường. Chúng tự tìm bản năng sinh tồn trong hành trình tìm kiếm con chữ như những cây măng của núi rừng, đón mưa, đón nắng mà lớn lên.
"Em muốn được đi học. Nếu không đi học em chỉ ở nhà, làm nương rồi đến tuổi lấy chồng", Diệp nói. Mới 13 tuổi nhưng Diệp ý thức được số phận của mình từ chính những câu chuyện xảy ra quanh em.
"Ở đây học sinh nào cũng có hoàn cảnh gần giống nhau, thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo. Nhà trường cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho các em có thể theo học, miễn toàn bộ các khoản đóng góp, thậm chí tặng cả sách vở. Mong muốn duy nhất là các em có thể thay đổi được tương lai của mình", cô Trịnh Thị Phương nói.
Học sinh Trường tiểu học Na Mèo, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Những xã giáp biên Thanh Hóa, phong cảnh đẹp như tranh vẽ. Đối lập với đó lại là cuộc sống khó khăn của người dân khi hầu hết là xã nghèo 135. Thiên nhiên cũng không ưu ái cho vùng đất này khi mùa hè thì gió phơn khô nóng trên 40 độ, mùa đông mưa lũ xảy ra thường xuyên.
Chỉ mới tháng trước, một trận mưa đầu mùa đã kéo sập một điểm trường thuộc trường tiểu học Na Mèo, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn. Mất nơi học tập đồng nghĩa với 70 học sinh phải học tạm ở một địa điểm gần đó. Trường mới đang được dựng lại, nhưng chỉ là những phòng học trống, chưa có kinh phí mua sắm trang thiết bị.
Những ngày mưa, lớp học ở Na Mèo vắng bóng học sinh. Con nước lớn ở các sông, suối chia cắt các bản làng trong xã. Trẻ con có khi nhiều ngày không thể tới trường.
Cô Lê Thị Thanh, phụ trách môn tin học khối 3,4,5 cho biết, dù có đến 5 điểm trường để thuận tiện cho các em đi học nhưng Na Mèo vẫn thiếu thốn đủ đường. Những năm gần đây không còn ngân sách cho việc mua sách vở và đồ dùng học tập, Na Mèo tìm nguồn ủng hộ từ các chương trình thiện nguyện và doanh nghiệp.
"Với chúng tôi, một quyển sách, quyển vở cũng quý, vì nhiều nhà đến miếng ăn còn chẳng có chưa nói gì mua sách vở cho con. Nếu có sách, lũ trẻ cũng có thêm động lực để tới trường", cô Thanh chia sẻ.
Bibica trao 100 bộ sách giáo khoa cho học sinh Na Mèo.
Mới đây, Na Mèo đón tin vui từ đoàn từ thiện của Công ty Bánh kẹo Bibica từ Hà Nội lên trường tặng khoảng 100 bộ sách giáo khoa. 10 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt sẽ được nhận xe đạp mới. Ngoài Na Mèo, những điểm trường tiểu học và trung học cơ sở khác như Yên Thắng, Sơn Thủy, Yên Khương cũng nhận hàng trăm bộ sách giáo khoa và xe đạp.
Đây là một phần trong chương trình "HURA sẻ chia yêu thương - tiếp sức đến trường" do Công ty Cổ phần Bibica thực hiện tại nhiều tỉnh thành trong cả nước như Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, Đăk Nông. Tại Thanh Hóa, chương trình sẽ đến các trường còn nhiều thiếu thốn ở các huyện Lang Chánh, Quan Sơn nhằm trao tặng mỗi trường 100 bộ sách giáo khoa, 10 xe đạp và các bữa ăn miễn phí.