Tàu ngầm K-19 lớp Hotel. Ảnh: Getty
Các SSBN lớp Hotel chỉ có 3 tên lửa được đặt trong cách silo gắn trực tiếp vào sau tàu, tương tự như các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng diesel trước đó của Hải quân Liên Xô.
Ban đầu, các tàu này được trang bị các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) R-13, vốn chỉ có thể được phóng khi tàu ngầm nổi trên mặt nước. Những phiên bản nâng cấp sau đó trong hệ thống phóng đã khiến cho các tàu ngầm lớp Hotel có thể mang các SLBM R-21 - SLBM đầu tiên của Liên Xô có thể phóng khi đang lặn.
Các tàu ngầm lớp Hotel được xây dựng để nhanh chóng bắt kịp Hải quân Mỹ khi Washington đưa tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên trên thế giới USS Nautilus đi vào vận hành năm 1954.
Dù vậy, con tàu dẫn đầu K-19 của Nga từng gặp phải một sự cố trong lịch sử.
Năm 1961, trong khi thực hiện nhiệm vụ ở Bắc Đại Tây Dương, vụ rò rỉ ống làm lạnh gần như đã gây ra hiện tượng nóng chảy hạt nhân hoàn toàn. 20 thủy thủ bị phơi nhiễm phóng xạ chết khi nỗ lực khắc phục sự cố này. 8 người thiệt mạng trong 1 tuần trong khi 14 người khác qua đời trong 2 năm tiếp theo. Năm 1969, K-19 bị hư hỏng trong một vụ va chạm với tàu ngầm Mỹ USS Gato. Tất cả lớp Hotel đều dừng hoạt động từ 1987 - 1991.
Lớp Yankee
Yankee - lớp kế nhiệm của lớp Hotel được trang bị nhiều tính năng hơn. Các tàu ngầm lớp Yankee với phần thân được thiết kế để hạn chế tối đa sức cản. 34 tàu lớp Yankee đã được đóng từ năm 1964 - 1974.
Chúng được trang bị 6 ống phóng ngư lôi và 16 silo có khả năng mang các SLBM R-27. Năm 1977, một tàu ngầm lớp Yankee là K-140 đã được thử nghiệm với các SLBM lớn hơn.
Tàu ngầm lớp Yankee của Liên Xô ngày 1/10/1986. Ảnh: Hải quân Mỹ
Các tàu ngầm lớp Yankee đã giúp Liên Xô sở hữu một hệ thống tuần tra được trang bị hạt nhân đáng tin cậy. Tuy nhiên, lớp tàu này cũng đối mặt với một số hạn chế. Năm 1986, nước biển rò rỉ vào một silo tên lửa trên K-219, trộn với nhiên liệu tên lửa và gây ra một vụ nổ. 4 thủy thủ đã thiệt mạng và con tàu bị chìm trên đường quay lại Liên Xô.
Từ năm 1979 - 1994, các silo tên lửa trên tất cả các tàu lớp Yankee được chuyển sang trạng thái không hoạt động để tuân thủ các thỏa thuận kiểm soát vũ trang. Nhiều tàu ngầm lớp này cũng được chuyển sang các mục đích sử dụng khác, từ tập hợp thông tin tình báo cho tới trở thành các tàu ngấm tấn công và tàu ngầm mang tên lửa hành trình.
Vào năm 1995, các tàu ngầm lớp Yankee đã dừng hoạt động.
Lớp Delta và Typhoon
Năm 1972, Hải quân Liên Xô đưa vào hoạt động tàu SSBN lớp Delta đầu tiên. Với tổng cộng 4 phân lớp, Delta trở thành xương sống của hạm đội SSBN của Liên Xô, cũng như Nga trong hàng thập kỷ.
Tổng cộng 43 tàu đã được đóng, bao gồm 18 tàu lớp Delta-I, 4 tàu lớp Delta-II, 14 tàu lớp Delta-III và 7 tàu lớp Delta-IV. 18 tàu đầu tiên chỉ có thể mang 12 SLBM, số còn lại có thể mang 16 tên lửa.
Được trang bị dòng tên lửa R-29 Vysota, với tầm bắn từ 6.500 - 8.000 km và mang đầu đạn MIRV, tàu ngầm lớp Delta có lợi thế đáng kể so với các tàu tiền nhiệm khi chúng có thể tuần tra xa hơn và duy trì khả năng răn đe hiệu quả.
Sự phát triển SSBN của Liên Xô không dừng lại ở lớp Delta. 6 SSBN cuối cùng của Liên Xô, tất cả đều là lớp Typhoon, là những tàu ngầm lớn nhất từng được xây dựng.
Được phát triển nhằm phản ứng trước các SSBN lớp Ohio của Hải quân Mỹ, mỗi tàu ngầm lớp Typhoon có độ choán nước khoảng 48.000 tấn, tương đương với một số tàu chiến trong Thế chiến II. Chúng cũng lớn đến mức có thể lắp đặt phòng xông hơi, bể bơi và phòng tập gym trên tàu. Một tàu ngầm lớp Typhoon có thể lặn sâu dưới biển liên tiếp 120 ngày
Được trang bị 20 SLBM R-39 cùng với 10 MIRV mỗi chiếc, tàu ngầm lớp Typhoon có thể phóng nhiều nhất 200 đầu đạn hạt nhân vào các mục tiêu cách xa 8.000 km.
Tàu ngầm lớp Typhoon Dmitry Donskoy, tàu ngầm lớn nhất thế giới đang hoạt động ở St. Petersburg ngày 26/7/2017. Ảnh: AFP
Sau khi Liên Xô tan rã vào những năm 1990, tàu lớp Delta và Typhoon tốn quá nhiều chi phí bảo trì nên nhiều tàu ngầm đã dừng hoạt động.
Chỉ 7 tàu ngầm lớp Delta IV vẫn hoạt động trong Hải quân Nga. Một trong số chúng là Podmoskovye đã được chuyển thành tàu tàu ngầm đặc nhiệm năm 2016 và hiện đang tiến hành các nhiệm vụ tình báo. Trong khi đó, chỉ có 1 tàu lớp Typhoon là Dmitriy Donskoy vẫn còn hoạt động.
Lớp Borei
Tàu ngầm lớp Borei, Yury Dolgorukiy được thiết kế trong Chiến tranh Lạnh nhưng phải tới năm 1996, việc thi công nó mới bắt đầu và đến năm 2013, tàu này mới đi vào hoạt động.
Mỗi tàu ngầm lớp Borei có 6 ống phóng ngư lôi và 16 silo có thể phóng các SLBM mới là RSM-56 Bulava, với tầm bắn lên tới 8.000 km. Mỗi tên lửa Bulava có thể mang khoảng 6 - 10 đầu đạn MIRV với đương lượng nổ từ 100 - 150 kiloton.
Tàu ngầm lớp Borei Yury Dolgoruky của Nga ngày 16/3/2017. Ảnh: Tass
Mặc dù nhỏ hơn Typhoon nhưng các tàu lớp Borei được coi là các SSBN tiên tiến nhất Nga từng xây dựng. Chúng có hệ thống kiểm soát và điện tử mới, cùng với với hệ thống đẩy phản lực dòng nước (pump-jet) để trở nên yên lặng hơn nhiều so với các tàu ngầm trước đó.
Do những thay đổi trong thiết kế dẫn đến một vài trì hoãn, hiện tàu ngầm lớp Borei có một phân lớp mới là Borei-A. Những tàu ngầm này lớn hơn một chút và sở hữu công nghệ tiên tiến hơn so với lớp ban đầu.
4 tàu ngầm lớp Borei vẫn đang hoạt động, với con tàu thứ năm là Knyaz Oleg, đang được thử nghiệm trên biển đã phóng thử tên lửa Bulava ngày 21/10. Hải quân Nga có kế hoạch sẽ đưa 10 tàu ngầm lớp Borei đi vào hoạt động vào cuối thập kỷ này.