Đường cao tốc Fengxin ở Quý Châu, Trung Quốc.
Trên một đường sắt cao tốc với 6 làn xe mới được xây dựng ở phía tây nam Trung Quốc, một vài thanh niên đang chạy bộ dưới trời mưa phùn, các bà nội trợ thì dắt chó đi dạo và một số người lớn tuổi về hưu cầm lồng chim đi tản bộ cùng bạn bè. Trong khi đó, vài chiếc ô tô thi thoảng chạy qua và rẽ theo hướng khác.
Đây là khung cảnh trên đường cao tốc Fengxin. Công trình này vẫn đang bị đóng cửa một phần sau khi việc xây dựng bị đình trệ từ cách đây 4 năm. Đường cao tốc Fengxin là một trong nhiều dự án cơ sở hạ tầng vẫn đang thi công dang dở ở Tuân Nghĩa, thành phố 6,6 triệu dân ở tỉnh miền núi Quý Châu.
Ngoài đường cao tốc, các dự án nhà ở và điểm du lịch cũng chưa được hoàn thiện. Đây là những dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng mà nhiều chính quyền địa phương ở Trung Quốc đang phải đối mặt, sau nhiều năm mạnh tay đi vay để kích thích tăng trưởng.
Rõ ràng rằng, mô hình này không còn bền vững, khi chính quyền trung ương không sẵn sàng để áp dụng nữa dù đà hồi phục hậu đại dịch đang trì trệ. Nhiều thập kỷ đô thị hóa đã làm giảm nhu cầu đối với cơ sở hạ tầng, khiến việc triển khai các dự án sinh lợi để đầu tư ngày càng khó khăn và lợi tức đầu tư cũng sụt giảm. Doanh thu bán đất của chính quyền các địa phương cũng sụt giảm khi ngành bất động sản suy thoái.
Tỉnh nghèo nơi người dân cả chục năm không được bàn giao nhà
Các dự án ở Quý Châu được phát triển ồ ạt sau khi Bắc Kinh kêu gọi đầu tư vào tỉnh nghèo này để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương. Kết quả là, tỉnh này có hệ thống giao thông kết nối hiệu quả hơn, nhưng cũng… dư thừa.
Nhiều dự án nhà ở tại Quý Châu vẫn chưa xây dựng xong.
Quý Châu hiện có gần 1 nửa trong số 100 cây cầu cao nhất thế giới, theo tờ Economic Daily. Tỉnh này có sân bay ở các thành phố đã được kết nối bằng đường sắt cao tốc, chỉ cách nhau vài giờ lái xe và nhiều đường cao tốc nhiều làn với phí cầu đường đất đỏ.
Giờ đây, chính quyền tỉnh Quý Châu đang chật vật để trả nợ. Doanh nghiệp nhỏ không được thanh toán tiền cho các dự án xây dựng. Người dân phải di dời đang đòi bồi thường dù đã quá hạn thanh toán và chưa được bàn giao nhà mới.
Hồi tháng 4, điều hành một hãng xây dựng ở Anshun, thành phố cách Tuân Nghĩa khoảng 3 giờ lái xe, đã gửi thư đến chính quyền tỉnh Quý Châu với mong muốn được trả đủ tiền sau khi xây dựng một dự án cải tạo khu ổ chuột. Gần 5 năm sau khi hoàn thiện, anh chỉ nhận được 1 nửa số tiền.
Người này cho biết: "Tôi bị chính các nhà cung cấp và công nhân của mình kiện. Tôi phải trả lãi cho ngân hàng mỗi năm. Mọi thứ thật tồi tệ."
Chính quyền địa phương trả lời người này vào hơn 1 tháng sau đó, cho biết họ đang "tích cực huy động tiền để thanh toán các khoản tiền quá hạn vào thời gian sớm."
Nhìn ra phía đường cao tốc Fengxin là 2 tòa chung cư gần như không có cửa sổ. Chính quyền thành phố đã yêu cầu người dân chuyển đi vì các tòa nhà này sẽ bị dỡ bỏ, để xây đường mới.
Chen - nột người đàn ông 68 tuổi sống gần đó cho biết, vì hết tiền nên họ đã sơn sửa lại nhà để bán lại. Ông nói: "Chính quyền địa phương thiếu tiền đến mức không trả số tiền như đã hứa cho những người buộc phải di dời như chúng tôi. Mọi người ai cũng phản đối nhưng chính quyền thực sự không có tiền."
Hậu quả từ việc "nghiện nợ"
"Gốc rễ" của cuộc khủng hoảng nợ này chính là LGFV (phương tiện huy động vốn của chính quyền địa phương). Tuy nhiên, LGFV hiếm khi tạo ra đủ lợi nhuận để các địa phương có thể thanh toán nợ, nghĩa là hầu hết dựa vào các phương pháp gồm tái cấp vốn và bơm vốn để duy trì khả năng thanh toán. Việc đảo nợ cũng trở nên khó khăn hơn khi nhà đầu tư thận trọng.
Một dự án xây công viên bị đình trệ.
Khoản đi vay từ LGFV được gọi là "nợ ẩn" vì không được liệt kê trên bảng cân đối kế toán. Vấn đề này đã trở thành rủi ro lớn với nền kinh tế Trung Quốc và là mối lo ngại với các nhà đầu tư đã mua loại trái phiếu này.
Ví dụ điển hình về rủi ro do LGFV gây ra ở Quý Châu là dự án cải tạo nhà ở cũ chưa hoàn thành ở một quận mới của thành phố. Nhà phát triển của dự án là Zunyi New District Development and Investment Co., một công ty con của Zunyi Road and Bridge Construction Group Ltd. - LGFV lớn của chính quyền Quảng Châu.
Một người phụ nữ đứng nhìn về phía dự án cho biết, bà đã bị chính quyền thu hồi đất vào năm 2011 để xây dựng. 12 năm trôi qua, bà vẫn sống trong 1 căn hộ cho thuê vì chưa được bàn giao nhà mới như đã được hứa hẹn. Giờ đây, bà làm công nhân vệ sinh với mức lương khoảng 1.300 tệ (hơn 4 triệu đồng)/tháng.
Người này giãi bày: "Chúng tôi không có đất để trồng trọt, chỉ có đất để quét dọn. Chi phí sinh hoạt đã cao hơn rất nhiều, so với trước đây khi chúng tôi trồng trọt và tự tạo ra nguồn thu. Chúng tôi sở hữu nhà và không phải trả tiền thuê nhà. Nước thì lấy từ giếng nên cũng không phải thanh toán."
Dù không có con số chính thức nhưng IMF ước tính khoản nợ ẩn ở Trung Quốc vào cuối năm 2022 là 66 nghìn tỷ NDT, tăng từ 40 nghìn tỷ NDT vào năm 2019. Trong nhiều năm, Bắc Kinh đã kêu gọi các địa phương xử lý các khoản nợ và đưa vào bảng cân đối kế toán nhưng tình hình tài chính ở nhiều nơi vẫn bấp bênh.
Đường cao tốc Fengxin vẫn chưa được thông xe.
Trong một báo cáo hồi tháng 4, Guosheng Securities Co. ước tính tổng dư nợ của các LGFV ở Quý Châu là 318 tỷ NDT. Zunyi Road and Bridge Construction Group đã đạt được thỏa thuận với các ngân hàng để tái cơ cấu một số khoản nợ, sau khi Bắc Kinh cho phép các bên đi vay thuộc sở hữu chính quyền Quý Châu đàm phán lại về các điều khoản trong khoản nợ.
Trì hoãn có lẽ là cách mà chính quyền các địa phương Trung Quốc đang nỗ lực thực hiện để né tránh một cuộc khủng hoảng nợ toàn diện.
Quý Châu với "mộng ước" tạo nên kỳ tích
Trước đây, một số thành phố được thúc đẩy bởi những đợt kích thích đã có thể thu hút người dân và các khoản đầu tư để phát triển, thanh toán nợ. Những trường hợp thành công bao gồm khu Phố Đông của Thượng Hải, hiện là một khu tài chính nhộn nhịp. Trong khi đó, quận Zhengdong ở Hà Nam hiện là nơi có nhà máy sản xuất iPhone quy mô lớn, sau thời gian là "khu phố ma".
Quý Châu đã nuôi tham vọng đạt được thành tích tương tự. Năm 2021, chính quyền tỉnh đã công bố kế hoạch tăng số lượng cư dân đô thị ở các thành phố lớn trong 5 năm. Để thu hút những người mới đến, chính quyền hứa hẹn sẽ xây thêm trường học, tăng số lượng giường bệnh, trường mẫu giáo và cung cấp tài chính, hỗ trợ chính sách cho nông dân khởi nghiệp.
Khu vực này cũng đang nỗ lực phát triển thành một trung tâm dữ liệu lớn, đưa ra những ưu đãi để thu hút đầu tư từ các tập đoàn như Alibaba hay Tencent. Tỉnh lỵ Quý Dương hiện đã có một khu điều hành trung tâm dữ liệu hợp tác với Apple.
Nữ công nhân vệ sinh chia sẻ, dù có thất vọng, nhưng nỗ lực đô thị hóa của chính quyền tỉnh cũng mang lại một điều tích cực. Đó là bà nhận được khoản lương hưu cao hơn so với khi còn là một nông dân.