Bức ảnh bên trái chụp ngày 24-3 và ảnh bên phải chụp ngày 28-8, cho thấy tình trạng sông Indus (sông Ấn) sau trận lũ lụt ở Rajanpur, Pakistan - Ảnh: AP
Trận lũ lụt ở Pakistan khiến gần 1 triệu ngôi nhà bị hư hại, cuốn trôi các ngôi làng, mùa màng và 800.000 vật nuôi.
Các nhà chức trách cho biết sức tàn phá của mùa lũ năm nay còn tồi tệ hơn năm 2010, khi đó đã khiến 1.700 người thiệt mạng.
Cơ quan cứu hộ vẫn tiếp tục sơ tán hàng ngàn người bị mắc kẹt trong bối cảnh có lo ngại rằng lũ lụt ở quốc gia này vẫn chưa đạt tới đỉnh điểm.
Trong chuyến thăm tới một khu vực bị ngập lụt nặng ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, phía tây bắc đất nước ngày 29-8, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif đã mô tả những trận mưa là “chưa từng có trong 30 năm qua”.
“Tôi chưa bao giờ chứng kiến sự tàn phá như vậy trong đời”, ông Sharif nói và cam kết chính phủ của ông “sẽ không làm các nạn nhân lũ lụt thất vọng”.
Bộ trưởng Kế hoạch Pakistan Ahsan Iqbal cho biết thiệt hại kinh tế ban đầu trên toàn quốc có thể lên tới ít nhất 10 tỉ USD. “Tôi nghĩ nó sẽ rất lớn. Cho đến nay, ước tính thiệt hại sơ bộ là hơn 10 tỉ USD", ông Iqbal nói với Hãng tin Reuters.
Các quan chức cho biết lũ quét do biến đổi khí hậu gây ra đã ảnh hưởng đến hơn 33 triệu người, số người chết ghi nhận chính thức là 1.136 người. Số thương vong dự kiến tiếp tục tăng lên khi các đội cứu hộ tiếp cận nhiều cộng đồng ở vùng xa hơn.
Bộ trưởng Bộ biến đổi khí hậu Pakistan Sherry Rehman nói một phần ba đất nước đã biến thành vùng biển lớn, tạo ra cuộc khủng hoảng "không thể tưởng tượng được".
Hơn 75% diện tích Balochistan, tỉnh lớn nhất và nghèo nhất của Pakistan, đã bị thiệt hại do lũ lụt và phần lớn tỉnh Sindh lân cận bị ngập trong nước.
Tại thành phố Shikarpur ở phía đông nam của tỉnh Sindh, không xa sông Indus (sông Ấn), Rehan Ali, một lao động 24 tuổi, cho biết anh không thể xây lại ngôi nhà bị sập của mình nếu không có sự giúp đỡ của chính phủ và hiện không thể làm việc vì tình hình hỗn loạn.
"Tôi thậm chí không có bất cứ thứ gì để nuôi gia đình", anh nói với Hãng tin AP. "Tôi đã mất mọi thứ. Tôi không biết phải đi đâu".