Ngày hôm qua (15/1), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề nghị Thủ tướng sắp mãn nhiệm Dmitry Medvedev đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, sau khi ông Medvedev cùng toàn thể nội các chính phủ bất ngờ tuyên bố từ chức.
Ông Medvedev đã chấp nhận lời đề nghị của Tổng thống Putin. Được biết, tại vị trí này, ông sẽ chịu trách nhiệm giám sát các vấn đề an ninh và quốc phòng của Nga.
Hội đồng An ninh Liên bang Nga là một cơ quan tư vấn do Tổng thống Nga đích thân kiểm soát. Trong số các thành viên của cơ quan này có các bộ trưởng, những người đại diện của Quốc hội và lực lượng thi hành pháp luật. Hội đồng này có nhiệm vụ hỗ trợ người đứng đầu nhà nước đưa ra những quyết định quan trọng nhất về vấn đề an ninh quốc gia.
Theo RIA Novosti, chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga cho thấy ông Medvedev vẫn giữ một trong những chức vụ quan trọng nhất - mặc dù chức năng và nhiệm vụ của ông tại cơ quan mới vẫn còn là điều bí ẩn.
Tờ báo Nga dẫn lời Tổng thống Putin cho biết chức vụ này đã được lập ra dành riêng cho ông Medvedev, và ông Medvedev là người phù hợp cho nhiệm vụ này.
"Trước đây Dmitry đã thường xuyên xử lý các vấn đề tương tự, đặc biệt là chuyện tăng cường khả năng an ninh và phòng thủ của nước ta. Do đó tôi tin rằng đây là chuyện khả thi, và đã đề nghị ông ấy giữ chức vụ mới này để xử lý những vấn đề trong lĩnh vực này", ông Putin nói.
RIA Novosti bình luận rằng ở thời điểm hiện tại, họ vẫn chưa thể đưa ra nhận xét về quyết định bổ nhiệm của ông Putin, bởi dựa theo khuôn khổ của những thay đổi quy mô lớn do Tổng thống đề xuất, thì cán cân quyền lực và trách nhiệm trong bộ máy chính phủ Nga cũng sẽ có nhiều thay đổi rất lớn.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, đó là dù Hiến pháp Nga có thay đổi, thì ông Medvedev vẫn là lãnh đạo đảng Nước Nga Thống nhất.
Trong số những đề xuất được ông Putin đưa ra trong bản Thông điệp Liên bang, vị Tổng thống Nga đã nhấn mạnh về việc gia tăng quyền lực của Quốc hội. Do đó, nếu Hội đồng Liên bang được trao quyền lựa chọn các vị trí Bộ trưởng, thì Hạ viện Nga sẽ thực sự có cơ hội phê chuẩn các ứng viên Bộ trưởng và thậm chí là Thủ tướng.
Và nếu vai trò của Quốc hội gia tăng, thì song hành với nó sẽ là quyền lực của các đảng phái chính trị, bao gồm "đảng quyền lực" Nước Nga thống nhất, theo RIA Novosti.
Cuộc bầu cử Hạ viện Nga sẽ được tổ chức trong năm tới (2021), và cuộc đua này được đánh giá sẽ là một trong những sự kiện chính trị "nóng" nhất, hấp dẫn nhất nước Nga trong vòng nhiều năm trở lại đây.
Tuy nhiên, với những thay đổi sắp xảy đến với nước Nga, tình hình bầu cử năm tới sẽ rất khó đoán định. Nhưng một điều chắc chắn là sự cạnh tranh giữa các đảng phái ở Nga trong cuộc bầu cử năm tới sẽ gay gắt hơn nhiều so với trước đây.