Chưa xong "mớ bòng bong" với Thổ Nhĩ Kỳ, S-400 của Iraq sẽ "nối dài ác mộng" đối với người Mỹ?

Quốc Vinh |

Việc Iraq tuyên bố mua S-400 của Nga mang nhiều ý nghĩa chiến lược đe dọa đến lợi ích của Mỹ và thậm chí có thể có bàn tay của Iran đứng đằng sau.

Trong tuần qua, thông tin được TASS và Sputnik đăng tải về việc Iraq tuyên bố mua hệ thống phòng không S-400 tiên tiến của Nga đã trở thành tin tức đáng chú ý. Đặc biệt, động thái của Iraq đến vào lúc cuộc tranh cãi xung quanh S-400 giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong những tuần gần đây lên đến đỉnh điểm.

Theo Asia Times, việc Iraq nghiêm túc với ý định thông qua thỏa thuận mua S-400 của Moscow mang nhiều ý nghĩa chiến lược có thể đe dọa đến lợi ích của Mỹ và thậm chí có thể có bàn tay của Iran đứng đằng sau.

Ai là người trả tiền?

Câu hỏi đầu tiên là Iraq sẽ dùng nguồn tiền ở đâu để mua hệ thống phòng không của Nga. Chi phí cơ bản cho một hệ thống S-400 là khoảng 500 triệu USD. Nhưng đó là gói vũ khí cơ bản nhất với số lượng tên lửa tối thiểu và hỗ trợ hạn chế mà Iraq nhận được. Nếu muốn nhiều tên lửa hơn, nhiều radar hơn và nhiều phụ tùng hơn, S-400 sẽ bị đội giá thêm đáng kể.

Chi tiêu quân sự trung bình của Iraq trong thời gian từ năm 2004 đến năm 2018 là khoảng 5,05 tỷ USD/năm. Iraq sẽ trả tiền mua S-400 từ ngân sách quốc phòng của mình hay Nga sẽ hỗ trợ phần nào cho Iraq? Nếu không, nguồn tài chính này đến từ đâu, phải chăng là Iran?

Vì chưa có hợp đồng hoặc thỏa thuận cuối cùng, nên nguồn tài chính mà Iraq sẽ sử dụng vẫn chưa rõ ràng. Nhưng theo cây bút Stephen Bryen, có một sự đánh cược hợp lý rằng Iran có lẽ là ứng cử viên hàng đầu để hỗ trợ mua S-400 cho Iraq. Và nếu trường hợp đó xảy ra, liệu Iran có ngầm điều hành hệ thống S-400 ở đó hay không?

Mỹ sẽ phản đối S-400 của Iraq

Vấn đề thứ hai là Mỹ sẽ phản ứng thế nào với việc mua hàng của Iraq. Câu trả lời cho câu hỏi đó là Mỹ có lẽ sẽ phản đối Iraq mua S-400, giống như cách họ phản đối việc bán hệ thống này cho Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng Mỹ có còn đủ đòn bẩy để gây áp lực với Iraq không? Bối cảnh chính trị hiện tại đang thay đổi nhanh chóng và đòn bẩy của Washington dường như đang bị suy yếu trong khu vực.

Một ví dụ tiêu biểu là việc lý do khiến Mỹ phải chuyển các nhân viên không thiết yếu ra khỏi Iraq trong tuần qua là mối đe dọa tên lửa mà Iran chuyển cho dân quân Shia ở Iraq, theo Reuters.

Washington Times mới đây cũng giải thích rằng, một trong những lý do Mỹ tăng cường quân và triển khai hải quân ở vùng Vịnh Ba Tư, thậm chí gửi máy bay ném bom B-52 đến đó là vì Iran đã chuyển một số tên lửa cho dân quân Shia ở Iraq mà có thể được sử dụng để nhắm mục tiêu lực lượng Mỹ ở quốc gia này.

Reuters cho biết các tên lửa được chuyển giao bao gồm Zelzal (có tầm bắn 250 km), Fateh-110 (200-300 km) và Zolfaqar (700km) – có thể đưa Thủ đô Riyadh của Saudi hoặc thành phố Tel Aviv của Israel vào tầm bắn nếu vũ khí được triển khai ở miền Nam hoặc miền Tây Iraq.

Iraq được cho là đã không phản đối việc chuyển tên lửa từ Iran.

Tên lửa nào sẽ được bán?

Chưa xong mớ bòng bong với Thổ Nhĩ Kỳ, S-400 của Iraq sẽ nối dài ác mộng đối với người Mỹ? - Ảnh 1.

Iran tuyên bố quan tâm đến hệ thống S-400 của Nga.

Vấn đề thứ ba là tên lửa nào sẽ được cung cấp cho hệ thống S-400 mà Iraq sẽ mua? Có bốn loại tên lửa khác nhau có thể được phóng từ S-400. Đáng gờm nhất là tên lửa 40N6 có tầm bắn rất xa và thậm chí có thể chặn được cả máy bay tàng hình F-22 và F-35 của Mỹ, theo tuyên bố từ các chuyên gia kỹ thuật quân sự phía Nga.

Hiện tại, chưa có thông tin nào về việc Iraq mua S-400 sẽ bao gồm gói 40N6 hay không, nhưng nếu Iran là bên bảo lãnh thực sự cho thỏa thuận thì khả năng cao các tên lửa này sẽ đi kèm trong hợp đồng.

Theo cây bút Stephen Bryen, về lâu dài, sự hiện diện của 40N6 có thể gây ra vấn đề lớn cho Mỹ.

Nằm ở tỉnh Anbar "nhạy cảm"?

Vấn đề thứ tư là S-400 sẽ được đặt ở đâu tại Iraq và vị trí của nó sẽ đe dọa thế nào trước kẻ thù tiềm năng.

Theo Entifadh Kamal Qanbar, cựu tùy viên quốc phòng Iraq ở Washington và cựu cố vấn cấp cao của Phó Thủ tướng Iraq, S-400 sẽ tới tỉnh Anbar.

Anbar là khu vực rất nhạy cảm. Đó là nơi các trận chiến khốc liệt ở Fallujah xảy ra giữa nhiều nhóm dân quân, các chiến binh nước ngoài, al-Qaeda và những người khác chống lại lực lượng đa quốc gia do Mỹ lãnh đạo.

Với việc thiết lập một căn cứ phòng thủ tên lửa tại đây, S-400 ở Anbar sẽ giáp mặt với Saudi Arabia, Jordan và Israel (cũng như Syria và Lebanon).

Bằng cách đặt tên lửa ở đó, Israel sẽ gặp khó khăn trong việc tiến hành các cuộc tấn công chống lại Iran. Với các tên lửa tầm xa 40N6, các căn cứ không quân của Israel trên phần lớn lãnh thổ đất nước sẽ gặp nguy hiểm.

Vận hành bởi Hezbollah?

Qanbar cho rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ cung cấp cho Iran hoặc Hezbollah lợi thế rất lớn thậm chí khả năng chống lại F-35 tàng hình của Israel.

Nếu Qanbar nhận định đúng, việc Iraq mua lại S-400 nên được hiểu là một động thái chiến lược mà Iran là quốc gia đứng đằng sau, giống như việc chuyển tên lửa từ Iran cho dân quân Shia là một phần trong chiến lược của Iran để đối đầu với Israel và Mỹ.

Ở khía cạnh gián tiếp, người Nga sẽ cảm thấy có lợi khi bán tên lửa cho Iraq vì điều đó làm suy yếu Mỹ và Israel mà họ không mất bất kỳ điều gì, cây bút Stephen Bryen kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại