Vinaxuki (hay còn gọi là Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên) là doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản do vướng vào khoản nợ lên tới 1.200 tỷ đồng, tuy nhiên công ty này đã từng có thời kỳ rất thành công và ông Bùi Ngọc Huyên - chủ tịch công ty cũng là một doanh nhân được nhiều người biết đến.
Ông có thể chia sẻ một chút về cuộc đời và sự nghiệp của mình và điều gì trong sự nghiệp khiến ông nhớ nhất?
Ông Bùi Ngọc Huyên chủ tịch của Vinaxuki cho biết: "Nhiều người gọi tôi là ông già đam mê".
Tôi vốn là một kỹ sư công tác ở Bộ Giao thông vận tải, đến năm 49 tuổi về hưu tôi mới chuyển sang kinh doanh, đó là hồi năm 1992 khi các doanh nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn.
Từ năm 2006 đến năm 2009, tôi đã thu hồi xong vốn đầu tư của giai đoạn 1 về nhà máy lắp ráp xe tải để bán ra thị trường và bắt đầu nghiên cứu sản xuất xe con.
Tuy nhiên, đến tháng 6/2010 khi khủng hoảng kinh tế xảy ra ở Việt Nam đã khiến doanh nghiệp của tôi chững lại, xe tải bán chậm và lãi ít dần đi.
Đến năm 2012, cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường và các nhà sản xuất ô tô ở Việt Nam nói chung và Vinaxuki nói riêng đều chịu tác động.
Lần đầu tiên sau hơn 20 năm, Vinaxuki thua lỗ và nợ có hạn, nhưng tại thời điểm đó các công ty khác cũng nợ và có công ty lỗ đến 750 tỷ đồng và nợ thuế đến 1.250 tỷ, nợ ngân hàng 7.500 tỷ đồng.
Khi đó nhà máy lắp ráp của tôi đã lắp ráp ra những loại xe tải nặng từ 7 tấn cho đến 20 tấn, nhà máy xe tải nhẹ đã lắp ra hàng nghìn sản phẩm, còn những mẫu xe nội địa hóa thì đã có 3 loại xe tải nhẹ xuất xưởng và xe con thì đang chạy thử nghiệm với mức nội địa hóa từ 40% cho đến 50%.
Theo tiêu chuẩn là doanh nghiệp của tôi được vay vốn để tái cơ cấu, song cuộc khủng hoảng và việc các ngân hàng ngừng cho vay vốn lưu động đã khiến Vinaxuki chết dần từ năm 2012.
Đến tháng 6/2015 thì phải đóng cửa nhà máy tại Mê Linh, Thái Nguyên và Thanh Hóa. Do đó, giấc mơ xe nội địa "made in Vietnam" vẫn chưa thể trở thành sự thật.
Ông đánh giá như thế nào về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện nay và theo ông đến bao giờ giấc mơ ô tô “made in Vietnam” mới trở thành sự thật?
Mẫu xe VG của Vinaxuki
Tôi đã mất 4 năm, mời các chuyên gia người Nhật sang Việt Nam đào tạo cho nhân viên, họ đánh giá con người Việt Nam rất thông minh, cần cù và sáng tạo.
Như vậy, về mặt con người, Việt Nam có thể làm được ô tô. Về công nghệ sẽ phải học hỏi các quốc gia khác song về chiến lược quy hoạch thì vẫn cần tạo điều kiện hơn nữa để các doanh nghiệp phát triển.
Đến năm 2014 mới có chính sách về đẩy mạnh nội địa hóa trong khi năm 2018 thì thuế suất thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về Việt Nam sẽ về 0% và Việt Nam có cơ hội xuất khẩu ô tô ra thị trường nước ngoài thay vì nhập siêu.
Hầu hết các doanh nghiệp ô tô ở Việt Nam hầu hết là lắp ráp ô tô từ các nhà sản xuất Hàn Quốc hay Nhật Bản nhưng các công ty này cũng có cơ sở sản xuất tại Thái Lan, Indonesia hay Malaysia, vì vậy họ sẽ không xuất khẩu xe từ Việt Nam sang các thị trường đó.
Nếu có xe nội địa, thì phải sản xuất ở trong nước trước 3,4 năm so với mốc 2018 để thử nghiệm trong nước trước rồi cải tiến và xuất khẩu.
Đối với yêu cầu xe nội địa hóa 40% sẽ được xuất đi ASEAN là điều không quá khó, chỉ cần người Việt Nam sản xuất được phần thân vỏ thì sẽ có những công ty cung cấp linh kiện phụ trợ cho ô tô.
Hiện tại, Việt Nam đang lỡ mất cơ hội xuất khẩu sang thị trường ASEAN khi chỉ còn 2 năm là thuế suất về 0%.
Trước đây, đã có rất nhiều công ty từ Lào, Myanmar sang tham quan nhà máy và bày tỏ nguyện vọng muốn nhập xe của Vinaxuki về bán.
Nhưng khi thua lỗ, tôi đã phải bán hết cả nhà cả cửa thậm chí là thế chấp cả ô tô đang đi để họ tái cơ cấu nhưng không được.
Trong khi đó, thị trường ô tô Việt Nam liên tục tăng trưởng, năm 2013 tăng hơn 20%, năm 2014 tăng 43%, năm 2015 tăng 55%, đấy là thị trường rất hấp dẫn với các công ty nước ngoài.
Nếu vẫn đi theo hướng chỉ lắp ráp xe thì Việt Nam sẽ có cơ hội xuất khẩu ô tô ra các quốc gia khác mà sẽ mãi chỉ là thị trường dành cho các doanh nghiệp ngoại.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 35 NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 cho thấy những nỗ lực thay đổi và tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp, vậy ông kỳ vọng gì về những chính sách, thay đổi từ chính phủ mới?
Bản thân tôi và các doanh nghiệp khác đều rất mong chờ những chính sách mới, đặc biệt là về mặt tài chính, chính sách thuế. Bởi sau cuộc khủng hoảng năm 2010, nhiều doanh nghiệp đã phá sản vào năm 2011 gây ra sự lo ngại khiến các nhà đầu tư không dám bỏ tiền.
Vì vậy, tôi hy vọng chính phủ mới sẽ tạo ra những cơ chế khiến người dân tin tưởng và yên tâm đầu tư, mở rộng quy mô doanh nghiệp. Đồng thời, nên thành lập những quỹ hỗ trợ doanh nghiệp để đẩy mạnh các ngành công nghiệp còn yếu.
Nếu được vay vốn, công ty tôi sẽ được vận hành trở lại và có thể đầu tư theo chiến lược của chính phủ.