Trong đơn, Danh
kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm về thiệt hại trong vụ án, xin xem xét lại tội
Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng vì bị cáo
không chỉ đạo cấp dưới thực hiện và thực tế không có thiệt hại xảy ra.
Danh cũng xin định giá lại tài sản về bất động sản ở sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng). Đồng thời, ông nói đã chuyển 3.600 tỷ đồng cho bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông Phú Mỹ) để mua cổ phần Ngân hàng Đại Tín (tiền thân của Ngân hàng Xây dựng) và một số tài sản khác.
Tuy nhiên, đến nay Danh vẫn chưa nhận được tài sản mà Phú Mỹ cam kết chuyển giao nên đề nghị cấp phúc thẩm thu hồi khoản tiền hơn 3.600 tỷ đồng đã chuyển cho nhóm này. Ngoài Phạm Công Danh, một số bị cáo khác cũng kháng cáo kêu oan hoặc xin được giảm nhẹ hình phạt.
Trước đó, sau phiên xử kéo dài hơn 50 ngày, chiều 9/9, TAND TP HCM đã tuyên Phạm Công Danh 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và 20 năm tù tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, tổng hình phạt là 30 năm tù (theo quy định tù có thời hạn không quá 30 năm).
Các bị cáo nghe tòa tuyên án. Ảnh: K.Thành.
Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) bị tuyên phạt 22 năm tù, Mai Hữu Khương (Nguyên giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) 20 năm tù, Hoàng Đình Quyết (nguyên giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang) 19 năm tù.
32 bị cáo còn lại trong vụ án lĩnh mức án từ 3 năm tù treo đến 16 năm tù. Các bị cáo đều bị truy tố về 2 tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Về phần dân sự, tòa án tuyên buộc Phạm Công Danh phải bồi thường hơn 9.000 tỷ đồng đã gây thất thoát.
Đồng thời, HĐXX cũng đọc quyết định khởi tố tại tòa với nhóm cổ đông của bà Hứa Thị Phấn cùng một số lãnh đạo của Ngân hàng Đại Tín về những sai phạm, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ cho nhà băng này trước khi Phạm Công Danh tiếp quản. Buộc nhóm bà Phấn phải trả lại 948 tỷ đồng cho Ngân hàng Xây dựng mà Phạm Công Danh đã chuyển do đây là tiền phạm tội mà có.
Theo cáo trạng, Vào năm 2012, Ngân hàng TMCP Nông thôn Rạch Kiến (tiền thân của Ngân hàng Đại Tín – Trustbank) có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Từ năm 2009 – 2010, Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ, do bà Hứa Thị Phấn làm Chủ tịch HĐQT đã bỏ ra khoảng 2.000 tỷ đồng để mua lại 84,92% cổ phần của Trustbank.
Dưới sự lãnh đạo của nhóm bà Phấn, Ngân hàng Xây dựng rơi vào cảnh thua lỗ rất nghiêm trọng, Theo kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 10/7/2012, thực trạng tài chính của Trustbank rất xấu, vốn chủ sở hữu âm 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế 6.031 tỷ đồng.
Tháng 9/2012, NHNN chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu TrustBank theo hướng chuyển nhượng cho Phạm Công Danh (lúc này là Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh). Sau khi mua lại cổ phần từ nhóm Phú Mỹ, Danh đã nắm quyền điều hành và đổi tên TrustBank thành Ngân hàng Xây dựng - VNCB.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Danh, Ngân hàng Xây dựng càng bết bát hơn. Chỉ trong vòng 1 năm, từ cuối 2012 đến thời điểm khởi tố vụ án (26/7/2014), vốn chủ sở hữu của Ngân hàng Xây dựng âm đến 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 38.255 tỷ đồng. Trong đó, Phạm Công Danh cùng 35 đồng phạm được xác định đã gây thất thoát 9.000 tỷ đồng.