Chủ tịch IPCC: Vẫn có thể cứu vãn Trái Đất, nhân loại đang nỗ lực phi thường!

Nguyễn Hằng |

Nhiệt độ thế giới đang không ngừng tăng, tuy nhiên, không phải là quá muộn để thay đổi thực tế báo động này.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Guardian, giáo sư, tiến sĩ Hoesung Lee, Chủ tịch Uỷ ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc cho rằng: Cuộc chiến chống lại sự ấm lên toàn cầu 2 độ C là một trong những nỗ lực phi thường nhất của nhân loại trong bối cảnh hiện nay.

Ông cho rằng, con người vẫn có thể tránh được sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu lên 2 độ C mặc dù tình trạng nóng lên toàn cầu đã có hơn chục năm diễn biến thất thường, kể từ năm 2000. Tuy nhiên, chi phí để hỗ trợ cho sứ mệnh lịch sử này là không hề nhỏ.

Dưới đây chúng tôi lược trích những quan điểm chính của giáo sư Hoesung Lee về vấn đề này. 

Chủ tịch IPCC: Vẫn có thể cứu vãn Trái Đất, nhân loại đang nỗ lực phi thường! - Ảnh 1.

Mục tiêu "không tưởng" nhưng có thể hoàn thành, nếu...

Nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 1 độ C kể từ thời tiền công nghiệp (trước năm 1750), do sự nóng lên từ khí thải nhà kính gây ra. Và nhân loại đang phải đối mặt nguy cơ nhiệt độ tăng thêm hơn 2 độ C trong thế kỷ 21. 

Hội nghị thượng đỉnh COP 21 đã thông qua thỏa thuận Paris, đánh dấu cột mốc chói lọi về thỏa thuận lịch sử toàn cầu chống biến đổi khí hậu sau 2 thập kỷ không có một đồng thuận chung giữa hàng trăm quốc gia trên thế giới.

Mục tiêu quan trọng của Thỏa thuận này giữ nhiệt độ của trái đất đến năm 2100 là không quá 2 độ C và cố gắng tiến tới ngưỡng thấp hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, các chính phủ cam kết ngăn chặn sự gia tăng của lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính một cách "sớm nhất có thể".

Kể từ ngày 4/11/2016, thoả thuận Paris thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu với sự đồng thuận của gần 200 quốc gia trên thế giới chính thức có hiệu lực.

Có nhiều cảnh báo từ các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các nhóm vận động từ Hội nghị Liên Hợp Quốc COP 21 (diễn ra từ 29/11/2015 - 13/12/2015) ở Paris (Pháp) cho rằng, giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này dưới 2 độ C có thể là nhiệm vụ bất khả thi.

Tuy nhiên, giáo sư Hoesung Lee lại cho rằng, mục tiêu kiểm soát gia tăng nhiệt độ ở mức 2 độ C vẫn còn rất khả thi mặc dù có thể rất tốn kém về mặt chi phí. 

"Kiểm soát ở mức tăng 2 độ C là có thể đạt được, nhưng nếu chúng ta không hành động theo những gì IPCC tư vấn thì chi phí có thể gia tăng đáng kể. Chúng ta phải hành động sớm để đạt được sự ổn định. Nếu chờ đợi quá lâu, chi phí có thể cao hơn rất nhiều", ông nói.

"Đó là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng đánh giá rõ ràng cho thấy rằng chúng ta có công nghệ và phương tiện cho phép chúng ta đạt được mục đích đó".

Theo ông, cần phải có cơ chế thay đổi nhanh chóng trong việc chuyển đổi năng lượng, giảm mức phát thải carbon ở mức thấp nhất.

Ngay tại thời điểm này, chính phủ các nước cần có những phương án và giải pháp linh hoạt để giảm thiểu các khí nhà kính và khí thải carbon trong sản xuất. Chi phí cho kế hoạch giữ mức nhiệt tăng ổn định hàng năm sẽ ít tốn kém hơn việc trì hoãn.

Nếu trì hoãn đến năm 2050 mới hành động, con số chi phí có thể tăng lên rất nhiều.

Chủ tịch IPCC nhận định: "Nếu chúng ta hành động đúng đắn thì việc cắt giảm lượng khí thải sẽ tăng gấp đôi lên 6%/năm. Mục tiêu giữa nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 2 độ C là hoàn toàn có thể đạt được nếu có sự thay đổi mạnh mẽ trong cách thức kinh doanh".

Chủ tịch IPCC: Vẫn có thể cứu vãn Trái Đất, nhân loại đang nỗ lực phi thường! - Ảnh 3.

Kiểm soát mức nhiệt toàn cầu dưới 2 độ C đang là mục tiêu mà cả thế giới hướng đến. Ảnh: CBCnews

"Đánh thuế carbon"

Các nhà khoa học cũng cho biết, nồng độ CO2 của thế giới hiện nay đang trên bờ vực không bao giờ giảm xuống dưới ngưỡng 400 ppm (phần triệu) theo ghi nhận của hai trạm quan trắc ở Cape Grim, Australia và núi lửa Mauna Loa ở Hawaii, Mỹ.

Ngày càng có nhiều bằng chứng về các nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu và những hệ quả xấu trong những năm qua, người đứng đầu IPCC nhận định, đã đến lúc cơ quan "quyền lực" này phải tập trung nhiều hơn vào các giải pháp.

Tiến sĩ Lee cho biết, các bản báo cáo và những chiến lược hoạch định cụ thể của những nhà khoa học hàng đầu về khí hậu của Liên hợp quốc sẽ sớm được ra trong giai đoạn từ năm 2020 – 2022 để tìm ra các chính sách chặt chẽ hơn, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Điều này có thể bao gồm các nghiên cứu về hiệu quả của việc đánh thuế carbon và các chế tài xử phạt ở các nền kinh tế khác nhau, tác động của các tiêu chuẩn công nghệ, ngân sách của chính phủ cho nghiên cứu và phát triển, và hoạt định chính sách bảo vệ các thành phố và khu vực nông thôn "thoát khỏi" tác động của biến đổi khí hậu.

Chủ tịch IPCC: Vẫn có thể cứu vãn Trái Đất, nhân loại đang nỗ lực phi thường! - Ảnh 4.

Ảnh minh họa: Inhabitat.

Ông Lee cho biết: "Chúng ta cần phải nâng cao hiểu biết về hiệu quả của việc định giá carbon trong thế giới thực, chứ không phải chỉ có trên sách vở và phải nắm chắc được các biện pháp, chính sách hỗ trợ".

Bên cạnh đó, IPCC cũng nên xem xét kỹ thuật geoengineering để làm mát Trái Đất, hạn chế nhiệt độ gia tăng. Công nghệ geoengineering được cho là rất khả quan về mặt kĩ thuật và một vài trong số này tỏ ra hữu ích trong việc hỗ trợ cho các nỗ lực giảm lượng khí nhà kính nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu.

Dù có không ít các giải pháp phù hợp với các quốc gia, nhưng trên hết quyết tâm cùng nhau hành động và thực hiện một cách nghiêm túc mới chính là giải pháp tối ưu nhất giúp con người có thể kiểm soát được mức nhiệt dưới 2 độ C và hạn chế được ảnh hưởng khủng khiếp của biến đổi khí hậu.

Chủ tịch IPCC: Vẫn có thể cứu vãn Trái Đất, nhân loại đang nỗ lực phi thường! - Ảnh 5.

Nguồn: Theguardian

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại