Nếu theo đúng kế hoạch, năm 2019, VinGroup sẽ cho ra mắt sản phẩm ô tô đầu tiên mang thương hiệu Việt. Dự án này khiến dư luận rúng động với nhiều ý kiến trái chiều về tính khả thi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Chúng tôi đã PV với ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam về vấn đề này.
- Xin chào ông. Ngày 2/9 vừa qua, tập đoàn Vingroup đã chính thức khởi công dự án tổ hợp sản xuất ô tô thương hiệu Vinfast tại khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng) với tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ USD. Là một chuyện gia trong ngành, ông nhận định như thế nào về sự kiện này?
- Tôi thấy rất phấn khởi, rất tự hào! Hy vọng và tin tưởng trong thời gian sớm nhất sẽ có xe ô tô thương hiệu Việt. Hiện nay chưa có thương hiệu ô tô Việt, chúng ta toàn đi làm lắp ráp cho các hãng xe thế giới. Các nước trong khu vực đã có xe của họ rồi, còn chúng ta thì đi quá chậm.
Đáng ra việc sản xuất ô tô của Việt Nam phải được xuất hiện trước nhiều năm nay. Thế nhưng, mãi cho đến giờ mới có một DN (doanh nghiệp) – tập đoàn chính thức công bố sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta cứ cố tình sản xuất ra các “sản phẩm không ra gì”. Điều này là không nên. Song tôi tự tin là Việt Nam sẽ có một thương hiệu ô tô ở mức tương đối. Mình không thể cạnh tranh được với Toyota, Ford hay BMW, Rolls-Royce nhưng sẽ có thị phần nhất định trong thị trường.
Hiện nay, thu nhập người dân ở mức trung bình rồi, ô tô đã phổ biến trên thế giới, việc sản xuất xe ô tô là hoàn toàn phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam. (Nguồn: Tuổi Trẻ).
- Dư luận rất háo hức, song nhiều chuyên gia lại cho rằng, VinGroup quá mạo hiểm và họ nên lập liên doanh với một hãng xe nước ngoài thay vì tự sản xuất hãng xe riêng?
- Mạo hiểm khi ông ta (Phạm Nhật Vượng – pv) không có tiền. Chúng ta không có tiềm lực mà kỳ vọng quá vào cái gì mà ta muốn mới là mạo hiểm. Chứ ông Vượng có tiền. Hiện nay, Phạm Nhật Vượng giàu nhất Việt Nam – ông ấy mà không dám làm ô tô thì chẳng ai dám làm cả.
Như Vinaxuki mới là mạo hiểm. Vinaxuki cũng rất tự hào và ông ấy từng quyết tâm làm bằng được ô tô cho người Việt. Tuy nhiên, do tiềm lực kinh tế không có nên đã không làm được.
Điều quan trọng nhất là DN cần có vốn để đầu tư thiết bị hiện đại nhất của thế giới, con người giỏi nhất. Và chỉ có các DN tư nhân mới dám làm và đủ sức để kiểm định.
- Vậy theo ông, đâu là cái khó nhất của DN nội địa trong lĩnh vực này khi trước đó dự án xe hơi thương hiệu Việt của Vinaxuki từng nổi đình đám một thời nhưng cuối cùng lại đổ vỡ?
Để sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt thành công cần 2 yếu tố. Thứ nhất là tiềm lực kinh tế. Thứ hai là chính sách Nhà nước. Nhà nước phải tạo điều kiện cho DN Việt sản xuất được ô tô.
Chứ không có tiền như Vinaxuki mà mong muốn đi làm ô tô thì mãi chỉ là giấc mơ thôi. Ngược lại, chính sách không tốt khi cứ khuyến khích nhập khẩu thì tỉ lệ thành công rất khó.
- Chỉ còn 3 tháng nữa là bước sang năm 2018, đồng nghĩa thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN về còn 0%. Yếu tố này có bất lợi cho Vingroup khi thực hiện dự án này, thưa ông?
- Không có gì khó khăn cả. Thuế về 0% thì tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng. Tại sao các nước khác làm xe rẻ, chất lượng tốt mà chúng ta không làm được? DN sản xuất chất lượng kém mà giá cao thì sạt nghiệp là chuyện đương nhiên. Thời điểm này Vingroup mà không làm thì không doanh nghiệp nào dám làm cả.
Đúng dịp lễ 2/9, Tập đoàn Vingroup đã khởi công Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng).
- Cùng với nỗ lực của DN, bên cạnh việc hoan nghênh thương hiệu sản phẩm quốc gia, theo ông Chính phủ cần có những cơ chế chính sách gì để song hành hỗ trợ DN hiện thực hóa giấc mơ sản xuất ô tô “Made in Vietnam”?
- Nhà nước cần tạo điều kiện như đất đai, cơ chế chính sách, các thủ tục trong nước…. Quan trọng nhất là chính sách cần tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển. Như vừa rồi chính sách thuế điều chỉnh khá phù hợp, điển hình như xe cũ nhập vào sẽ đắt hơn xe mới.
Chúng ta cần đánh vào xe nhập khẩu nguyên chiếc thuế cao, còn phụ kiện và sản xuất trong nước giảm tạo lợi thế cho DN nội.
- Cho đến thời điểm này, nhiều chuyên gia nhận định dự án sản xuất ô tô của Vingroup khó khả thi. Ông có tin tập đoàn này sẽ hiện thực hóa giấc mơ ô tô của người Việt?
- Tôi có niềm tin VinGroup sẽ thành công. Ông Vượng không những có tiềm lực tài chính tự có mà còn được ngân hàng ở Thụy Sỹ bảo lãnh. Từ đó, họ sẽ tìm được các chuyên gia đầu ngành tập hợp đầu tư bài bản, nghiêm túc, dồn dập. DN cần chọn thị phần cho đúng và nghiên cứu thị trường nào phù hợp với người dân Việt Nam.
- Nếu đúng theo kế hoạch năm 2019 VinGroup sẽ cho ra mắt những chiếc xe ô tô “Made in Vietnam” đầu tiên. Giả sử có nhu cầu và đủ điều kiện kinh tế, ông có chọn mua thương hiệu này?
- Nếu đáp ứng 2 tiêu chí: giá thành phải chăng và chất lượng đảm bảo thì tôi mua. Còn tôi không mua hão khi chất lượng xe kém mà giá thành không phải chăng.
Ở đây, giá phải chăng chứ không phải giá rẻ. Bởi Trung Quốc thất bại với việc lợi dụng người dân nghèo khó đưa sang hàng giá rẻ. Thế nhưng giờ này không ai ưa hàng Trung Quốc nữa.
Một mặt khác, tôi yêu nước không phải vì tôi mua hàng của ông, giá cả mang tiếng rẻ mà chất lượng không ra gì. Mà tôi mua vì chất lượng song hành với giá thành.
Cảm ơn ông!