Chú mèo nổi tiếng với biệt danh “Sam không thể chìm” vừa là biểu tượng của sự may mắn đến kỳ lạ vừa là điềm báo sự xuất hiện của thần chết. Trong suốt 5 năm thời Thế chiến thứ 2, con mèo nhị thể màu đen trắng được các thủy thủ Hải quân Anh mang đi theo trong nhiều trận chiến trên Đại Tây Dương.
Theo những câu chuyện kể lại, Sam đã 3 lần thoát chết trong 3 cuộc tấn công chí tử khác nhau mà không gánh chịu dù chỉ một vết xây xước.
Kriegsmarine, tức Hải quân Đức Quốc xã, hạ thủy chiến hạm Bismarck vào năm 1939, chỉ vài tháng trước khi quân Đức xâm lược Ba Lan, thổi bùng cuộc Đại chiến thế giới thứ 2. Vào năm 1941, con tàu đã di chuyển tới vùng phía bắc Đại Tây Dương với âm mưu phá hoại các chuyến tàu chở hàng tiếp tế của quân Đồng minh qua lại giữa Canada và Anh.
Trên tàu Bismarck là thủy thủ đoàn khoảng 2.200 thành viên, bao gồm một chú mèo nhị thể. Trong một trận chiến ác liệt kéo dài 3 ngày, tàu Bismarck bị phá hủy vào ngày 27/5/1941. Khi tàu bị đắm, chỉ có 114 thủy thủ sống sót, và một trong số đó là Sam.
Chiến hạm Bismarck của Đức. Ảnh: Wikimedia Commons
Một chiến hạm Anh là HMS Cossack đã bắt đầu nỗ lực cứu hộ người sống sót từ tàu Bismarck. Các thủy thủ phát hiện con mèo may mắn đang chấp chới bên một tấm ván nổi. Sau đó mèo ta được đưa lên tàu Cossack và mang tên mới là Oscar.
Nhưng chỉ vài tháng sau, chính tàu Cossack lại bị đánh chìm bởi một quả ngư lôi của Đức. Một lần nữa, Oscar được thủy thủ đoàn tàu sân bay HMS Ark Royal của Anh cứu sống. Chính ở trên con tàu này, Oscar đã được đặt cho biệt danh “Sam không thể chìm”.
Tàu HMS Cossack của Anh bị đắm chỉ vài tháng sau khi cứu chú mèo Sam. Ảnh: Wikimedia Commons
Và như thể số phận đã sắp đặt, biệt danh đó một lần nữa được chứng minh là sự thật, khi vào ngày 14/11/1941, khoảng một tháng sau khi chú mèo được cứu, tàu Ark Royal lại trúng ngư lôi. Con tàu bị phá hủy, nhưng “Sam không thể chìm” vẫn bình an vô sự. Chú ta được cứu lên tàu HMS Legion, một chiến hạm khác thuộc Hải quân Hoàng gia Anh.
Tàu sân bay Ark Royal của Anh bị đánh đắm năm 1941. Ảnh: Wikimedia Commons
Vậy, điều gì đã xảy ra với "Sam không thể chìm" sau khi sống sót sau vụ đắm tàu thứ ba?
Theo Bảo tàng Hoàng gia Greenwich của Anh, con mèo đã nghỉ hưu trên đất liền, nơi nó được đưa về văn phòng của Thống đốc Gibraltar. Sau đó, Sam được một thủy thủ sống ở Belfast nhận nuôi. Chú ta qua đời vào năm 1955.
Nhưng cũng giống như hầu hết các câu chuyện giả tưởng, câu chuyện về chú mèo nhiều lần thoát chết trên biển vẫn còn nhiều khoảng trống. Đầu tiên, không có hồ sơ nào về việc một con mèo được đưa lên tàu Bismarck, ít nhất là theo những người sống sót trên tàu.
Ngoài ra còn có vấn đề về sự xuất hiện của chú mèo Oscar (tức "Sam không thể chìm"). Có hai bức chân dung khác nhau được cho là của Oscar, cả hai đều cho thấy chú ta là một con mèo tuxedo đen trắng. Một là bức vẽ tông màu phấn do một nghệ sĩ vô danh thực hiện, với hình ảnh mèo Sam ngồi trên một tấm gỗ trôi nổi.
Bức vẽ mèo "Sam không thể chìm" tại Bảo tàng Hoàng gia Greenwich.
Một bức chân dung khác mà nhiều người cho là chụp mèo Sam là ảnh một con mèo tuxedo đeo xích cổ có khắc chữ “HMS Amethyst 1949”. Nhưng nhiều khả năng đây là chân dung của một con méo sống trên chiến hạm khác tên là Simon, từng ở trên tàu Amethyst. Ngoài ra còn có một tấm ảnh thứ ba được cho là chụp "Sam không thể chìm".
Bức ảnh này có khi được tin là chụp mèo Sam, nhưng nhiều người lại nghi ngờ đó là ảnh chụp một con mèo nổi tiếng khác tên là Simon.
Có một giải thích cho huyền thoại “Sam không thể chìm” là con mèo đã được đưa lén theo tàu thay vì là một linh vật chính thức của tàu Bismarck. Do đó, con vật không được đăng ký chính thức trong danh sách hành khách của tàu.
Đối với bức vẽ màu phấn, cũng không có lý do giải thích tại sao người ta lại vẽ bức tranh mèo "Sam không thể chìm” nếu nó không thực sự tồn tại.
Dù sao những phỏng đoán này cũng không cần thiết phải được chứng minh, bởi một thực tế là những con vật đã từng trợ giúp đắc lực cho các quân đội trong thời chiến.
Một con mèo nằm võng trên tàu chiến HMS Hermione, được các thủy thủ cưng chiều. Ảnh: Wikimedia Commons
Mặc dù có lý do để hoài nghi câu chuyện về chú mèo “Sam không thể chìm”, nhưng cũng có lý do để tin vào điều đó. Mang mèo xuống các con tàu là một mẹo từ cổ xưa của các thủy thủ nhằm ngăn chặn nạn chuột phá phách.
Trong thời chiến thì điều này cũng không là ngoại lệ. Các con vật, đặc biệt là những loài thú cưng như chó, mèo, đã xuất hiện trong các vùng chiến sự từ lâu trước Thế chiến thứ hai, chủ yếu nhằm duy trì nhuệ khí của các chiến binh khi họ đối mặt với những thử thách khắc nghiệt nơi chiến trường.
Chó và chim bồ câu thường được đưa tới tiền tuyến, thậm chí trở thành đồng đội thường xuyên có mặt trên các tàu hải quân, giống như trường hợp chú mèo Sam.
“Sam không thể chìm” cũng không phải là con mèo duy nhất phiêu lưu trên biển. Một con mèo vằn biệt danh là "Bà Chippy" từng đi cùng với Ernest Shackleton trong chuyến thám hiểm xuyên Nam Cực của ông vào đầu thế kỷ 20.
Ngoài ra còn có Convoy, chú mèo đáng yêu trên tàu tuần dương Hoàng gia Anh HMS Hermione, và Blackie, người “đồng đội” trên tàu HMS Prince of Wales, chiến hạm nổi tiếng chở Thủ tướng Anh Winston Churchill đến dự cuộc họp bí mật với Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, trong Thế chiến 2.
Chú mèo vằn Chippy đồng hành cùng Ernest Shackleton trong chuyến thám hiểm xuyên Bắc Cực. Ảnh: Wikimedia Commons
Chó cũng là người bạn đồng hành phổ biến trên chiến trường. Trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Binh đoàn 102 của Quân đội Mỹ từng có Stubby, một chú chó sục Boston hiếu động được một người lính lén đưa lên tàu.
Stubby trở thành linh vật của đội và thậm chí còn được trao sọc quân hàm với chiến công cảnh báo cho quân đội về một cuộc tấn công sắp xảy ra và hỗ trợ nỗ lực giải cứu bằng khứu giác nhạy bén của chú ta.
Ngoài ra còn nhiều loài động vật hoang dã như gấu, gà, chuột, khỉ được các binh sĩ mang theo. Cho dù mục đích của họ là gì, những con vật này thường mang đến cho các chiến sĩ cảm giác dễ chịu, sự an ủi về tinh thần trước thực tại khắc nghiệt của chiến trường.