Một tòa án ở Trung Quốc đã cấp lệnh bảo vệ cho người đàn ông (49 tuổi), sau khi người này cho biết ông ta nhiều lần bị vợ đánh đập.
Nạn nhân là ông Li sinh sống ở thành phố Bắc Hải thuộc khu tự trị dân tộc Choang ở Quảng Tây của Trung Quốc. Vào tháng Tư, ông Li đã xin tòa án cấp lệnh bảo vệ để ngăn người vợ không có thêm hành động bạo hành.
Đàn ông là nạn nhân của tình trạng bạo hành gia đình vẫn đang là chuyện hiếm ở Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)
Ông Li cho biết hai vợ chồng đã kết hôn vào năm 1997, nhưng họ lại có mối quan hệ độc hại. Theo The Paper, ông Li lo lắng cho sự an toàn của bản thân sau thời gian dài hứng chịu sự bạo hành của người vợ mang họ Bai.
Trong hơn 20 năm qua, ông Li thường xuyên bị vợ đánh đập và thậm chí còn lén lút theo dõi, cũng như quấy rối. Ông Li tiết lộ có lần ông còn bị vợ cắn.
Ông Li cho hay ông xin tòa án cấp lệnh bảo vệ do bản thân không thể chịu đựng thêm tình trạng bị vợ bạo hành, dù vấn đề này gần đây ông đã báo cáo với lực lượng cảnh sát ở địa phương. Sau khi ông Li cung cấp hình ảnh và giấy khám sức khỏe làm bằng chứng để chứng minh bị vợ bạo hành, cảnh sát khu vực đã khuyên ông Li xin tòa án cấp lệnh bảo vệ.
Tòa án đã cấp lệnh bảo vệ cùng ngày ông Li nộp đơn. Tuy nhiên, bà Bai lại không chấp nhận phán quyết của tòa, và còn làm đơn kháng cáo. Nhưng tòa án đã bác bỏ đơn của bà Bai, do bà này không cung cấp được bằng chứng cần thiết.
Sau khi câu chuyện ông Li phải xin tòa án lệnh bảo vệ lan truyền trên mạng xã hội Weibo, một lần nữa vấn đề bạo lực gia đình lại khiến cư dân mạng Trung Quốc dậy sóng tranh cãi. Đáng nói, trong trường hợp này, nạn nhân lại là nam giới. Trong khi đây là chuyện khá hiếm xảy ra ở Trung Quốc.
“Tại sao mọi người lại cố tình phân biệt nạn nhân là nam hay nữ? Khi xảy ra bạo lực gia đình, chuyện giới tính có ý nghĩa gì?”, một cư dân mạng viết.
Một người tự xưng là giáo viên còn nhấn mạnh, “Tôi hoàn toàn ủng hộ cho ra đời một ủy ban chuyên bảo vệ các quyền hợp pháp của nam giới đã kết hôn ở Trung Quốc”.
Song có người đặt câu hỏi nghi ngờ về việc người vợ "động thủ" với chồng như “Liệu có phải vì người chồng có hành vi lừa dối? Phụ nữ thường ôn hòa. Chắc người đàn ông phải có nhiều lỗi lầm?”.
Chia sẻ với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), một luật sư tại công ty luật ở Quảng Châu, nhận định vấn đề nam giới bị bạo hành vẫn là “chuyện bí mật” ở Trung Quốc do ảnh hưởng của khuôn mẫu xã hội về tình trạng bạo lực gia đình và giới tính.
“Tỷ lệ bạo hành gia đình mà thủ phạm là nữ giới và nạn nhân là nam giới chiếm rất nhỏ so với chiều ngược lại, nhưng không có nghĩa là vấn nạn này không tồn tại”, luật sư cho hay.
“Xã hội Trung Quốc chủ yếu thường đánh giá sự việc theo phía nữ giới và tìm bằng chứng để chứng minh đàn ông đã làm sai, ngay cả khi nam giới là nạn nhân. Đôi khi những người đàn ông cũng không nhận thức được chuyện họ đang bị tấn công phi thể chất như bị bạo hành bằng lời nói, cưỡng ép hoặc giới hạn sự tự do”, luật sư nói thêm.
Cũng theo luật sư, “Dù là nam hay nữ, thủ phạm cần phải bị ngăn chặn và trừng phạt. Luật Chống Bạo hành gia đình được chính phủ Trung Quốc thông qua năm 2016 đã quy định mọi công dân có quyền nộp đơn xin cấp lệnh bảo vệ. Theo Luật Dân sự, bạo lực gia đình là lý do hợp pháp để xin ly hôn”.
Vào năm 2021, Tòa án Tối cao Trung Quốc đã cho công bố bản báo cáo về việc các tòa án trên khắp cả nước thông qua tổng cộng 7.918 lệnh bảo vệ từ năm 2016 – 2020.
Báo cáo vào năm 2018 của Liên đoàn Phụ nữ Toàn Trung Quốc và Tổng Cục Thống kê Trung Quốc cho thấy 22,9% phụ nữ và 19,9% đàn ông từng trải qua bạo lực gia đình.
Trước đó, vào năm 2012, Trung tâm Khoa học Y tế của Đại học Bắc Kinh đã cho công bố cuộc điều tra về bạo lực gia đình ở 7 tỉnh với 2.810 hộ gia đình. Kết quả cho thấy 26,1% phụ nữ tham gia khảo sát thừa nhận họ có hành vi bạo lực chống lại chồng, và 27,8% đàn ông thú nhận họ từng là nạn nhân bị bạo hành trong gia đình.