Tại sao bị bạo hành về thể chất lẫn tinh thần vẫn không dám chia tay? Rốt cuộc bạn bị làm sao vậy?

M416 |

Tránh xa những người làm tổn thương bạn sẽ giúp bạn hình thành những gắn bó mới lành mạnh hơn, hạnh phúc hơn.

Cách đây ít lâu, tôi đã nhận được tin nhắn từ một người bạn cũ. Ngay đầu tin nhắn, nó đã nói rằng nó cảm thấy mình thật... rẻ mạt. Nó và bạn trai yêu nhau hơn 3 năm nhưng nó không hề hạnh phúc. Theo lời nó, anh bạn trai kia là người nóng tính, rất dễ cáu giận, đụng tí chửi mắng. Anh ta chê nó không làm được gì, mắng nó chậm chạp, ghét bỏ nó hết việc này đến việc khác...

Nếu khi bị bạn trai mắng mà nó tỏ ra buồn hay thất vọng, anh ta sẽ càng tức giận hơn. Và một khi tức giận, anh ta sẽ đánh nó. Nó luôn phải cẩn thận từng chút một mỗi khi ở bên bạn trai vì nó sợ bị mắng, nó không dám chia sẻ cảm nhận của mình với bạn trai chứ đừng nói đến việc nói xấu anh ta. Bởi anh ta sẽ không nghe, không hợp ý sẽ đòi chia tay rồi còn đổ cho nó gây sự trước.

Bản thân nó biết rõ rời xa người đàn ông này, nó sẽ sống tốt hơn nhưng nó lại không dám rời đi và cũng không nỡ rời đi. Nó nói nó rất yêu bạn trai của mình, nó đối tốt với bạn trai bởi có những lúc bạn trai cũng rất tốt với nó. Nó không muốn chia tay , ngay cả khi đã hạ quyết tâm sắt đá thì đến phút cuối cùng, nó vẫn mặt dày mày dạn tự quay trở về.

Tại sao bị bạo hành về thể chất lẫn tinh thần vẫn không dám chia tay? Rốt cuộc bạn bị làm sao vậy? - Ảnh 1.

Nó sợ tiếp tục bị mắng chửi nhưng nó cũng sợ sau khi rời xa anh ta, nó không biết rằng mình liệu có thể gặp được ai tốt hơn không. Nó không còn niềm tin vào tương lai, không còn niềm tin vào bản thân, luôn cảm thấy nếu không có đối phương, mình sẽ chẳng sống nổi.

Cuối tin nhắn, nó hỏi tôi một câu: "Tại sao anh ấy đối xử tệ với tao như vậy mà tao lại sợ chia tay? Rốt cuộc tao bị làm sao vậy?".

Đọc xong, tôi chẳng biết nói gì hơn ngoài việc cảm thấy tội nghiệp và xót xa thay cho người bạn của mình.

01

Tại sao người ấy tệ đến vậy mà bạn không thể rời xa?

Tôi lại nhớ đến có lần một người bạn làm công tác xã hội của tôi kể về một vụ việc anh ấy từng giải quyết. Khi ấy, anh ấy mới vào nghề nên sự việc này khiến anh ấy có ấn tượng vô cùng sâu sắc.

Ngày đó, anh ấy có tiếp một người phụ nữ bị chồng bạo hành, nhưng những lời người phụ nữ này nói lại làm anh ấy rất bất ngờ. Dù các dấu vết bị đánh đầy rõ ràng trên người nhưng người phụ nữ vẫn khăng khăng chưa đổ máu thì không tính là bạo hành.

Khi các nhân viên hỗ trợ khác cố thuyết phục người phụ nữ rằng cô thực sự đang là nạn nhân của bạo lực gia đình, người phụ nữ này bắt đầu trở nên kích động, thậm chí chửi mắng ngược lại đội hỗ trợ. Điều này khiến người bạn của tôi cảm thấy cực kì khó hiểu.

02

Vì sao các nạn nhân của bạo hành tinh thần , bạo hành thể chất không lựa chọn buông tay?

Chẳng lẽ họ chưa đủ đau?

Câu trả lời có lẽ là vì quá đau, nên họ chọn xem nhẹ hoặc cố tình phớt lờ nó. Phủ định là một biện pháp phòng vệ tâm lý xảy ra khi não bộ không để ý đến thực tế. Nó tìm kiếm sự thoải mái tâm lý tạm thời bằng cách bóp méo suy nghĩ, cảm xúc và tình cảm của cá nhân trong một tình huống tổn thương nhất định để thoát khỏi nỗi đau tâm lý, hoặc bằng cách "phủ nhận" một sự việc không vui như thể nó chưa từng xảy ra.

Tại sao bị bạo hành về thể chất lẫn tinh thần vẫn không dám chia tay? Rốt cuộc bạn bị làm sao vậy? - Ảnh 2.

Chỉ có như vậy, người ta mới có thể bảo vệ trái tim mình, để không phải gánh chịu nỗi đau tàn khốc mà hiện thực mang đến.

Chỉ bằng cách này, người ta mới có thể chọn cách quên đi hoặc bỏ qua những tổn thương của thực tại, để bản thân dù bị tổn thương vẫn có thể tiếp tục bước tiếp.

03

Suy cho cùng con người sống ở đời, tất cả đều tồn tại trong mối quan hệ gắn bó. Khi một đứa trẻ được sinh ra, sự gắn bó ấy sẽ bắt đầu. Chúng ta rất dễ bị tổn thương trong giai đoạn ấu thơ và phải dựa vào người khác để tồn tại, đó là nỗi sợ về sự sống và cái chết. Bị bố mẹ bỏ rơi hoặc bỏ mặc, xem nhẹ đối với trẻ con mà nói tương đương với cái chết.

Tuy nhiên, trẻ con có thể chưa hiểu khái niệm xem nhẹ hay bỏ mặc. Và cách đối phó của trẻ là tự trách mình và duy trì mối quan hệ bằng cách tự trừng phạt. Bởi vì chúng không có lựa chọn nào khác, chúng không tìm được câu trả lời từ ngoại cảnh nên phải tự quy kết hết mọi thứ về mình. Bởi vì tôi không biết điều gì sẽ xảy ra trong giây phút tiếp theo, và cũng không tin vào những gì sẽ xảy ra trong mối quan hệ tiếp theo nên tôi chỉ có thể cố gắng thể hiện hơn để làm hài lòng ai đó, để giúp bản thân không bị bỏ mặc hoặc bỏ rơi.

Cũng giống như người bạn cũ gửi tin nhắn mà tôi kể ở trên, vì nó không biết liệu mình có thể gặp được một người tốt hơn hay không, cô ấy không có niềm tin vào tương lai, cũng như vào chính bản thân mình. Vì vậy, lựa chọn tốt nhất mà nó nhìn thấy là duy trì mối quan hệ hiện tại, kể cả khi chính nó cũng khó lòng chịu đựng nổi. Bởi hơn cả cảm giác tổn thương ấy, thứ mà nó sợ hãi nhất là cảm giác hụt hẫng, chơi vơi khi mối quan hệ tan vỡ, với nó, cảm giác ấy tương đương với cái chết.

Tại sao bị bạo hành về thể chất lẫn tinh thần vẫn không dám chia tay? Rốt cuộc bạn bị làm sao vậy? - Ảnh 3.

Về một khía cạnh nào đó, cảm giác này này khá giống với cảm xúc và sự phụ thuộc vào "kẻ bắt cóc" trong hội chứng Stockholm.

Hội chứng Stockholm, còn được gọi là phức hợp con tin hay quan hệ bắt cóc, đề cập đến cảm xúc mà nạn nhân bị bắt cóc dành cho hung thủ, và thậm chí muốn giúp đỡ hung thủ sau khi được giải cứu. Bởi vì sau khi bị bắt cóc, con người thường đưa ra quyết định vô thức là nhắm mắt làm ngơ trước những gì mình gặp phải, thậm chí kết thân với những kẻ bắt cóc. Mọi người quên đi sự quấy rối, hành hạ mà họ đã phải chịu đựng, nghĩ rằng điều quan trọng hơn là phải bảo vệ mình ngay lúc này.

Đấu tranh là việc rất khó khăn và chung sống hòa bình với người làm mình tổn thương xem chừng là một chiến lược sinh tồn khôn ngoan hơn.

04

Dưới sự chi phối của tâm lý, nhiều người sợ mất đi mối quan hệ gắn bó nên bắt mình phải nhún nhường, nhượng bộ không giới hạn, thậm chí hoàn toàn phụ thuộc vào đối phương.

Nhiều chàng trai, cô gái đã trải qua những buồn vui giận hờn và cả những ghen tuông, mâu thuẫn, tranh cãi trong mối quan hệ của mình. Nhưng để duy trì mối quan hệ này, họ phải nuốt sống những cảm xúc tiêu cực ấy, lý do là họ sợ rằng cảm xúc của họ sẽ gây nguy hiểm cho mối quan hệ.

Trong một mối quan hệ gắn bó, đôi khi bạn sẽ cảm thấy mình giống như một đứa trẻ yếu ớt cần được nuôi dưỡng tình cảm. Vì vậy, việc không dám chia tay không chỉ là một biện pháp phòng bị tâm lý mà còn là một chiến lược cho phép tình cảm của chúng ta tiếp tục tồn tại.

Vì vậy, người bạn của tôi chấp nhận vứt bỏ cái tôi, tiếp tục chịu đựng những trận đánh chửi vì cho rằng tình yêu phải thế.

Vì vậy, người phụ nữ bị bạo hành vẫn kiên quyết nói với nhân viên công tác xã hội rằng chưa đổ máu thì chưa tính là bạo lực gia đình.

Có thể, họ đều biết rõ ràng rằng đối phương không tốt, nhưng họ đã quen với quy kết hết lỗi lầm cho bản thân và tự trách mình trước. Họ sợ mối quan hệ tan vỡ và càng sợ hơn là cảm giác cô đơn sau đó. Bởi, một mối quan hệ tồi tệ còn hơn là không có mối quan hệ nào.

05

Tại sao bị bạo hành về thể chất lẫn tinh thần vẫn không dám chia tay? Rốt cuộc bạn bị làm sao vậy? - Ảnh 4.

Nhưng một mối quan hệ như vậy cũng tương tự như việc uống rượu độc để giải khát vậy, chẳng thu lại gì, ngược lại, hại chính mình.

Chúng ta xem nhẹ những tổn thương, thậm chí để nó phá vỡ sự an toàn bên trong mình hết lần này đến lần khác, để có được thứ hạnh phúc tương đối tạm thời.

Những tổn thương của tuổi thơ là điều khó tránh khỏi. Nhưng sau khi trưởng thành, nếu người khác tiếp tục đối xử với bạn bằng thái độ không tốt thì rất có thể, chính bạn lại ngầm cho phép điều đó xảy ra.

Giống như con voi được huấn luyện trong rạp xiếc, khi còn nhỏ bị dây trói không thể thoát ra, khi lớn lên và sở hữu sức mạnh đủ lớn để thoát ra, nó vẫn cho rằng mình bất lực và chịu chôn chân trong lồng kín.

Chúng ta trói buộc tâm hồn mình và trao sợi dây cho người khác, thậm chí nghĩ rằng đây là cách chúng ta tồn tại. Nhưng bạn ơi, quá khứ không thể thay đổi và sống tốt mới là cách để cứu rỗi. Sự thật thường khó chấp nhận nhưng sự thật có thể khiến bạn nhìn ra sự thật.

Ai cũng biết đằng sau sự phụ thuộc là nỗi sợ bị bỏ rơi. Trong một mối quan hệ lành mạnh, bạn có thể chọn phụ thuộc hoặc độc lập. Nhưng trong một mối quan hệ không lành mạnh, bạn dường như luôn ở trong tâm thế phụ thuộc, điều này tương đương với việc giao phó mình cho đối phương một cách mù quáng. Đây không chỉ biểu hiện cho sự mất lòng tin vào bản thân mà còn là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự mất cân bằng của mối quan hệ.

Hãy nhớ rằng khởi đầu của sự thay đổi là hiểu được bản thân, chăm sóc bản thân thật tốt và tạo dựng lại niềm tin vào bản thân.

Jiddu Krishnamurti từng nói: "Cảm xúc là sản phẩm của khoảnh khắc tôi có mối quan hệ với những thứ khác".

Các mối quan hệ giống như một tấm gương có thể soi sáng tình cảm của bạn. Mối quan hệ nào cũng quan trọng, đừng dồn toàn bộ tâm trí vào một mối quan hệ. Ai cũng cần sự gắn bó, nhưng đừng làm khổ mình vì điều đó. Nếu sự tổn thương xuất hiện, hãy xem xét lại sự phụ thuộc của bạn trong mối quan hệ.

Tại sao bị bạo hành về thể chất lẫn tinh thần vẫn không dám chia tay? Rốt cuộc bạn bị làm sao vậy? - Ảnh 5.

Tránh xa những người làm tổn thương bạn có lợi cho việc xây dựng một mối quan hệ gắn bó mới lành mạnh hơn và hạnh phúc hơn. Đôi khi những gì bạn nghĩ là lựa chọn tốt nhất, khi nhìn lại, chỉ giống như một cuộc dạo chơi trong địa ngục mà thôi.

Bạn sinh ra đã có đôi cánh để bay cao, đừng vì bất kì ai mà chấp nhận bò rạp dưới mặt đất.

Ảnh minh họa: Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại