Chống Iran ở Syria: Israel "thành, bại" vẫn tại Nga?

Quốc Vinh |

Cuộc gặp giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có quyết định rất lớn đến cuộc đối đầu giữa Israel và Iran.

Sự phụ thuộc của Israel vào Nga

Các quan chức ở Washington, Tel Aviv, Damascus và Tehran đều hồi hộp chờ đợi cuộc gặp dự kiến ​​ngày 23/1 giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga, Vladimir Putin.

Các thảo luận giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ankara trong việc giải quyết câu hỏi ai sẽ kiểm soát các khu vực của người Kurd được cho là trọng tâm trong các cuộc đàm phán ở Nga, trong khi cuộc giao tranh mới nhất giữa các lực lượng Israel và Iran cũng dự kiến ​​sẽ nằm trong chương trình nghị sự bận rộn của hai nhà lãnh đạo.

Israel gần đây đã được hưởng lợi khá nhiều khi được tự do ngăn chặn lực lượng Iran đang hoạt động ở Syria. Trong đó, Tổng thống Trump ủng hộ hoạt động quân sự của Israel như một phần trong chiến lược chung của ông với Thủ tướng Benjamin Netanyahu để giảm thiểu sự hiện diện của Iran ở Syria và thậm chí Nga cũng đã phản ứng "khá hiền lành" trước vụ tấn công mới nhất.

Nhưng sự tự do tương đối của Israel có thể được kéo dài hay không sẽ không chỉ phụ thuộc vào mối quan hệ đi lên với Moscow mà còn dựa vào sự thành công của Nga trong việc thúc đẩy chương trình ngoại giao của nước này.

Bình luận viên Zvi Bar’el từ tờ Haaretz cho rằng, về cơ bản, Israel sẽ có ưu thế về mặt quân sự, miễn là Nga không can thiệp cũng như không hỗ trợ Damascus bằng các hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến của mình ở Syria, như S-300 và S-400.

Trong khi đó, việc không có sức mạnh không quân của riêng mình ở Syria, Iran sẽ phụ thuộc vào các hệ thống hiện có của Damascus để phòng thủ.

Hiện tại, các tên lửa đáp trả lại Israel dường như là một phản ứng hạn chế mà Iran có lẽ sẽ không muốn mở rộng, chủ yếu là do lo ngại Israel có thể tấn công thêm các cơ sở của Syria, dẫn đến việc Tổng thống Bashar Assad và Nga coi sự hiện diện của Iran là một rủi ro chiến lược.

Đồng thời, rõ ràng rằng các cuộc không kích riêng lẻ không thể đánh bật lực lượng Iran và nếu đó là mục tiêu trên mặt đất thì sẽ không tránh khỏi việc Israel sẽ tấn công vào các vị trí không hề mong muốn.

Kết quả cuối cùng là bất kỳ hoạt động quân sự nào của Israel nhằm tiêu diệt lực lượng Iran đều phụ thuộc vào Nga - điều mà cho đến nay người ta thấy rất ít sự quan tâm của Moscow cũng như khả năng ảnh hưởng của nước này đến các hành động của Iran. Nga thậm chí còn chưa làm xong cam kết của mình trong việc di chuyển lực lượng của Iran ra khỏi biên giới Israel.

Iran sẽ không sớm rời khỏi Syria

Chống Iran ở Syria: Israel thành, bại vẫn tại Nga? - Ảnh 2.

Israel chỉ có thể tiếp tục các cuộc không kích mà không có cách gì buộc Iran rời khỏi Syria.

Theo các tuyên bố công khai từ Nga và Syria , việc rút các lực lượng nước ngoài (bao gồm cả Iran) phải được bắt đầu bằng một thỏa thuận toàn diện về cấu trúc của Chính phủ mới ở Syria; bảo vệ biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ khỏi dân quân người Kurd và phiến quân cực đoan; cùng với đó là vai trò của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran trong việc ổn định Chính phủ mới ở Damascus.

Nếu và khi đạt được các thỏa thuận như vậy, Syria có thể yêu cầu rút tất cả các lực lượng nước ngoài, bao gồm cả Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, và yêu cầu sự bảo đảm của Moscow và quốc tế trong việc bảo vệ chủ quyền của mình, kể cả chống lại các cuộc tấn công của Israel.

Tuy nhiên, kịch bản nói trên được coi là một điều xa vời. Ankara và Washington đã không đạt được thỏa thuận về người Kurd; Thổ Nhĩ Kỳ từ chối chấp nhận yêu cầu của Mỹ rằng họ kiềm chế các cuộc tấn công ở khu vực đông dân cư người Kurd ở phía Đông sông Euphrates.

Trong khi Mỹ sẵn sàng gây áp lực cho người Kurd để loại bỏ vũ khí hạng nặng với điều kiện Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý bảo vệ họ. Công thức đó là không thể chấp nhận được đối với Ankara, họ nhận thức được rằng họ có thể nhận được nhiều hơn từ Washington trong trường hợp Tổng thống Trump khăng khăng rút lực lượng Mỹ khỏi Syria.

Nga rất muốn thấy chính quyền Assad tiếp tục kiểm soát hoàn toàn Syria, nhưng để điều đó xảy ra, Moscow và Damascus phải chiếm lại các khu vực phiến quân ở tỉnh Idlib. Ankara đã được Nga cho thêm thời gian để đạt được thỏa thuận với phiến quân, nhưng cho đến nay cam kết vẫn không thành công.

Iran đã bị buộc phải đóng một vai trò nhỏ trong tình hình hiện tại ở Syria, chủ yếu là do việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đã làm tăng đòn bẩy kinh tế của Nga đối với Tehran. Moscow khó có thể vội vàng bảo vệ Iran ở Syria miễn là sự leo thang với Israel không đe dọa chính quyền Assad.

Israel dường như hy vọng rằng, mối quan hệ nồng ấm giữa một số quốc gia Ả Rập, như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Bahrain, cũng như sự ủng hộ của Ai Cập đối với chính quyền Assad sẽ giúp đỡ trong việc "đóng băng" Iran. Nhưng kịch bản này khó thành thực tế.

Syria đã không cắt đứt quan hệ với Iran ngay cả khi nước này là thành viên của Liên đoàn Ả Rập và họ không xem việc đổi mới quan hệ với các quốc gia Ả Rập là phải trả giá bằng mối quan hệ với Iran.

Trên thực tế, sự hiện diện liên tục của Iran ở Syria có thể là một con bài mặc cả cho Tổng thống Assad, điều này sẽ cho phép ông đảm bảo quyền kiểm soát đối với Lebanon.

Israel sẽ khó có thể chống lại sự hiện diện của Iran ở Syria theo kịch bản như trên, và bị buộc phải giải quyết bằng các cuộc giao tranh chiến thuật hạn chế như hiện tại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại