Chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang gây ra những tranh cãi về việc thực hiện các cuộc tấn công liên tục ở Syria, nhằm vào mục tiêu Iran, với lý do bảo vệ an ninh của Israel và khu vực.
Khi phân tích hành động của Israel đối với Syria, cây bút John Wight trên tờ RT đã so sánh với câu nói nổi tiếng: "Một kẻ mạnh luôn làm những gì họ muốn và những kẻ yếu phải chịu đựng".
Khi nói đến động thái Israel, người ta cũng chỉ trích thêm các Chính phủ phương Tây đứng đằng sau ngầm ủng hộ hành vi được cho là xâm phạm chủ quyền nước khác mà không đưa ra các giải pháp kiềm chế đồng minh của mình.
Đầu tháng này trong một cuộc phỏng vấn của New York Times, Trung tướng Gadi Eisenkot khoe rằng Israel đã tấn công hàng ngàn mục tiêu ở Syria một cách tự ý mà không được sự cho phép của bất kỳ ai.
Giới chức quân sự nước này công khai thừa nhận Israel hiện đang tiến hành chống lại Iran và coi Syria là tiền tuyến trong cuộc chiến.
Các cuộc tấn công của Israel nhằm vào Iran luôn bị Nga và Syria cáo buộc là sai trái. Trong khi đó, Tehran được bênh vực bởi vai trò của mình ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá từ năm 2011.
Quả thực không có sự hiện diện của Iran trong cuộc xung đột này, cùng với Nga và phong trào Hezbollah, lá cờ đen của chủ nghĩa cực đoan sẽ tung bay ở Thủ đô Damascus chứ không phải là lá cờ của Cộng hòa Ả Rập Syria, cây bút John Wight nhấn mạnh.
Trong khi Iran là thế lực được chính quyền Tổng thống Assad mời trợ giúp thì ngược lại một trong những nguồn hỗ trợ bên ngoài quan trọng cho các nhóm đối lập ở Syria lại bị cáo buộc đến từ Israel.
Cuộc tấn công tên lửa gần đây nhất của Israel vào các mục tiêu Iran ở Syria được cho là đã khiến 21 người thiệt mạng, trong đó có 6 binh sĩ Syria.
Một cuộc tấn công trước đó vào các mục tiêu ở Syria từ không phận Lebanon của chiến đấu cơ Israel đã diễn ra ngay trước Giáng sinh, dẫn tới những phản ứng gay gắt từ Moscow vì đã gây nguy hiểm cho sự an toàn của hai máy bay dân sự chuẩn bị hạ cánh.
Cần phải nhớ rằng, Nga chỉ quyết định cung cấp cho người Syria hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 sau khi các máy bay chiến đấu của Israel tiến hành một cuộc tấn công chống lại các mục tiêu ở Syria vào tháng 9 năm ngoái, khiến cho một máy bay do thám của Nga bị bắn hạ trong một sai lầm đáng tiếc.
Việc Israel cảm thấy bị đe dọa bởi sự hiện diện của lực lượng quân đội Iran được triển khai ở Syria là điều hiển nhiên. Nhưng nếu Tehran ở đó với sự cho phép và hợp tác của Chính phủ Syria, sự gây hấn của Israel bị cáo buộc là một sự vi phạm rõ ràng về luật pháp quốc tế.
Sự đáp trả Israel của Iran có thể dẫn đến một cuộc chiến trong khu vực.
Nhưng nghiêm trọng hơn cả là hành động này đang được lặp đi lặp lại. Thậm chí, Israel sẵn sàng cân nhắc đến cả việc xâm nhập vào Syria để nhổ cỏ tận gốc Iran – điều đang mang đến những lo ngại về viễn cảnh xung đột toàn diện đang đến gần hơn bao giờ hết.
Những tuyên bố công khai lần đầu tiên của Israel gần đây trong cam kết tiếp tục tấn công các mục tiêu Iran ở Syria đã xác nhận điều đó. Nó cho thấy rằng, nỗi ám ảnh Iran đối với chính quyền Thủ tướng Netanyahu sẽ thúc đẩy nước này làm tất cả những gì có thể trong tầm tay.
Về phần mình, các nhà quan sát cho rằng, người Iran sẽ không thể cam chịu các cuộc tấn công này vô thời hạn mà không trả đũa bằng các đòn răn đe. Và với việc Tehran sở hữu kho vũ khí tên lửa đạn đạo lớn nhất và mạnh nhất trong khu vực, câu hỏi đặt ra là liệu Thủ tướng Israel có thực sự tin rằng một cuộc chiến toàn diện với Iran là một lựa chọn khả thi trong năm 2019?
Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng cho thấy lập trường đối địch với Iran hơn bao giờ hết. Điều này đã được minh chứng bởi cố vấn an ninh quốc gia John Bolton - người có xu hướng cứng rắn - cảnh báo rằng người nếu Iran trả đũa các cuộc tấn công liên tục của Israel ở Syria, họ sẽ phải gánh chịu những hậu quả sâu rộng.
Tuy nhiên, viễn cảnh này là không dễ dàng với Israel và Mỹ. Ý tưởng ở Washington những đòn trừng phạt kinh tế nghiêm trọng sẽ khiến cho quốc gia này rơi vào hỗn loạn. Nhưng điều mà Iran có là một kho vũ khí tên lửa đạn đạo mạnh mẽ. Hơn nữa, thái độ không ưa Israel trong nhiều năm của người Iran sẽ khiến cho nước này không dễ khuất phục đối thủ.
Sự thiếu vắng tiếng nói ôn hòa trong nền chính trị ở Israel tại một trong những thời điểm nguy hiểm nhất trong lịch sử khu vực được cho là cơn ác mộng, cũng giống như một chính quyền Washington đang có những nhân vật chống Iran mạnh mẽ như John Bolton và ngoại trưởng Mike Pompeo.
Cả Israel và Iran đều không có khả năng chiến thắng một cuộc xung đột chống lại bên kia mà không gặp phải rủi ro dẫn đến sự hủy diệt của chính mình. Do đó, những quan điểm mang tính chất "diều hâu" ở Israel và Mỹ sẽ đẩy nhanh cuộc chiến mà không mấy ai mong muốn.