Cập nhật 9h28:
Quân đội Venezuela không công nhận Tổng thống lâm thời tự xưng
Trước những lời kêu gọi của phe đối lập và chính quyền ông Trump, Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino đã khẳng định không thừa nhận Tổng thống lâm thời tự xưng Guaidó - người được cho là đang theo đuổi những "lợi ích đen tối" - đồng thời cam kết rằng quân đội Venezuela sẽ tiếp tục bảo vệ Hiến pháp và chủ quyền quốc gia.
Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Padrino Lopez. Ảnh: Reuters.
Pháp, Canada, Brazil và 7 nước Nam Mỹ công nhận Tổng thống lâm thời tự xưng Juan Guaidó
Hãng RT đưa tin, Brazil cùng 7 quốc gia Nam Mỹ khác - gồm Colombia, Chile, Peru, Paraguay, Ecuador, Argentina và Costa Rica - đã công nhận Juan Guaidó là Tổng thống lâm thời [tự xưng] của Venezuela, sau khi Mỹ, Canada và Pháp công nhận ông Guaidó.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro viết trên Twitter, cho biết "Brazil ủng hộ cuộc chuyển giao chính trị và kinh tế trở lại nền dân chủ và hòa bình xã hội ở Venezuela".
Trong khi đó, tổng thư ký Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) ông Luis Almagro cũng lên Twitter "chúc mừng" ông Juan Guaidó.
Trong một thông cáo báo chí, 11/14 nước thành viên của Khối Lima (Argentina, Brazil, Canada, Chile, Colombia, Costa Rica, Guatemala, Honduras, Mexico, Panama, Paraguay, Peru, Guyana, và Saint Lucia) cho biết họ ủng hộ quá trình chuyển giao ở Venezuela "nhằm hướng đến tổ chức các cuộc bầu cử mới trong thời gian sớm nhất".
Ba thành viên khối Lima "đứng ngoài" gồm Mexico - do duy trì nguyên tắc không can thiệp của tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador, cùng với Guyana và Santa Lucia.
Mexico, Bolivia từ chối công nhận ông Guaidó; Thổ Nhĩ Kỳ, Cuba ủng hộ ông Maduro
Phát ngôn viên chính phủ Mexico ngày 23/1 (giờ địa phương) nói rằng "cho đến lúc này" Mexico vẫn công nhận chính phủ Venezuela của Tổng thống Maduro.
Tổng thống Bolivia Evo Morales thì tuyên bố "đoàn kết cùng nhân dân Venezuela và người anh em Nicolas Maduro" để chống lại "móng vuốt chủ nghĩa đế quốc" tại Mỹ-Latin.
"Chúng ta sẽ không bao giờ trở thành sân sau của Mỹ," ông Morales viết trên Twitter.
Thổ Nhĩ Kỳ và Cuba cũng thể hiện thái độ ủng hộ đối với tổng thống Venezuela Maduro.
Nhiều nghị sĩ Nga lên tiếng chỉ trích hành động của Mỹ nhằm vào ông Maduro. Phó chủ tịch Ủy ban đối ngoại thượng viện Nga Andrei Klimov lên án Mỹ "tìm cách tiến hành chiến dịch nhằm tổ chức cuộc 'cách mạng màu' tiếp theo tại Venezuela".
Thượng nghị sĩ Vladimir Dzhabrailov, một thành viên Ủy ban trên, cho rằng việc ông Juan Guaidó tự xưng là Tổng thống lâm thời Venezuela và được Mỹ ủng hộ, "về bản chất là một cuộc đảo chính".
Diễn biến ban đầu
Tổng thống Maduro cắt đứt quan hệ ngoại giao và chính trị với Mỹ
Trong bài phát biểu được phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia tại dinh Tổng thống Venezuela hôm thứ 4 (23/1 - theo giờ địa phương), Tổng thống Maduro đã tuyên bố chính thức chấm dứt quan hệ chính trị và ngoại giao với Mỹ, đồng thời ra lệnh cho tất cả các nhân viên ngoại giao của Mỹ phải rời khỏi nước này trong vòng 72 giờ tới, CNN đưa tin.
Cụ thể, ông Maduro đã cáo buộc chính quyền Mỹ đứng sau âm mưu đảo chính và lật đổ chính quyền ông, nhằm dựng lên một chính phủ mới nằm dưới tầm kiểm soát của Washington tại Venezuela. "Tôi đã quyết định cắt đứt tất cả các mối quan hệ chính trị và ngoại giao với Mỹ. Hay biến đi! Rời khỏi Venezuela ngay", ông Maduro tuyên bố.
"Chúng ta không thể chấp nhận các chính sách xâm lược của Mỹ, các chính sách của Donald Trump. Venezuela là vùng đất của những người khai phóng", ông Maduro đanh thép. "Chúng ta sẽ không đầu hàng [trước Mỹ]".
Tuyên bố trên được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai thừa nhận và ủng hộ lãnh đạo phe đối lập của Venezuela - Chủ tịch Quốc hội Juan Guaidó - là Tổng thống lâm thời (tự xưng), cùng cam kết "dùng mọi nguồn lực kinh tế và ngoại giao để phục hồi nền dân chủ" của quốc gia Mỹ-Latinh này.
Trước đó, nhiều quan chức cấp cao Mỹ như Phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng đã lên tiếng tuyên bố sát cánh cùng phe đối lập và kêu gọi Tổng thống Maduro từ bỏ quyền lực. Thậm chí, ông Pompeo còn thúc giục quân đội Venezuela ủng hộ phe đối lập.
Năm ngoái, có thông tin cho biết một số quan chức Mỹ đã tiến hành cuộc gặp bí mật các sĩ quan cấp cao quân đội Venezuela để bàn về kế hoạch lật đổ Tổng thống Maduro.
Được biết, khi được hỏi về phương án can thiệp quân sự vào Venezuela, Tổng thống Trump đã trả lời rằng: "[Mỹ] hiện nay chưa cân nhắc điều gì, nhưng mọi phương án đều đang được đặt trên bàn".
Ngay sau khi ông Maduro phát biểu trên sóng truyền hình, Tổng thống lâm thời tự xưng Juan Guaidó đã phát đi một tuyên bố nhằm trấn an các nhà ngoại giao của Mỹ và các quốc gia khác tại Venezuela:
"Venezuela mong muốn các bạn duy trì hiện diện ngoại giao tại đất nước chúng tôi. Bất kỳ thông điệp nào phản đối điều này đều không hợp lệ, bởi chúng đến từ những cá nhân hoặc thực thể được coi là 'chiếm đoạt quyền lực'. Những đối tượng đó không có thẩm quyền quyết định về vấn đề này".
Sau Mỹ, nhiều quốc gia Mỹ-Latinh như Argentina, Brazil, Costa Rica, Ecuador, Guatemala, Chile, Colombia, Paraguay, và Peru cũng đã lên tiếng ủng hộ Tổng thống lâm thời tự xưng Juan Guaidó.
Ông Juan Guaidó tuyên bố trở thành Tổng thống lâm thời tự xưng của Venezuela.
Mỹ từ chối rút nhân viên ngoại giao khỏi Venezuela
Trong khi đó, đáp lại yêu cầu của ông Nicolas Maduro đối với các nhân viên ngoại giao Mỹ tại Venezuela, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa của bang Florida Marco Rubio đã kêu gọi các nhà ngoại giao "không được rời khỏi Venezuela":
"Ông Maduro không có quyền trục xuất các nhà ngoại giao của Mỹ và chấm dứt quan hệ ngoại giao với Mỹ. Tổng thống (lâm thời) hợp pháp Guaidó đã yêu cầu các nhà ngoại giao Mỹ ở lại Venezuela. Hơn nữa, việc các nhà ngoại giao Mỹ rời đi sẽ là hành động ngầm chấp nhận chính phủ của ông Maduro. Do đó, dù trong bất cứ tình huống nào, chúng ta cũng không được rời khỏi [Venezuela]."
Trong bài phát biểu tối thứ 4 (23/1 - theo giờ địa phương), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã bác bỏ yêu cầu rút các nhân viên ngoại giao Mỹ tại Caracas về nước của ông Maduro, với lí do rằng việc chính phủ của ông Maduro cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ là hành động bất hợp pháp, đồng thời đe dọa sẽ có "động thái đáp trả thích đáng" nếu ông Maduro gây nguy hiểm tới bất kì ai:
"Mỹ tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao với Venezuela, và sẽ tiến hàng mối quan hệ ấy thông qua chính phủ của Tổng thống lâm thời (ND: tự xưng) Guaidó - người đã có lời mời phái đoàn ngoại giao của Mỹ ở lại Venezuela.
Mỹ không công nhận chế độ của ông Maduro là chính phủ của Venezuela. Do đó, Mỹ không công nhận ông Nicolas Maduro có thẩm quyền pháp lý để cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ, hoặc tuyên bố không thừa nhận các nhà ngoại giao của Mỹ.
Chúng tôi [Mỹ] kêu gọi lực lượng quân đội và an ninh của Venezuela tiếp tục bảo vệ cho sự an toàn của tất cả công dân Venezuela, cũng như các công dân của Mỹ và các nước khác tại Venezuela. [...] Mỹ sẽ có các động thái đáp trả thích đáng đối với bất cứ ai gây nguy hiểm tới các phái đoàn ngoại giao và nhân viên của mình [tại Venezuela]".
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: Getty.
Phản ứng của Nga
Theo RT, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng đã có phản ứng đối với tuyên bố công nhận Tổng thống lâm thời tự xưng Juan Guaidó của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo bà, quyết định trên là ví dụ điển hình cho thái độ thiếu tôn trọng của phương Tây đối với luật pháp quốc tế:
"Các sự kiện diễn ra tại Venezuela gần đây cho thấy các nước phương Tây được cho là tiến bộ đã hành động như thế nào trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, chủ quyền và quy định không can thiệp và chuyện nội bộ của các quốc gia khác trên thế giới: tự tay lựa chọn chính quyền của một nước" - bà Zakharova tuyên bố trên Facebook.