Việc ông Juan Guaidó tự xưng là Tổng thống lâm thời của Venezuela có nguy cơ dẫn đến một cuộc nội chiến đẫm máu, RT trích dẫn các cảnh báo của giới chuyên gia. Trong đó, nhiều ý kiến đã lên án hành động can thiệp của nước ngoài (Mỹ) vào chuyện nội bộ của Caracas trước những biến động mới nhất tại quốc gia Mỹ-Latinh này.
Hôm thứ 4 (23/1), cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài tại Venezuela lại vừa mở ra một chương mới, với tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc công nhận Chủ tịch Quốc hội Juan Guaidó làm Tổng thống lâm thời (tự xưng) của Venezuela.
Pháp, Canada và 7 quốc gia Mỹ-Latinh đã nhanh chóng "nối gót" Mỹ thừa nhận Tổng thống lâm thời tự xưng Juan Guaidó, khiến tình hình khủng hoảng tại nước này ngày càng thêm trầm trọng.
Ngay sau đó, chính quyền ông Trump đã tiếp tục có thêm nhiều động thái khác, như việc Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi lực lượng an ninh và quân đội của Venezuela nổi dậy và đổi phe theo ông Guaidó.
Cảnh báo nguy cơ bùng phát nội chiến
Mặc dù quân đội Venezuela từ chối công nhận Tổng thống lâm thời tự xưng, nhưng người dân nước này hiện nay lại bị chia rẽ làm 2 phe đối lập, và Caracas đang đứng trước nguy cơ bùng phát một cuộc xung đột trong nội bộ.
"Tình hình hiện nay tại Venezuela rất có thể sẽ dẫn đến một cuộc nội chiến", hãng tin RT (Nga) trích dẫn bình luận của cựu nhân viên ngoại giao Mỹ Jim Jatras. "Nếu lực lượng quân đội hoặc cảnh sát của Venezuela bị chia rẽ, thì bạo lực và xung đột sẽ nổ ra tại nước này".
"Hàng triệu người dân Venezuela đã thoát khỏi cảnh nghèo đói trong cuộc cách mạng Bolivar. Họ chắc chắn sẽ không chấp nhận Tổng thống lâm thời tự xưng do Mỹ lựa chọn nắm quyền", ông Brian Becker từ liên minh chống chiến tranh và phân biệt chủng tộc ANSWER (Mỹ) cho biết.
Ông này cũng cảnh báo rằng, nếu một cuộc nội chiến nổ ra, thì Venezuela có thể trở thành "bể máu".
Rất nhiều ý kiến trong giới phân tích đều cho rằng việc ông Trump công nhận lãnh đạo đối lập của Venezuela là Tổng thống lâm thời rõ ràng là hành động can thiệp vào chuyện nội bộ của một quốc gia có chủ quyền, theo RT.
"Đây là kế hoạch được Washington triển khai lâu nay, nhằm khôi phục ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực và ủng hộ các chính phủ cực hữu nhất nắm quyền lãnh đạo", ông Becker giải thích. Ông này cũng cho rằng Washington có thể đã lợi dụng các quốc gia láng giềng thân Mỹ của Venezuela để kích động cuộc đảo chính ở Caracas.
Một đồng nghiệp của ông Becker là bà Gloria La Riva nhấn mạnh rằng Washington rất "hứng thú" đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên của Venezuela.
"Với việc công nhận người tự xưng là Tổng thống lâm thời Guaidó, Mỹ sẽ tìm cách chiếm đoạt các nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu của tập đoàn Citgo là tài sản của Venezuela tại Mỹ", bà La Riva nói.
Ông Juan Guaidó tuyên bố trở thành Tổng thống lâm thời tự xưng của Venezuela.
Phản ứng trước động thái của Mỹ, vừa qua Tổng thống Nicolas Maduro đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao và chính trị với Washington, đồng thời ra lệnh cho các nhà ngoại giao Mỹ phải rời khỏi Venezuela trong vòng 72 giờ. Trong khi đó, Tổng thống lâm thời tự xưng Guaidó cũng có những tuyên bố trấn an nhằm "giữ chân" các nhà ngoại giao ở lại.
Trước tình hình ấy, nhiều nhà phân tích bày tỏ lo ngại rằng có thể Mỹ sẽ thực hiện những biện pháp mạnh tay hơn nhằm lật đổ Tổng thống Maduro khỏi chiếc ghế quyền lực.
Tuy nhiên, theo ông Jatras, thì: "ông Maduro sẽ nỗ lực bảo vệ quyền lực Hiến định của mình. Chắc chắn sẽ có đối đầu. Và sẽ có bạo lực. [...] Ông Maduro sẽ không chấp nhận chuyện bị lật đổ. Vấn đề hiện nay là: Ai sẽ về phe ông Maduro, và ai sẽ theo ông Guaidó, và mọi chuyện có thể trở nên tồi tệ đến mức nào..."