Nhờ vậy, không ít vùng trồng vải, mận, xoài, bưởi… đã tiêu thụ sản phẩm từ rất sớm, tránh được tình trạng ùn ứ, được mùa mất giá. Còn người tiêu dùng chỉ cần đặt hàng online là được thưởng thức trái cây đặc sản mà thông thường tìm mua không dễ. Nhiều sàn xác nhận hàng đưa lên bao nhiêu bán hết bấy nhiêu; nhiều thời điểm nhu cầu đặt hàng lớn nhưng không còn hàng để bán.
Vừa đặt thử vải u trứng Thanh Hà (Hải Dương) và vải thiều (Bắc Giang) trên 2 sàn TMĐT, chị Yến (quận 3, TP HCM) không khỏi bất ngờ khi nhận được những trái vải rất tươi ngon, sạch sẽ dù phải đi quãng đường rất xa từ miền Bắc vào miền Nam. Chất lượng trái vải cũng "không chê vào đâu được". Đặc biệt, thời gian giao hàng khá nhanh, sản phẩm được đóng gói chỉn chu.
Trong khi đó, trên một sàn khác, chị H.V (quận 4, TP HCM) đặt mua vải u hồng Thanh Hà (Hải Dương) nhưng tiếc là thùng vải chị nhận được đã bị hư toàn bộ sau 3 ngày vận chuyển. Nguyên nhân nằm ở năng lực thu hái, bảo quản và vận chuyển của từng doanh nghiệp, từng sàn TMĐT.
Một sàn TMĐT đề nghị giấu tên chia sẻ với chúng tôi quy trình tuyển lựa, bảo quản, vận chuyển trái vải khá kỳ công từ 12-15 hợp tác xã (HTX) ở tỉnh Bắc Giang đến tay người dùng Hà Nội và TP HCM.
Mỗi HTX trồng và thu gom vải thiều với rất nhiều tiêu chuẩn tùy theo nhu cầu của bên mua nhưng sàn chỉ chấp nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP. Sau đó, phía sàn dự kiến sản lượng tiêu thụ theo từng thời điểm và báo cụ thể cho HTX.
Trên cơ sở sản lượng đặt hàng, các HTX tổ chức thu hoạch, đóng gói theo quy cách do phía đặt hàng là sàn TMĐT đưa ra. Sàn tiếp nhận sản phẩm ngay tại vườn và chuyển tới các kho tập trung tại Hà Nội và TP HCM bằng xe lạnh.
"Tại kho Hà Nội và TP HCM, chúng tôi sẽ chọn lựa lại một lần nữa, loại toàn bộ trái hư, cắt bỏ cành lá, đóng bao bì… nên hàng rất đẹp. Ngay khi nhận được đơn của khách, hàng đi từ kho lạnh có sẵn trong TP nên giao nhanh và giữ được tươi ngon" - đại diện sàn này thông tin.
Trong khi đó, một số nền tảng bán hàng chọn cách đưa nông dân lên sàn giao dịch trực tiếp với người bán sau quá trình đào tạo, hướng dẫn cho họ.
Đây có thể coi là lực đẩy giúp nông dân tiếp cận nhanh hơn với kinh tế số, song cũng lộ ra hạn chế là không kiểm soát được chất lượng sản phẩm đến tay khách hàng do thiếu một đơn vị liên kết giao nhận, vận hành đúng quy trình.
Chợ mạng hiện rất đa dạng về cách thức hoạt động, từ những sàn lớn xuyên quốc gia đến các chuỗi cung cấp trái cây hay nhà bán hàng nhỏ lẻ trên mạng xã hội. Với sản phẩm có hạn sử dụng ngắn, làm không tốt dễ gây mất lòng tin với khách hàng.
Trong khi đó, thực tế không phải nền tảng nào cũng đủ năng lực và tiềm lực để làm tốt việc bảo quản. Do vậy, tự xác định năng lực của mình để lựa chọn tiêu thụ những mặt hàng phù hợp là cách khôn ngoan để giữ chân khách hàng, thay vì chạy đua bán nông sản tươi theo phong trào.