Chịu đủ loại áp lực từ Mỹ, Trung Quốc phóng "sát thủ tàu sân bay" ở Biển Đông gỡ gạc vị thế

Minh Khôi |

Vụ thử tên lửa trùng với thời điểm cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Osaka, Nhật Bản.

Bằng việc thử tên lửa chống hạm ở Biển Đông hồi cuối tuần trước, Bắc Kinh đang phô diễn sức mạnh quân sự và tăng sức mạnh đàm phán trước thềm vòng đàm phán tiếp theo với Mỹ tiếp tục, các nhà phân tích cho hay.

Khi bạn chuẩn bị quay trở lại bàn đàm phán, bạn muốn có nhiều lá bài hơn trong tay và đây là một chiến thuật để đạt được điều đó, học giả nghiên cứu quân sự Ni Lexiong tại Thượng Hải cho hay.

Nhà nghiên cứu tại Thượng Hải đề cập đến một báo cáo được công bố của Lầu Năm Góc rằng, việc Quân đội Trung Quốc đã phóng một số tên lửa ở Biển Đông, một hành động mà Bộ Quốc phòng Mỹ mô tả là "gây quan ngại" và đi ngược lại lời cam kết không quân sự hóa trong khu vực.

Người Phát ngôn Lầu Năm Góc Dave Eastburn cho hay, các tên lửa được phóng đi từ một cấu trúc nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông, gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trung Quốc đã ra thông báo trong tuần trước về cuộc tập trận 5 ngày ở vùng biển trong khu vực, tuy nhiên không đề cập đến vụ thử tên lửa.

Lầu Năm Góc không xác nhận loại tên lửa đã được phóng đi nhưng các nhà quan sát cho rằng, đây có thể là DF-21D, một loại "sát thủ tàu sân bay" có tầm bắn khoảng 1.500 km (930 dặm), lần đầu xuất hiện công khai vào năm 2015.

Nếu được xác nhận, đây sẽ là vụ phóng tên lửa đầu tiên ở vùng biển đang ngày càng gia tăng căng thẳng, khi Trung Quốc cải tạo trái phép các đảo, đá và Mỹ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải thường xuyên.

Ông Ni cho hay, Trung Quốc đang cảm thấy áp lực từ Mỹ, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế bởi cuộc chiến thương mại và công nghệ mà còn bởi sự ủng hộ của Washington với Đài Loan và Hồng Kông.

"Sự ủng hộ tối thượng cho nỗ lực ngoại giao là sức mạnh tuyệt đối, sức mạnh quân sự. Và trong trường hợp của Mỹ, đó là nhóm tấn công 11 tàu sân bay. Nhưng DF-21D là vũ khí có đủ sức đe dọa", ông nói.

Vụ thử tên lửa trùng với thời điểm cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Osaka, Nhật Bản. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí nối lại các cuộc đàm phán để giải quyết cuộc chiến tranh thương mại đã kéo dài 1 năm và hoãn việc áp các mức thuế mới.

Chuyên gia quân sự có trụ sở tại Bắc Kinh Zhou Chenming cho biết Trung Quốc luôn tuyên bố rằng các cuộc tập trận quân sự của nước này được lên kế hoạch từ trước và không nhắm vào một quốc gia nào, nhưng tuyên bố của Lầu Năm Góc cho thấy Mỹ cũng đang cảm thấy áp lực.

Ông nói rằng các bình luận từ Washington có thể là lý do Bắc Kinh dỡ bỏ các hạn chế trên Biển Đông, nơi diễn ra các cuộc tập trận quân sự sớm hơn so với kế hoạch.

Ban an toàn hàng hải ban đầu đã giữ cảnh báo trong khu vực này sẽ từ sáng sớm thứ Bảy cho đến tối thứ Tư, nhưng sau đó đã gỡ bỏ hạn chế vào thứ Ba.

"Trung Quốc có lẽ không muốn khiêu khích người Mỹ," ông Zhou nói.

Tại cuộc họp báo ngày 4/7, trả lời câu hỏi của Báo Điện tử Trí Thức Trẻ về việc Trung Quốc tập trận ở Biển Đông và bắn một số tên lửa chống ham, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam rất quan tâm và theo dõi sát vụ việc này.

Việt Nam đề nghị mọi hoạt động của các bên ở Biển Đông cần tôn trọng chủ quyền và quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật Biển của LHQ 1982, đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực

Trước đó, hồi tháng 3 năm nay, Việt Nam từng trao công hàm phản đối Trung Quốc khi nước này tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại