Hôm 7/2/2015, Triều Tiên đã tiến hành bắn thử tên lửa diệt hạm mà được tờ Rodong Sinmun mô tả rằng đây là "một loại mới của tên lửa chống hạm do các nhà khoa học Triều Tiên phát triển và sẽ mang đến "một sự thay đổi lớn trong khả năng bảo vệ lãnh hải của hải quân".
Điều đáng nói là quả tên lửa của Triều Tiên có hình dáng và thiết kế hoàn toàn tương đồng với loại Kh-35 (3M-24) Uran-E của Nga. Từ đó đặt ra câu hỏi: Chưa rõ Bình Nhưỡng đã nhận tên lửa từ đâu hoặc sản xuất như thế nào, và khả năng thật sự của loại vũ khí này vẫn là một ẩn số.
Tên lửa chống hạm có hình dáng giống Kh-35 được phóng đi từ tàu chiến của Triều Tiên
Đã xuất hiện một vài suy đoán về quốc gia cung cấp loại đạn hành trình diệt hạm này cho Triều Tiên để họ có thể bắt tay chế tạo bản sao, liệu có phải là Ấn Độ, Algeria, Azerbaijan hay Venezuela?
Nhưng mọi nghi đều vấn tập trung vào Myanmar khi hai nước từng có lịch sử hợp tác quân sự lâu dài, kể cả việc mua bán công nghệ quốc phòng và vũ khí với nhau, hiện nay trên nhiều tàu chiến của Myanmar đã có mặt các vũ khí, khí tài do Triều Tiên cung cấp.
Cần lưu ý, khinh hạm lớp Aung Zeya của Myanmar đã được trang bị tên lửa chống hạm Kh-35, Không quân Myanmar cũng có biến thể phóng từ máy bay của Uran-E. Do sở hữu mối quan hệ khăng khít, khả năng Myanmar lặng lẽ chuyển giao tên lửa Kh-35 cho Triều Tiên là hoàn toàn có thể xảy ra.
Tên lửa chống hạm Kh-35 sẽ làm thay đổi cơ bản sức mạnh của Hải quân Triều Tiên
Tuy nhiên thật bất ngờ khi Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố báo cáo về tình hình mua sắm quốc phòng trên thế giới, trong đó chỉ ra đích danh quốc gia cung cấp tên lửa Kh-35 cho Triều Tiên không phải ai khác mà chính là Nga.
Cụ thể trong năm 2005, Triều Tiên đã đặt hàng 10 tên lửa hành trình chống hạm Uran-E, toàn bộ đã được bàn giao vào năm 2006. Như vậy câu hỏi đầu tiên: "Ai là người bán tên lửa Kh-35 cho Triều Tiên" đã có lời đáp.
Vấn đề cần làm sáng tỏ trong tương lai sẽ là: Có phải Nga còn bán cả công nghệ và giấy phép để đất nước Đông Bắc Á này tự sản xuất một phiên bản Kh-35 nội địa, hay Triều Tiên đã tự "mổ xẻ" quả đạn để cho ra đời một biến thể "không đụng hàng" với bất kỳ quốc gia nào khác có loại vũ khí chống tàu chiến lợi hại này trong biên chế.
Câu trả lời cho thắc mắc thứ hai sẽ cần có thêm thời gian để khẳng định, nhưng đây rõ ràng là một vấn đề rất thú vị, cần được theo dõi sát sao.