Chính sách đối ngoại với Nord Stream 2 là ‘con đường tồn tại’ của Đức

Thanh Bình |

Tờ Foreign Policy nhận định, Mỹ hy vọng một cách vô vọng rằng Đức sẽ từ bỏ đường ống dẫn khí Nord Stream 2, vì việc thực hiện dự án sẽ là cách duy nhất để Berlin tránh được những cuộc khủng hoảng mà họ đã tạo ra.

Theo đó, ông Jeremy Stern nghị sĩ đảng Cộng hòa tin tưởng rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Berlin sẽ cho phép dừng việc xây dựng Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2). Trong khi, các thành viên đảng Dân chủ tin rằng dự án có thể được kết thúc mà không có các biện pháp trừng phạt bằng cách đạt được một thỏa hiệp với phía Đức. Đồng thời, người Mỹ tuyệt đối tin tưởng trong vấn đề này Washington sẽ thắng trong mọi trường hợp, và Đức sẽ rút lui.

“Rất ít người ở Washington nghĩ đến việc chính phủ Đức coi Nord Stream 2 là một con dự án còn và sẽ hoàn thành bằng mọi giá”, Foreign Policy viết.

Chính sách đối ngoại với Nord Stream 2 là ‘con đường tồn tại’ của Đức - Ảnh 1.

Chính sách đối ngoại với Nord Stream 2 là ‘con đường tồn tại’ của Đức. (Ảnh: RIA)

Ông Stern cho biết thêm, không có lệnh trừng phạt và thuế quan ưu đãi nào từ Mỹ, không có cam kết nào của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ thuyết phục được Thủ tướng Angela Merkel làm suy yếu lợi nhuận và uy tín của ngành công nghiệp Đức. Foreign Policy nhấn mạnh rằng, việc bà Merkel từ bỏ Nord Stream 2 khiến dấy lên nghi ngờ về chủ quyền của nền kinh tế Đức, cũng như khiến cử tri xa lánh đảng của bà.

Đồng thời, theo Foreign Policy, Đức có thể thay đổi quyết định về vấn đề cung cấp khí đốt của Nga nếu nước này từ bỏ lệnh cấm nhiên liệu hạt nhân hoặc giảm nhu cầu năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp bằng cách tăng giá.

“Nhưng bất kỳ động thái nào trong số này sẽ được chứng minh là ‘tự sát chính trị’ ở một quốc gia sẽ tổ chức một loạt các cuộc bỏ phiếu trong năm nay”, ông Stern nói. Ông Stern lưu ý, việc triển khai Nord Stream 2 sẽ cho phép các chính trị gia Đức không đưa ra các quyết định không được lòng dân.

Ba điều kiện để hoàn thành Nord Stream 2

Mới đây, người đứng đầu Hội nghị an ninh Munich, ông Wolfgang Ischinger chia sẻ với tờ Spiegel rằng, Đức và các nước châu Âu khác sẽ cần khí đốt của Nga trong một thời gian dài sắp tới, do đó, đường ống Nord Stream 2 vẫn có thể được hoàn thành bất chấp sự phản đối của Mỹ.

Nhà ngoại giao tin tưởng, số phận của dự án phụ thuộc vào ba điều kiện. Thứ nhất, Đức nên đưa ra cơ chế ngừng hoạt động khẩn cấp Nord Stream 2 và tạo cơ hội cho các nước Liên minh châu Âu (EU) khác tác động đến tình hình.

Thứ hai, Berlin có thể đưa ra cho Brussels và Washington một “Hiệp ước Năng lượng Euro-Đại Tây Dương”, nghĩa là chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo, củng cố tính toàn vẹn của thị trường khí đốt châu Âu và tăng cường hỗ trợ cho Ukraine. Theo ông Ischinger, Moscow có thể tham gia thỏa thuận này.

Thứ ba, Đức có thể liên kết dự án này với các yêu cầu chính trị, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng Ukraine và vụ của chính trị gia đối lập Alexei Navalny.

Người đứng đầu Hội nghị an ninh Munich nhấn mạnh rằng, dù lựa chọn cách tiếp cận nào, Berlin phải phối hợp hành động với Ủy ban châu Âu, Mỹ và các đối tác ở Đông Âu để hỗ trợ “sáng kiến xuyên Đại Tây Dương mới” đồng thời, biến Đức thành một “con át chủ bài chiến lược”.

Đức lo ngại các vụ kiện nếu Nord Stream 2 dừng lại

Bộ trưởng Môi trường Đức Svenja Schulze cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Welt am Sonntag, Berlin có nguy cơ phải đối mặt với yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu việc xây dựng Nord Stream 2 bị dừng lại.

“Chúng ta không thể từ bỏ than, năng lượng hạt nhân và khí đốt trong một sớm một chiều. Đức sẽ cần khí đốt trong thời gian này và trong thập kỷ tới”, Bộ trưởng Môi trường Đức nói.

Ngoài ra, theo bà Schulze, nếu dừng dự án, Đức có nguy cơ đối mặt với yêu cầu bồi thường thiệt hại tại các tòa án trọng tài quốc tế.

Trước đó, tờ Axios trích dẫn các nguồn tin cho hay, các đại diện của Bộ Ngoại giao Mỹ đã phủ nhận việc đàm phán với Đức để ký kết một thỏa thuận không chính thức bổ sung cho phép hoàn thành dự án Nord Stream 2.

Axios chỉ ra rằng một cuộc họp giao ban đã được tổ chức tại Mỹ vào đầu tuần này, với sự tham dự của đại diện Bộ Ngoại giao và Quốc hội Mỹ. Trong cuộc thảo luận, ông Molly Montgomery, Phó trợ lý Ngoại trưởng về các vấn đề châu Âu và Á-Âu, cho biết Mỹ không thảo luận với Đức về một thỏa thuận bổ sung.

Tuy nhiên, các đại diện của Bộ Ngoại giao Mỹ lưu ý, thông tin của Axios cho rằng “trao đổi” không nên được hiểu là “thương lượng”. Theo cổng thông tin này, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói với Đức về mối quan ngại của họ đối với việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt trong khuôn khổ các cuộc đàm phán ngoại giao.

Theo Axios, cuộc thảo luận về vấn đề Nord Stream 2 diễn ra căng thẳng, các bên thường xuyên xảy ra tranh cãi. Ví dụ, một thành viên của Thượng viện và một thành viên đảng Cộng hòa đã hỏi đại diện của chính quyền ông Biden tại sao các biện pháp trừng phạt vẫn chưa được đưa ra đối với Nord Stream 2 AG (công ty sở hữu Nord Stream 2). Đáp lại, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết phải mất nhiều thời gian để xác định xem ai hoặc cái gì sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt lên dự án.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại