Nga không coi các lệnh trừng phạt của Mỹ là trở ngại đối với Nord Stream 2. (Ảnh: Global Look Press)
“Tôi tin rằng Nord Stream 2 sẽ hoàn thành và không có lệnh trừng phạt nào của Mỹ có thể cản trở chúng tôi”, ông Ryabkov nói.
“Số lượng các đợt trừng phạt đang lên tới hàng trăm lần. Nhưng sự thay đổi trong lộ trình do Mỹ tìm kiếm đã không xảy ra. Thật không may, chính quyền Mỹ không thể hiện sự sẵn sàng nhỏ nhất, như họ đã nói để khám phá cách thay thế bằng phương pháp đàm phán. Nhiều khả năng họ sẽ không làm điều này nữa”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga giải thích.
Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc gặp với các lãnh đạo của Duma Quốc gia Nga hôm 17/2 cho rằng, những người phản đối việc xây dựng Nord Stream 2 đang cố gắng buộc Nga phải trả giá cho tình hình ở Ukraine.
“Tại sao mọi người lại xoay quanh Nord Stream 2? Họ muốn bắt Nga trả tiền cho dự án địa chính trị của họ ở Ukraine”, ông Putin nói.
Theo Phó giáo sư Alexey Fenenko, chuyên viên về an ninh quốc tế, Khoa chính trị thế giới, Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow (Lomonosov), Mỹ sẽ tiếp tục tìm cách kiểm soát Nord Stream 2.
“Tôi không nghĩ rằng Mỹ sẽ từ bỏ chính sách hiếu chiến vì một lý do đơn giản, họ đã nói quá nhiều điều tiêu cực về Nord Stream 2, và bây giờ bất kỳ sự từ bỏ nào sẽ bị coi như thất bại”, ông Fenenko nhận định.
Chuyên gia này cho rằng vị thế của bên thua là “nỗi đau gấp nhiều lần” đối với Mỹ, vì họ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng họ là nước dẫn đầu thế giới.
“Nếu người Mỹ không thể can thiệp hoàn toàn, thì họ sẽ cố gắng tìm ra một loại phương tiện thỏa hiệp nào đó, để dự án này trông giống như: ‘Nord Stream 2 đã hoàn thành, nhưng với những vấn đề lớn đối với Nga đang gặp phải’. Mỹ có thể nói rằng dù sao họ cũng đã thắng”, ông Fenenko nói thêm.
Trong khi đó, Bloomberg đưa tin hôm 16/2, Đức muốn đạt thỏa thuận với Mỹ nhằm chấm dứt những tranh cãi liên quan đến dự án đường ống khí đốt Nord Stream 2.
Theo các nguồn tin cho biết liên minh của Thủ tướng Đức Angela Merkel đang rốt ráo tìm kiếm hướng đi nhằm giảm ảnh hưởng của Nga đối với thị trường năng lượng châu Âu, qua đó phần nào giải quyết những quan ngại của Mỹ đối với Nord Stream 2.
Chiến lược mà Berlin theo đuổi để thuyết phục Mỹ bỏ trừng phạt đối với Nord Stream 2 dựa vào một cơ chế pháp lý giúp hạn chế khả năng thao túng thị trường năng lượng của Nga. Đức cũng có kế hoạch đề nghị nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, gắn với việc xây dựng các trạm trung chuyển LNG. Bên cạnh đó, Mỹ, Đức và Liên minh châu Âu cũng đang thảo luận về một gói giải pháp nhằm tăng cường ổn định cho Ukraine, bảo vệ chủ quyền năng lượng châu Âu.
Cụ thể, gói giải pháp này có thể sẽ bao gồm điều khoản ngừng cung ứng khí đốt của Nga qua Nord Stream 2 nếu các cam kết theo thỏa thuận với Ukraine bị phá vỡ, hoặc là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, nhân quyền.
Trước đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói rằng quan điểm của chính quyền Mỹ về đường ống dẫn khí Nord Stream 2 không thay đổi, đây là một “thỏa thuận tồi”. Theo bà Psaki, Mỹ vẫn tiếp tục theo dõi các hoạt động hoàn thiện việc xây dựng hoặc chứng nhận đường ống và đang thảo luận về khả năng gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với dự án.