Hậu quả của việc châu Âu từ bỏ Nord Stream 2

Thanh Bình |

Kênh truyền hình 360 dẫn lời chuyên gia thuộc Đại học Tổng hợp Moscow (MGU), ông Yuri Rogulev đã nói về hậu quả của việc châu Âu từ bỏ dự án Nord Stream 2.

“Nếu châu Âu không muốn hủy hoại nền kinh tế, thì có nghĩa là cần phải tiêu thụ khí đốt”, chuyên gia nhấn mạnh.

Hậu quả của việc châu Âu từ bỏ Nord Stream 2 - Ảnh 1.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết mặc dù các bất đồng với Nga đang gia tăng nhưng nước này vẫn chưa tính đến việc hủy bỏ dự án Nord Stream 2. (Ảnh: RIA)

Ông Rogulev cho rằng, điều này có liên quan không chỉ đối với Đức, mà còn đối với các nước châu Âu khác. Đường ống dẫn khí Nord Stream 2 là cách duy nhất để các bang nhận được nguồn cung cấp khí đốt giá rẻ ổn định. Chuyên gia thuộc MGU chắc chắn Berlin nhận thức rõ điều này, vì đối với họ đó là “vấn đề sống còn”.

“Nhưng các vấn đề xuyên Đại Tây Dương vẫn còn. Vẫn chưa rõ tân Tổng thống Mỹ Joe Biden có liên quan như thế nào đến Nord Stream 2”, ông Rogulev nói.

Theo chuyên gia thuộc MGU, người đứng đầu Nhà Trắng hiện nay không mặn mà với thương vụ bán khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ như cựu lãnh đạo Mỹ Donald Trump.

Ông Rogulev nhấn mạnh, Washington luôn chống lại đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức. Họ bắt đầu nói về dự án này từ những năm 1970. Theo ông Rogulev, lập trường của Mỹ về dự án này không thay đổi, chỉ có sức ép đối với người Đức vì lý do hủy bỏ dự án ngày càng tăng.

Bild am Sonntag của Đức đưa tin, mới đây, Bộ trưởng Kinh tế nước này Peter Altmaier kêu gọi không nên liên hệ vấn đề xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 với tình hình xung quanh vụ của chính trị gia đối lập Alexei Navalny.

Bộ trưởng Altmaier cảnh báo rằng nếu đường ống không được hoàn thành, Đức sẽ mất các khoản đầu tư lớn. Ông Altmaier nhấn mạnh, tình hình với vụ Navalny không liên quan gì đến việc thực hiện Nord Stream 2.

“Một vấn đề là các mối quan hệ kinh tế và các dự án kinh tế được các công ty thực hiện trong nhiều thập kỷ, vấn đề còn lại là sự vi phạm nghiêm trọng nhân quyền và phản ứng của chúng tôi đối với vấn đề này”, ông Altmaier giải thích.

Ngoài ra, ông Altmaier cũng lưu ý rằng ngay cả khi dự án chưa hoàn thành, Nga sẽ không bán ít khí đốt hơn trước kia.

Trước đó, hôm 2/2, tòa án quận Simonovsky tại thủ đô Moscow tuyên phạt chính trị gia đối lập Alexei Navalny 3,5 năm tù giam, bất chấp sự phản đối từ các quốc gia phương Tây. Ngay sau phán quyết, Mỹ, Anh, Đức và Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi Nga trả tự do cho ông Navalny ngay lập tức. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Washington sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh để buộc Nga chịu trách nhiệm.

Về phía Đức, quốc gia đang có hợp tác với Nga liên quan dự án đường ống khí đốt Nord Stream 2, Ngoại trưởng Heiko Maas cũng kêu gọi Nga phóng thích nhân vật chỉ trích Điện Kremlin này.

“Phán quyết đối với ông Alexei Navalny là một đòn cay độc nhằm vào các quyền tự do và pháp quyền được thiết lập vững chắc ở Nga. Ông Alexei Navalny cần phải được phóng thích ngay lập tức”, ông Maas viết trên Twitter.

Đáp lại những phản ứng trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh: “Không cần phải can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền, đồng thời cho rằng, những yêu cầu của các đồng nghiệp phương Tây là không thực tế”.

Bà Zakharova cũng lưu ý, Nga sẽ phản ứng trước mọi trường hợp các sứ quán nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của nước này, khẳng định “các biện pháp này đã được xúc tiến. Chúng tôi sẽ làm và làm với mọi trường hợp”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại