Mỹ được cho là đã sẵn sàng dỡ cấm vận đối với dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí Nord Stream 2. (Ảnh: RIA)
Hôm 12/2, RIA trích dẫn nguồn tin riêng cho biết, các cuộc đàm phán về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với đường ống dẫn khí Nord Stream 2 đang diễn ra ở cấp bộ của Mỹ và Đức, nhưng kết quả vẫn rất khó đoán.
Theo nguồn tin này, một trong những phương án có thể xảy ra “thực dụng và đúng đắn” cho sự phát triển của các sự kiện là việc thực hiện kế hoạch của Bộ Tài chính Đức.
Trước đó, Tổ chức môi trường Deutsche Umwelthilfe (DUH) đã công bố nội dung bức thư của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz gửi đồng nghiệp người Mỹ Steven Mnuchin vào ngày 7/8/2020. Bức thư nói rằng chính phủ Đức sẵn sàng phân bổ 1 tỉ Euro để hỗ trợ xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, đặc biệt là việc xây dựng hai nhà ga ở Đức tại Wilhelmshaven và Brunsbüttel. Vì vậy, Mỹ nên từ bỏ việc phản đối việc xây dựng và vận hành Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2).
Trong khi đó, Quốc hội Đức lập luận rằng việc phân bổ 1 tỉ Euro từ quỹ của những người đóng thuế để hỗ trợ Nord Stream 2 trước đó đã không được quốc hội thông qua. Về vấn đề này, ông Scholz đã được triệu tập khẩn cấp để điều trần tại Hạ viện. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas gọi là bức thư của Phó Thủ tướng Scholz là “một chương trình đạo đức giả” của phe đối lập.
Ngoài ra, tạp chí Spiegel cũng đưa tin rằng đại diện của Liên minh châu Âu (EU) và Đức đang thảo luận về Nord Stream 2 với các nhà chức trách Mỹ. Theo tờ báo của Đức, các cuộc thảo luận đang được tiến hành về một “gói chiến lược” có thể làm hài lòng Mỹ. Trong số các phương án đang được thảo luận là phương án tự động cắt nguồn cung cấp khí đốt qua Nord Stream 2 trong trường hợp Nga vi phạm nhân quyền hoặc luật pháp quốc tế.
Theo đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong cuộc phỏng vấn với Spiegel, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga là “một trong nhiều công cụ” với trường hợp đường ống dẫn khí Nord Stream 2.
Quan điểm tương tự cũng được một nguồn tin khác của Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong bài bình luận. “Chúng tôi sẽ giám sát các hoạt động về việc hoàn thành xây dựng hoặc chứng nhận dự án và nếu diễn ra các hoạt động đó, chúng tôi sẽ ra quyết định về khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt, đó chỉ là một trong nhiều công cụ quan trọng”, một quan chức trong Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Cũng theo Spiegel, công việc xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream 2, bị gián đoạn do điều kiện thời tiết sẽ được tiếp tục vào đầu tuần tới. Spiegel lưu ý rằng, trước đó tàu đặt ống Fortuna của Nga đã buộc phải tạm dừng hoạt động do bão.
“Thời tiết sẽ khiến Nord Stream 2 ngừng hoạt động trong một thời gian ngắn và công việc dự kiến sẽ tiếp tục vào tuần tới. Tập đoàn của Nga quyết tâm hoàn thành dự án trị giá hàng tỉ USD”, Spiegel viết.
Nord Stream 2 là dự án đường ống dẫn khí đốt từ Nga, đi qua các vùng lãnh thổ, đặc quyền kinh tế của các quốc gia ngoài khơi biển Baltic là Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức, được lắp đặt song song đường ống Nord Stream 1. Quyết định xây dựng đường ống Nord Stream 2 dựa trên kinh nghiệm trong việc xây dựng thành công đường ống Nord Stream 1, bắt đầu hoạt động từ năm 2012.
Nord Stream 2 phục vụ lợi ích của nhiều quốc gia, vì thế đã trở thành chủ đề tranh luận để ủng hộ cũng như phản đối từ nhiều phía. Những nước ủng hộ dự án này là Nga, Đức, Áo, Hà Lan, Pháp, Czech, Phần Lan, Thụy Sĩ, Malta, Slovakia và Na Uy, coi đây là “dự án tin cậy”, cung cấp khí đốt giá rẻ và tiết kiệm nhiều chi phí xây dựng.
Trong khi Mỹ, Ba Lan, Estonia, Latvia, Litva, Romania, Hungary và Ukraine lại là những nước phản đối dự án này với nhiều lý do khác nhau, không chỉ liên quan tới kinh tế, chính trị mà còn cả vấn đề an ninh khu vực.
Nord Stream 2 hiện tại được thực hiện đến 95% và hơn 140 km đường ống cuối cùng đang được lắp đặt trong vùng lãnh hải của Đan Mạch. Mặc dù 1.230 km đã gần hoàn thành, dự án đã bị gián đoạn đột ngột vào tháng 12/2019 sau quyết định của Mỹ về việc xử phạt các công ty liên quan đến dự án.
Chính quyền Mỹ phản đối Nord Stream 2 khi cho rằng dự án này khiến châu Âu bị phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga, đồng thời Washington muốn tăng thị phần khí tự nhiên hóa lỏng sang châu Âu.
Tết Nguyên đán là một trong những nét văn hóa truyền thống lâu đời, không thể thiếu trong đời sống của người dân. Ở mỗi đất nước lại có những phong tục đón Tết khác nhau vô cùng đặc biệt mang đậm tính truyền thống.