Ám ảnh, tuyệt vọng và chuyện sống-chết từ Bệnh nhân Covid-19 số 1 của Ý

Thi Anh |

"Cảm giác hổ nhục, tội lỗi... khiến người ta che giấu triệu chứng". Hãy tưởng tượng làm sao người ta có thể tiếp tục sống khi nghĩ rằng chính mình đã lây bệnh cho nửa thị trấn.

Cách đây khoảng 1 năm, Ý có bệnh nhân đầu tiên được chẩn đoán mắc Covid-19. Đó là một công dân khỏe mạnh, 38 tuổi. Anh tới phòng cấp cứu ở Codogno, phía Nam Milan với những triệu chứng tương tự như cúm. Tình trạng của anh xấu đi nhanh chóng và các bác sĩ đã quyết định xét nghiệm Covid-19.

Ngày 20/2, xét nghiệm cho kết quả dương tính. Trong vòng vài ngày, Codogno và các thị trấn kế cận vùng Lombardy bị phong tỏa và vài tuần sau thì là cả nước Ý.

Bệnh nhân số 1 - Mattia (tên họ đầy đủ của bệnh nhân được giữ bí mật vì lý do riêng tư) đã phải thở máy hàng tuần trước khi có thể tự thở, và mãi tới 22/3 mới được xuất viện.

Tại Ý, Mattia được coi như một trường hợp thành công, câu chuyện về sự kiên cường tại 1 quốc gia - nơi có hơn 93.000 người tử vong do virus corona chủng mới và cần tới những tin tức tích cực như vậy.

"Mattia dạy chúng tôi rằng bạn cũng có thể bình phục từ một căn bệnh nguy hiểm", Raffaele Bruno, người đứng đầu khoa bệnh truyền nhiễm ở bệnh viện San Matteo (Pavia), nơi Mattia điều trị, chia sẻ.

Nhưng câu chuyện của Mattia cũng đáng lo phần nào. Trong khi anh nằm viện, cha Mattia đã tử vong vì Covid-19, và người vợ đang bầu gần 8 tháng của anh cũng cho kết quả dương tính với virus.

Mattia trở thành một ca "siêu truyền nhiễm" - bởi anh lây bệnh cho nhiều người khác, bao gồm cả đội bóng đá nghiệp dư mà anh tham gia và bệnh viện mà anh tới khám. Trường hợp của Mattia là bài học mang tính cảnh báo về tình trạng lây nhiễm dù không có triệu chứng và sự thiếu chuẩn bị của các bệnh viện.

Trong đoạn ghi âm thông điệp sau khi ra viện, Mattia đã hối thúc các đồng báo của mình ở trong nhà và nói rằng, anh may mắn khi được chữa trị ở những ngày đầu của dịch bệnh, trước khi Lombardy bắt đầu thiếu máy thở.

Các quan chức tin rằng Bệnh nhân số 0 của Ý - người đầu tiên đem Covid-19 tới nước này - nhiều khả năng là 1 người Đức tới miền Bắc Ý du lịch vào khoảng 25/1. Ở đây cụm từ Bệnh nhân số 1 và Bệnh nhân số 0 được sử dụng một cách cẩn trọng: Đây là những khái niệm quan trọng trong dịch tễ nhưng phức tạp về đạo đức - dịch bệnh có rất nhiều nguyên nhân và chúng ta không muốn gắn cho các bệnh nhân những khái niệm tiêu cực.

Tôi nhìn thấy một điều gì đó khác trong trải nghiệm của Mattia - một câu chuyện truyền cảm mà trong đó sự sống, cái chết, nỗi đau, sự kiên cường đan cài vào nhau.

Ý là nơi mà gia đình, cộng đồng gắn kết với nhau. Hai, ba thế hệ thường sống trong cùng 1 thành phố, cùng 1 khu dân cư, thậm chí cùng 1 tòa nhà căn hộ. Người dân bắt tàu tới các thành phố khác để đi làm, trong khi nhà cửa, gia đình đều ở quê hương, nơi có họ hàng đỡ đần việc nuôi dạy con trẻ.

Không có hệ thống chăm sóc trẻ được bang hỗ trợ như ở Pháp và một số nước châu Âu khác, tại Ý nhiều ông bà là người trông trẻ chính, để các bố mẹ đi làm, duy trì vận hành nền kinh tế. Những mối quan hệ ấy rất bền chặt ở Ý, nơi mà sự phụ thuộc vào gia đình lớn hơn vào địa phương.

Điều này phần nào khiến đất nước có dân số già thứ hai thế giới sau Nhật Bản đứng trước nguy cơ sống còn như vậy, khi tình trạng truyền nhiễm lây lan giữa người thân trong gia đình.

Hình thức này lặp lại khắp thế giới - đặc biệt ở những nước và nền văn hóa có các gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống và ở những cộng đồng thu nhập thấp, nơi người dân sống trong các khu vực chật chội, nơi mà giãn cách xã hội chỉ là lý thuyết chứ không hơn.

Tất cả những điều này gây ra tình cảnh trớ trêu lạ lùng - khi nhận ra rằng đối với những người có thể tự chăm sóc bản thân như chúng ta, thì cô độc, tách biệt khỏi những người khác, có lẽ lại an toàn hơn ở bên nhau. Kiểm soát đại dịch sẽ định hình lại cuộc sống gia đình trong 1 thời gian dài nữa.

Ám ảnh, tuyệt vọng và chuyện sống-chết từ Bệnh nhân Covid-19 số 1 của Ý - Ảnh 2.

Bruno nói với tôi rằng, không thể biết được liệu có phải Mattia là người đã lây cho cha mình hay bất cứ người thân nào của anh không. Nhưng dù vậy, vẫn tồn tại cảm giác tội lỗi về khả năng điều đó xảy ra - hoặc tội lỗi vì mình đã sống sót thoát khỏi đại dịch trong khi các thành viên khác trong gia đình hoặc bạn bè thì không.

"Cảm giác hổ nhục, tội lỗi bị đánh giá thấp", David Lazzari, chủ tịch Hội đồng Tâm lý Quốc gia Ý nói. "Nó khiến người ta che giấu triệu chứng của mình bởi có lẽ họ sợ mình bị coi như người mang virus và có thể lây cho người khác". Hãy tưởng tượng làm sao sau này người ta có thể tiếp tục sống với suy nghĩ rằng chính mình đã lây bệnh cho nửa thị trấn.

Sẽ có rất nhiều người căng thẳng sau sang chấn, ông Lazzari nhận định. Giờ đây có 1 nỗi đau gần trước mắt hơn: Đó là cảm giác bất lực. Khóc than mà không có tang lễ. Và bị chia ly với những người ta yêu quý. "Chúng ta cần thể hiện sự gần gũi, nhưng từ 1 khoảng cách nhất định", ông Lazzari nói.

Suốt hàng tuần nay, tôi cứ nghĩ mãi về Bệnh nhân số 1, từ căn hộ của mình ở Paris, nơi tôi đang sống một mình. Tất cả những người sống xa người thân yêu chúng ta phải nghĩ thật lung, làm sao để hỗ trợ một cách tốt nhất.

Bản năng của con người là muốn tụ họp, thể hiện sự gần gũi. Nhưng bây giờ, đó là điều tệ nhất ta có thể làm.

Ám ảnh, tuyệt vọng và chuyện sống-chết từ Bệnh nhân Covid-19 số 1 của Ý - Ảnh 3.

Chính quyền ở Pháp và Israel, nơi các thế hệ gia đình có xu hướng sống gần gũi, đã yêu cầu người cao tuổi ở nhà, tránh gặp gỡ con cháu. Tại Đức, một số chuyên gia y tế cũng đề nghị không cho trẻ con gặp ông bà. Còn ở Anh, một bộ trưởng bị chỉ trích vì tới thăm bố mẹ mình.

Thể hiện sự gần gũi từ một khoảng cách nhất định đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách hiểu cơ bản nhất về giao tiếp và sự kết nối giữa người với người. Nhưng chúng ta phải duy trì khoảng cách dù điều đó đáng ghét tới mức nào. Ít nhất đó là điều tôi tự nói với mình, khi gia đình ở cách xa nửa vòng trái đất.

Khi dịch bệnh bùng phát ở Ý cũng là lúc nước tôi nâng mức khuyến cáo di chuyển toàn cầu lên mức cao nhất - "Không di chuyển", mức độ tương đương với thời chiến - và bắt đầu cảnh báo công dân "chuẩn bị quay về ngay lập tức nếu họ không dự tính ở nước ngoài trong một khoảng thời gian nhất định".

Nhưng đâu là nhà? Và một khoảng thời gian nhất định là bao lâu?

Một trong những bạn thân nhất của tôi ở Paris, cũng là đồng hương đã thử cắt nghĩa: Nếu anh về nước, anh sẽ phải tự cách ly 2 tuần khi tới nơi. Và nếu người thân của anh sắp chết thì có thể anh cũng không thể gặp mặt họ lần cuối.

Hồi tháng 2 năm ngoái, trên tờ L’Eco di Bergamo, báo của một tỉnh phía Bắc Milan, mỗi ngày 10 trang đầy những mẩu cáo phó mà trong đó rất nhiều người quá cố được tưởng nhớ là ông bà thân yêu. Tôi đã hiểu ra, từ trước khi thực tế hiển hiện ở quê nhà, rằng khi anh chết vì Covid-19, thì anh chết trong cô độc. Sự thật này gần như không thể chịu đựng nổi.

Tôi ở lại Paris - cuộc sống của tôi ở đây, công việc của tôi ở đây và ơn trời từ căn hộ của tôi có thể nhìn thấy bầu trời mà không bị thứ gì che lấp.

Tôi gọi điện cho cha mẹ và bảo họ không ra khỏi nhà, kể cả tới cửa hàng thực phẩm. Lúc đó mới có 3 ca được cho là nhiễm Covid-19 ở nơi cha mẹ tôi sống. Không quan trọng đâu, tôi nói với họ. Cái ngày trước khi Mattia được chẩn đoán mắc bệnh, nước Ý chẳng có ca bệnh nào.

Sự cô độc của tôi không phải là không đựng chịu nổi. Có thể tôi chỉ có một mình ở đây nhưng ngày nào tôi cũng liên lạc với bạn bè và gia đình khắp thế giới. Chúng tôi trao đổi về các biện pháp phong tỏa. Một số người thú thật rằng họ đang vật vã - chán nản, căng thẳng, đôi khi nổi cáu với bạn đời và con cái, lo lắng về tình trạng tài chính bấp bênh, giận dữ với cả thế giới.

Tôi ước mình có thể làm một điều gì đó, nên tôi lắng nghe. Ai cũng sợ hãi. Đã bao giờ có một thời khắc mà rất nhiều người trong số chúng ta đồng thời chia sẻ những linh tính chẳng lành cùng một lúc? Tôi quen với nỗi đau buồn, cũng như sự bất lực. Tôi chật vật, nỗ lực làm hòa với sự mất mát.

Tôi cũng làm việc từ xa, ở nhà, suốt nhiều năm và biết được rằng sự hiểu lầm có thể tăng tiến cùng khoảng cách ra sao, và khó tới mức nào để hiểu tâm tư mọi người khi mà không thấy mặt họ.

Chúng ta cần thể hiện sự gần gũi - nhưng từ một khoảng cách.

Trong một cuộc gọi Zoom của tôi với toàn thể gia đình, một người bà con đã nhắc lại câu chuyện mà cụ Natalie kính yêu của tôi từng kể về ký ức thời thơ ấu của bà khi người ta đeo khẩu trang đi lại trong đại dịch cúm 1918. Thật là kỳ lạ khi mà thế hệ trẻ nhất trong gia đình tôi rồi cũng sẽ có ký ức thời thơ ấu như vậy, về cảnh tượng người người đeo khẩu trang đi lại.

Tôi lại nghĩ tới Mattia, người bệnh đã sống sót. Quá nhiều cảm xúc và tổn thương, nhưng có cả niềm vui nữa. Vợ anh cuối cùng đã hạ sinh bé gái Giulia.

Tôi nhìn cháu trai, cháu gái tôi trên màn hình. Đôi khi tôi còn chẳng thể cất lời, bởi sau đó tôi sẽ nhớ khuôn mặt chúng, nhớ cảm giác ấm áp nhỏ bé khi chúng tôi cùng nhau cuộn tròn trên ghế sofa đọc sách.

Hiện giờ, đây là cái giá chúng ta phải trả để duy trì một khoảng cách an toàn. Một chuyến thăm viếng không biết sẽ là niềm an ủi hay nỗi đe dọa. Mọi người ở thật gần, nhưng cũng xa cách vô chừng.

(*) Trên đây là phần lược dịch bài viết của nhà báo Rachel Donadio đăng trên tạp chí The Atlantic.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại