Mới đây, hơn 100 nhà khoa học, luật sư, thành viên các phong trào vì hòa bình và cả các nghị sỹ Quốc hội Đức đã ký vào bức thư công khai gửi đến Chính phủ và Thủ tướng Đức Angela Merkel với lời kêu gọi cần nhanh chóng phát triển các mối quan hệ thân thiện với Nga và từ bỏ các hành động gia tăng sự hiện diện quân sự tại khu vực Đông Âu và Baltic.
Được biết, nội dung bức thư công khai trên sẽ được các tạp chí của Đức là Frankfurter Rundschau và Frankfurter Allgemeine Zeitung công bố vào ngày 22/6 nhân kỷ niệm 75 năm ngày phát xít Đức tấn công vào Liên Xô.
“Nhân dịp lễ kỷ niệm lịch sử ngày 22/6/2016, chúng tôi sẽ có đề xuất đến Thủ tướng Angela Merkel và Chính phủ Đức: chỉ có chính sách hợp tác, cùng hiểu nhau với Nga và việc giải quyết các cuộc xung đột, mâu thuẫn trên cơ sở của luật pháp quốc tế mới có thể mở ra các triển vọng cho tương lai hòa bình của châu Âu…
Chúng tôi kêu gọi cần phải rút ra những bài học sâu sắc nhất, đáng sợ nhất từ tất cả các cuộc chiến để có thể nâng quan hệ Nga-Đức lên tầm cao mới”- nội dung bức thư công khai trên chỉ rõ.
Theo các tác giả của bức thư này, nền tảng trong quan hệ hữu nghị giữa Nga và Đức là các mối liên kết về kinh tế vì đây là các mối liên kết “có vị trí quan trọng hàng đầu đối với cả hai quốc gia”, cả nền văn hóa Nga cũng như văn hóa Đức đều là một phần của nền văn hóa châu Âu.
Chính các mối quan hệ kiểu này sẽ cho phép hai bên “công khai hiểu về lịch sử và những lợi ích của từng bên… Tất cả các mối quan hệ và hình thức quan hệ cần phải được sử dụng để có thể loại trừ mãi mãi một cuộc xung đột vũ trang mới giữa Đức và Nga”- bức thư có đoạn viết.
Những người ký vào bức thư này cũng khẳng định rằng “thay vì xây dựng các căn cứ tên lửa ở Đông Âu và đưa binh sỹ Đức đến sát biên giới nước Nga, Đức cần nỗ lực để củng cố các thể chế an ninh tập thể, ví dụ như OSCE (Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu)”.
“Trong một văn kiện giữa Nga và NATO được ký kết tại Paris ngày 27/5/1997, NATO cam kết sẽ không bố trí lực lượng quân sự thường trực của mình ở Đông Âu.
Tất cả các bên của thỏa thuận này đều thừa nhận rằng họ không phải là đối thủ của nhau và an ninh của tất cả các quốc gia trong cộng đồng châu Âu-Đại Tây Dương là không thể tách rời.
Cần phải quay lại với các cam kết này để trong tương lai trung hạn, chính sách cấm vận kinh tế lẫn nhau sẽ được xóa bỏ”- nội dung thư nêu rõ.
Được biết, kế hoạch mở rộng sự hiện diện của NATO ở Đông Âu đã không ít lần bị Moscow chỉ trích kịch liệt.
Chính quyền Nga khẳng định rằng họ không muốn thúc đẩy đối đầu căng thẳng nhưng sẵn sàng có những câu trả lời thích đáng đối với các hành động của phương Tây.