Thủ đoạn của Bắc Kinh
Phát biểu trong họp báo, chuẩn đô đốc A. Taufiq R, chỉ huy Hạm đội phía Tây của Hải quân Indonesia nhận định: "Đánh bắt cá trái phép chỉ là cái cớ. Thực ra đây là động thái nhằm xác lập chủ quyền".
Theo ông Taufig R, việc đánh bắt cá trái phép ở quần đảo Natuna là thủ đoạn để Bắc Kinh thực hiện dã tâm trên biển Đông.
Vị trí quần đảo Natuna.
Chuẩn đô đốc cho rằng: "Muốn khẳng định đây là lãnh thổ của mình thì anh phải có mặt ở đó. Và cách để họ đạt được điều đó là điều động tàu cá".
Bình luận của ông Taufiq được đưa ra sau khi Indonesia bắt giữ một con tàu cắm cờ Trung Quốc cùng thuyền viên trên tàu vào cuối tuần qua vì đánh bắt trái phép trong vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna (thuộc chủ quyền Indonesia).
Hải quân Indonesia cho biết họ đã bắn cảnh cáo để yêu cầu 12 tàu cá ngừng hoạt động nhưng chỉ bắt giữ tàu Yueyandong Yu 19038 cùng thủy thủ đoàn 7 người bởi đó là con tàu duy nhất sử dụng lưới quăng.
Chuẩn đô đốc Taufiq cũng phủ nhận cáo buộc của Bắc Kinh rằng Indonesia đã bắn bị thương một thuyền viên Trung Quốc: "7 người bị bắt đều ở trong tình trạng sức khỏe tốt. Chúng tôi chỉ bắn cảnh cáo vì họ không chịu dừng lại".
Phản ứng của Indonesia có thể xem là hợp lí, bởi nước này đang phải chịu thất thu hàng tỉ USD mỗi năm vì đánh bắt trái phép.
Trong vài năm trở lại đây, Indonesia đã nhiều lần thể hiện rõ quan điểm của mình và khẳng định nước này sẽ bảo vệ tài nguyên hàng hải một cách quyết liệt.
Hải quân Indonesia.
"Ngư trường truyền thống" ?
Indonesia vốn không phải một bên trong cuộc tranh chấp trên biển Đông, nhưng nước này đã bị kéo vào cuộc, sau khi Bắc Kinh tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia là một phần trong "ngư trường đánh cá truyền thống" của Trung Quốc và tàu cá Trung Quốc được tự do đánh bắt trong khu vực này.
Tất nhiên, Indonesia không xem vùng đặc quyền kinh tế của mình là "ngư trường truyền thống" của Trung Quốc, luận điệu mà Bắc Kinh thường xuyên lặp lại. Thay vào đó, Jakarta coi hoạt động đánh cá của các nước khác ở khu vực này là trộm cắp.
Bà Susi Pudjiastuti, Bộ trưởng Bộ Hàng hải và Nghề cá Indonesia đã đăng tải trên Twitter rằng, đánh bắt cá trái phép là "phạm tội" và không có thỏa thuận nào cho phép hành động ấy.
Theo UNCLOS, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) là vùng biển mở rộng 200 hải lí (tương đương 370km) tính từ bờ biển của một quốc gia. Trong khu vực này, quốc gia ấy có đặc quyền khai thác và sử dụng toàn bộ tài nguyên biển.
Những hoạt động gần đây của Bắc Kinh trong vùng biển của Indonesia đã khiến giới chức Indonesia lo ngại.
Trong phiên họp quốc hội ngày hôm nay, 21/6, chính trị gia Tantowi đã bày tỏ sự quan ngại về hành động của Trung Quốc và cho rằng điều đó có thể gây tác động tiêu cực tới chủ quyền của Indonesia đối với vùng biển của nước này.
Ngoại trưởng Retno Marsudi cũng nhấn mạnh: sự việc diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, vì thế, hải quân nước này đã hành xử một các hợp lí.
Bà cũng khẳng định: vùng đặc quyền lãnh thổ ngoài khơi quần đảo Natuna của Indonesia được xác lập dựa trên luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS). Vì thế khu vực này không hề bị chồng lấn.