Chiến trường Syria làm cho Thổ Nhĩ Kỳ trở thành "cao thủ" UAV

Đức Trí |

Thổ Nhĩ Kỳ đã thu được nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng máy bay không người lái (UAV) khi tấn công các mục tiêu ở Idlib (Syria), trên cơ sở đó, dường như Thổ Nhĩ Kỳ đang phát triển một học thuyết quân sự mới với nòng cốt là UAV.

Mới đây, Lục quân Bỉ đã đưa ra báo cáo về chiến lược sử dụng máy bay không người lái (UAV) của Thổ Nhĩ Kỳ trong hoạt động tác chiến ở Idlib (Syria).

Theo báo cáo, các UAV do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất như Bayraktar TB2 và Anka đã mang lại cho Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lợi thế lớn trong cuộc xung đột vũ trang ở khu vực Idlib. Hoạt động của UAV cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ đang phát triển một học thuyết mới cho công cụ chiến tranh này.

UAV Bayraktar TB2 được thiết kế bởi nhà phát triển UAV hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ Baykar Makina và ANKA, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Thổ Nhĩ Kỳ (TAI) phụ trách sản xuất, đây là những công ty đã tạo ra ưu thế quan trọng cho Thổ Nhĩ Kỳ đối với lĩnh vực chiến lược này, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng trở thành Một trong những người dùng có kinh nghiệm nhất về UAV.

Cùng với việc Thổ Nhĩ Kỳ loại bỏ sự phụ thuộc vào nước ngoài và trở thành nhà xuất khẩu thiết bị quốc phòng hàng đầu, thì những chiếc UAV này cũng trở thành một biểu tượng của niềm tự hào dân tộc.

UAV tấn công được Thổ Nhĩ Kỳ triển khai rộng rãi đã tạo ra nhiều bất ngờ ở Idlib, đồng thời các UAV này cũng tiến hành các cuộc tấn công mạnh mẽ vào quân đội Syria ở tây nam Syria và các khu vực lân cận. Những UAV tấn công do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất này đã phá hủy xe tăng, hệ thống phòng không, pháo binh và căn cứ quân sự, chứng minh hiệu quả của chúng.

Khả năng của UAV Thổ Nhĩ Kỳ đã được chứng minh trong hàng loạt cuộc tấn công gần đây chống lại chế độ Syria do Nga hậu thuẫn. Thổ Nhĩ Kỳ có đủ khả năng để phát động cuộc tấn công bằng UAV quy mô lớn với khả năng phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, đây là lợi thế lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện, Ankara có thể sử dụng UAV để thu thập thông tin tình báo quan trọng về các hệ thống phòng không Syria, đặc biệt là các hệ thống có thể bắn hạ UAV. Theo thông tin tình báo, các hệ thống phòng không Syria đã khóa mục tiêu ít nhất 7 UAV của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng các UAV này vẫn có khả năng bắn trúng mục tiêu.

Chiến trường Syria làm cho Thổ Nhĩ Kỳ trở thành cao thủ UAV - Ảnh 2.

UAV Bayraktar TB2 do Công ty Baykar Makina chế tạo. Nguồn: eastday.com.

Trong thập kỷ qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã tập trung phát triển ngành công nghiệp chế tạo UAV trong nước, báo chí Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh rằng, nhờ khả năng tác chiến điện tử, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể hoạt động độc lập mà không cần sự hỗ trợ của Nga.

Trong cuộc chiến tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã "phô diễn" nhiều kinh nghiệm sử dung UAV để chiến đấu, các kinh nghiệm của Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện "học thuyết quân sự mới trên thế giới".

Lần đầu tiên trên thế giới, UAV được sử dụng làm lực lượng chính cho các cuộc không kích trong chiến dịch "Lá chắn mùa xuân" của Thổ Nhĩ Kỳ.

Chuyên gia ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Bahri Mert Demirel phát biểu với hãng thông tấn Anadolu rằng, việc sử dụng máy bay không người lái theo cách này "đã giới thiệu một học thuyết quân sự mới không chỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ mà cả trong lịch sử chiến tranh thế giới"

Khi đề cập về mục đích sử dụng UAV trên chiến trường, Demirel kết luận rằng, UAV chủ yếu được sử dụng để chi viện trên không cự ly gần, ngoài ra chúng cũng được sử dụng để thu thập thông tin tình báo, tín hiệu điện tử và hỗ trợ các lực lượng không quân khác.

Theo báo cáo chính thức của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, kể từ khi bắt đầu chiến dịch "Lá chắn mùa xuân", Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã loại bỏ 3.138 mục tiêu ở Syria, phá hủy 151 xe tăng, 47 pháo, 3 máy bay phản lực, 8 máy bay trực thăng, 3 UAV và 8 hệ thống phòng không.

Chiến trường Syria làm cho Thổ Nhĩ Kỳ trở thành cao thủ UAV - Ảnh 3.

Tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 do Nga sản xuất. Nguồn: eastday.com.

Demirel cũng nhấn mạnh, hệ thống tác chiến điện tử của Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp các UAV tấn công của Ankara phá hủy hệ thống phòng không Syria.

Theo số lượng lớn video, bao gồm một loạt các video được Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đăng tải trên Twitter, UAV của Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công một loạt các mục tiêu Syria, trong đó bao gồm cả UAV ANKA tiêu diệt tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 do Nga sản xuất.

Hệ thống này đã bị UAV ANKA sử dụng đạn thông minh MAM-L do công ty Roketsan của Thổ Nhĩ Kỳ phát triển để tiêu diệt. Vào thời điểm đó, radar của hệ thống S1 rõ ràng đang hoạt động nhưng lại không phát hiện được tên lửa và UAV của Thổ Nhĩ Kỳ.

Có thể nói, việc sử dụng UAV trên chiến trường đang cho thấy lợi thế rõ ràng của phương tiện chiến đấu này, Thổ Nhĩ Kỳ là minh chứng thiết thực nhất cho việc sử dụng UAV chiến đấu, mặc dù hoạt động này còn tồn tại nhiều rủi ro nhất định, trong đó rủi ro lớn nhất là UAV khó phân biệt "địch – ta", tuy nhiên, không thể không thừa nhận, việc sử dụng UAV tác chiến đang được coi là xu hướng mới mà các quốc gia sẽ theo đuổi trong các cuộc chiến hiện đại ngày nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại