Tạp chí The Diplomat dẫn bài phân tích của Đại tá quân đội Mỹ Jin H. Pak kiêm Trợ lý giáo sư chuyên ngành các mối quan hệ quốc tế tại Học viện quân sự West Point cho hay:
Vấn nạn khan hiếm nguồn nước trên toàn cầu ngày càng trở nên nghiêm trọng khi nước sạch chỉ chiếm chưa tới 2,5% trong tổng lượng nước toàn cầu và hơn một nửa số này lại nằm trong các tảng băng và sông băng. Ngoài ra, yếu tố biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và sử dụng lãng phí cũng đã đẩy tình trạng khan hiếm nguồn nước trở nên nghiêm trọng hơn.
Tình trạng khan hiếm nước đã ảnh hưởng tới hơn 2 tỷ dân và một nửa trong số này sinh sống ở Trung Quốc và Ấn Độ. Nghiên cứu năm 2016 của Ngân hàng thế giới nhấn mạnh Trung Quốc sẽ sớm "trở thành quốc gia khát nước nhất ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á".
Quân đội Trung Quốc diễu binh ở quảng trường Thiên An Môn
Trong đó, khu vực khan hiếm nước nhất tập trung ở cao nguyên Tây Tạng thuộc dãy núi Himalaya. Đây là nguồn cung nước cho 10 hệ thống sông hồ ở châu Á và được mệnh danh là "Thác nước của châu Á". Hệ thống các con sông này cung cấp nước cho 11 quốc gia và hơn 2 tỷ người ở khu vực phía nam, trung và đông nam châu Á.
Theo ông Pak, ở vị trí thượng nguồn, "Trung Quốc giữ thế độc quyền cung cấp nước sạch cho toàn khu vực". Nói cách khác, "Trung Quốc là nguồn cung cấp nước cho nhiều quốc gia hơn bất cứ quốc gia nào ở vị trí thượng nguồn trên thế giới", ông Pak nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Pak, nếu chỉ vì chuyện khan hiếm nguồn nước, chiến tranh vẫn chưa thể bùng nổ.
Thay vào đó, chiến tranh bùng nổ khi có sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm: tình trạng khan hiếm nước ngày càng phổ biến tại Trung Quốc; hoạt động chuyển dòng nước trên khu vực thượng nguồn của Trung Quốc; tranh chấp lâu nay giữa Trung - Ấn ở khu vực bang Arunachal Pradesh và cả những bất ổn chính trị trong nội bộ lãnh đạo Trung Quốc.
Năm 1962, Trung Quốc và Ấn Độ rơi vào cuộc chiến giành quyền kiểm soát khu vực Arunachal Pradesh. Trong giai đoạn chiến tranh, Trung Quốc đã chiếm một vùng đất rộng hơn 20.000 km2 của Ấn Độ.
Kể từ đó, tranh chấp vùng Arunachal Pradesh vẫn là một trong những điểm nóng kiềm chế mối quan hệ ngoại giao Trung - Ấn và có thể là nguyên nhân dẫn tới một cuộc xung đột quân sự mới bất cứ lúc nào.
Cụ thể, hàng loạt cuộc xâm phạm lãnh thổ và dựng lều trại quân sự tại Arunachal Pradesh đã được quân đội hai nước tiến hành. Ông Pak nhận định bang Arunachal Pradesh chính là "điểm nóng ngày càng nguy hiểm" giữa hai cường quốc hạt nhân ở châu Á.
Hồi tháng Chín, Sputnik dẫn nguồn tin quân sự Ấn Độ cho hay nước này đã triển khai trung đội tên lửa thứ 4 với 100 tên lửa siêu thanh BrahMos tới bang Arunachal Pradesh. Cùng với việc triển khai các tên lửa siêu thanh BrahMos, quân đội Ấn Độ cũng đã đưa 5 hệ thống phóng tên lửa tự động tới khu vực đông bắc nước này.
Nguy cơ bùng nổ cuộc chiến giành quyền kiểm soát khu vực biên giới Arunachal Pradesh càng hiện hữu khi Ấn Độ lo sợ Trung Quốc thay đổi dòng chảy từ các con sông thượng nguồn bao gồm sông Yarlung Tsangpo đổ vào sông Brahmaputra chạy dọc biên giới Ấn Độ.
Theo ông Pak, sông Brahmaputra cung cấp nước cho gần 1/3 sông ở Ấn Độ và hơn 40% nước cho hoạt động thủy điện.
Trong khi đó, vấn nạn khan hiếm nguồn nước của Trung Quốc được sánh ngang với "những bất ổn chính trị gia tăng" do tình trạng kinh tế sụt giảm và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, kể từ khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã có nhiều hành động để củng cố sức mạnh chính trị trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm. Theo ông Pak, mỗi năm Trung Quốc ghi nhận hàng chục ngàn cuộc biểu tình trong nước và xu hướng biểu tình tăng khi kinh tế tuột dốc.
"Khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc mất khả năng thúc đẩy nền kinh tế phát triển để duy trì thể chế, họ sẽ không thể kiểm soát sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc" ông Pak giải thích.
Song Trung Quốc sẽ không phải là quốc gia duy nhất trong lịch sử hướng chủ nghĩa dân tộc sang đối thủ để che lấp những bất ổn trong nước nhằm duy trì thể chế chính trị.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. The Diplomat bắt đầu ra mắt từ năm 2002 và cho đến nay đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà bình luận, nhà hoạch định chính sách và các học giả chuyên sâu về các vấn đề trong khu vực này.