Chiến tranh hiện đại: Xe tăng vẫn là một thế lực không thể bỏ qua

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Với QĐND VN, do kinh tế còn nhiều khó khăn nên trong tương lai, việc mua sắm các xe tăng hiện đại mới chỉ dừng ở một con số khiêm tốn để sử dụng ở những hướng tác chiến trọng yếu.

Từ đỉnh cao chói lọi

Ngày 15/09/1916, chiếc xe tăng đầu tiên trên thế giới nhãn hiệu Mark I của Quân đội Hoàng gia Anh xuất trận tại chiến dịch sông Some miền bắc nước Pháp.

Sự xuất hiện bất ngờ của con "quái vật" bằng thép, miễn nhiễm trước hỏa lực của đối phương, có thể vượt qua những địa hình phức tạp đã làm cho quân Đức rối loạn đội hình, đem lại thắng lợi cho liên quân Anh- Pháp.

Lần xuất hiện đày ấn tượng đó đã làm thay đổi quan điểm của các nhà quân sự và nhiều nước đã bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo xe tăng để trang bị cho quân đội của mình.

Cho đến trước Thế chiến II, quân đội hầu hết các cường quốc trên thế giới đều có xe tăng trong biên chế của mình.

Bên cạnh đó, từ những bài học rút ra trong Thế chiến 1 quân đội các nước ít nhiều cũng đã định hình nghệ thuật sử dụng xe tăng trong tác chiến. Tuy nhiên, người Đức với sự ủng hộ nhiệt thành của lãnh tụ tối cao Adolf Hitler đã vượt lên trước một bước, đưa lý thuyết vào ứng dụng trong thực tế.

Họ đã thành lập nhiều sư đoàn, tập đoàn quân xe tăng xung kích và chính lực lượng này đã đóng góp đáng kể vào thắng lợi của họ trong giai đoạn đầu của Thế chiến II.

Trước sức công phá dữ dội của xe tăng phát-xít Đức và phe Trục, nhiều quốc gia và lãnh thổ rộng lớn của các nước khác- trong đó có Liên Xô, Trung Quốc bị chinh phục không mấy khó khăn.

Để đối phó với cơn bão thép ấy, Liên Xô và các nước Đồng Minh khác đã phải "dĩ độc trị độc" bằng cách phát triển lực lượng xe tăng của mình.

Chiến tranh hiện đại: Xe tăng vẫn là một thế lực không thể bỏ qua - Ảnh 1.

Xe tăng T-34/85 của Hồng quân Liên Xô.

Trong khi Liên Xô có T34 (76, 85), IS 1,2 thì Mỹ có M3 "General Stuart", M3 "Grant/Lee", M4 "Sherman", M24 "Chaffee"; Anh có "Crusader" Mk I, Mk III "Valentine", Mk IV Churchil III, Mk VIII "Kromwell" (A27), A34 "Comet"...

Không chịu kém cạnh, phe Trục cũng không ngừng cải tiến và phát triển xe tăng của mình lên một trình độ cao hơn. Trong đó Đức có Pz V "Panther", Pz VI H1 (E) "Tiger". Ý có L6/40, M11/39, M13/40. Còn người Nhật chế tạo xe tăng Kami có nhiều tính năng vượt trội.

Sẽ là không ngoa nếu như nói Thế chiến II là cuộc chiến của xe tăng mà đỉnh cao là cuộc đấu tăng lớn nhất mọi thời đại tại vòng cung Kursk với sự tham gia của hơn 6.500 chiếc xe tăng (phía Đức là 2.928 chiếc, phía Liên Xô là 3.600 chiếc).

Trận đánh đã làm thay đổi cục diện chiến trường và tương quan lực lượng giữa hai bên, mở ra thời kỳ thất bại của chủ nghĩa phát-xít.

Tiếp đó, trong các chiến dịch phản công của Liên Xô sang phía tây, chiến dịch đổ bộ của Đồng Minh từ Bắc Phi lên châu Âu, chiến dịch Mãn Châu của Hồng quân Liên Xô... xe tăng cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nhiều khi quyết định đến thắng lợi của từng trận đánh cũng như cả chiến dịch.

Được đánh giá cao như vậy nên trong thời kỳ đầu Chiến tranh lạnh, xe tăng vẫn được quan tâm phát triển.

Do chiến tranh đã kết thúc, các nghiên cứu phát triển đi vào chiều sâu hơn, nhiều tiến bộ khoa học - công nghệ mới được áp dụng... nên đã xuất hiện nhiều loại xe tăng mới có tính năng vượt trội như dòng T-54, T-55 và sau đó là T-72 của Liên Xô; M48, XM60 của Mỹ, AMX của Pháp v.v... với số lượng rất lớn được chế tạo.

Chiến tranh hiện đại: Xe tăng vẫn là một thế lực không thể bỏ qua - Ảnh 2.

Xe tăng T-72 của Liên Xô.

Song song với phát triển xe tăng, các dòng xe bọc thép cũng được nghiên cứu phát triển nhằm đảm bảo cho bộ binh có thể an toàn cơ động theo kịp xe tăng trên mọi chiến trường, hình thành nên lực lượng bộ binh cơ giới đông đảo kề vai sát cánh cùng xe tăng thực hiện nhiệm vụ.

Có thể coi đây là thời hoàng kim của xe tăng trong tất cả các trường phái nghệ thuật quân sự, cả Đông lẫn Tây, cả chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản.

Trở thành "kẻ hết thời"

Những năm cuối thế kỷ XX tình hình thế giới có những thay đổi rất cơ bản. Sự tan rã của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã tháo chốt cho cuộc chạy đua vũ trang thời Chiến tranh lạnh.

Nguy cơ chiến tranh toàn cầu - có thể có sự tham gia của vũ khí hạt nhân - giữa NATO do Mỹ cầm đầu với khối Vác-xa-va do Liên Xô lãnh đạo đã bị loại trừ. Nhiều nước trước đây nằm trong quỹ đạo của Liên Xô nay lại ngả về phía Mỹ, tham gia khối NATO.

Những thay đổi lớn lao như vậy buộc tất cả các nhà chiến lưọc quân sự phải xem xét lại mọi vấn đề, từ nghệ thuật tổ chức xây dựng lực lượng đến thực hành tiến hành chiến tranh.

Có nhiều quan điểm khác nhau song hầu như đều thống nhất ở một điểm là: chiến tranh nếu có xảy ra sẽ chỉ là những xung đột ở tầm cỡ khu vực, có quy mô nhỏ và trung bình.

Nhận định đó dẫn đến quan điểm chủ đạo là không cần thiết phải tổ chức những đội quân xung kích có xung lực mạnh mẽ như các sư đoàn, tập đoàn quân xe tăng nữa. Với quan điểm này, xe tăng lập tức mất đi ánh hào quang đã được khoác lên mình từ Thế chiến II.

Trong khi đó, sự lên ngôi của không quân, tên lửa tầm xa và các loại vũ khí chống tăng hiện đại lại càng làm cho vai trò của xe tăng bị lu mờ bởi các lý do sau:

Thứ nhất, với sự phát triển của các phương tiện bay và bom đạn thông minh, các loại tên lửa hành trình có thể nhanh chóng làm thay đổi cục diện chiến tranh... bằng cách tiến công từ xa vào các mục tiêu quan trọng, nhanh chóng tiêu diệt chỉ huy, sinh lực và trang bị của đối phương mà không cần đến sự xung trận của xe tăng và bộ binh.

Thứ hai, nếu như trước đây để đánh chiếm một mục tiêu nào đó phải cần đến một lực lượng mạnh, có khả năng đột phá như xe tăng thì nay với sự cơ động của các loại trực thăng (cùng với nó là lực lượng đổ bộ đường không) cho phép đổ quân nhanh chóng xuống mọi địa hình phức tạp để đánh chiếm mục tiêu đó, thậm chí tốc độ còn nhanh hơn.

Thứ ba, trước sự phát triển ồ ạt của xe tăng thời Thế chiến II và thời Chiến tranh lạnh, quân đội các nước cũng đẩy mạnh việc nghiên cứu chế tạo các loại vũ khí chống tăng hiện đại.

Với sự áp dụng ngày càng sâu các tiến bộ khoa học - công nghệ, hiệu quả của các loại vũ khí này cũng ngày một cao. Sức xuyên của một số loại đạn và tên lửa chống tăng có thể lên tới hàng nghìn milimét thép, còn các phương tiện dẫn đường cũng rất phong phú: từ dây dẫn đến laser, vô tuyến...

Một số loại vũ khí này được đặt lên máy bay cường kích chống tăng và trực thăng vũ trang. Chính các loại vũ khí chống tăng này đã thực sự là sát thủ của xe tăng bởi có thể bất ngờ xuất hiện, tiến công từ nóc xe xuống và ngoài tầm quan sát của kíp xe.

Cuộc chiến tranh vùng Vịnh với sự thảm bại của xe tăng Iraq và những thiệt hại của xe tăng Nga khi tiến công thủ phủ Grozny (Chesnia) đã là những dẫn chứng minh họa đày sức nặng cho các nhận định trên.

Tất cả những điều đó đã làm cho một số nhà quân sự đã phải thốt lên: "Xe tăng đã hết thời!".

Chiến tranh hiện đại: Xe tăng vẫn là một thế lực không thể bỏ qua - Ảnh 3.

Một chiếc xe tăng T-72 của Iraq bị loại khỏi vòng chiến.

Nhưng không đơn giản vậy!

Nghiên cứu một cách toàn diện các cuộc Chiến tranh vùng Vịnh và thực tế một số cuộc chiến tranh gần đây đã buộc người ta phải thay đổi quan niệm đó.

Nhìn lại một cách khách quan tại cuộc chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 ta thấy:

Chiến dịch "Bão táp sa mạc" bằng không quân và tên lửa hành trình đã triệt hạ được một bộ phận khá lớn và quan trọng lực lượng của quân đội Iraq như hệ thống thông tin chỉ huy, lực lượng không quân v.v...

Song mục tiêu của cuộc chiến tranh vẫn không đạt được nếu không có cuộc tiến công trên bộ của Quân đoàn VII Hoa Kỳ với lực lượng xe tăng thiết giáp làm xung kích, Sư đoàn bọc thép hạng nhẹ số 6 của Pháp và Sư đoàn thiết giáp số 1 Hoàng gia Anh trên khắp lãnh thổ Iraq.

Hoặc như cuộc xung đột giữa các bên đang diễn ra tại Syria cũng vậy. Cuộc không kích của Nga, Mỹ và Liên quân đã kéo dài hàng năm trời nay với đủ thứ vũ khí thông minh, song kết quả cuộc chiến vẫn rất mịt mờ.

Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS vẫn tồn tại và chống trả mãnh liệt chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Có thể khẳng định cuộc chiến tiêu diệt IS chỉ có thể thành công khi lục quân của nhà nước Syria cùng với lực lượng hỗ trợ phải đánh bật chúng ra khỏi các địa bàn cố thủ và làm chủ toàn bộ lãnh thổ.

Nói tóm lại, các cuộc tiến công bằng không quân dù có mãnh liệt đến đâu cũng không thể hoàn thành được trọn vẹn mục đích của cuộc chiến tranh là đánh chiếm và làm chủ mục tiêu. Và để tiến hành công việc đó không thể không có một lực lượng xung kích có sức mạnh đột phá cao, lại được bảo vệ tốt như xe tăng.

Chính vì những nhận định đó, quan điểm "xe tăng đã hết thời" càng tỏ ra không phù hợp và rất nhiều nước vẫn tiếp tục đánh giá cao vai trò của xe tăng trong chiến tranh hiện đại.

Tất nhiên, để hoàn thành sứ mệnh của mình, hạn chế những tổn thất do đối phương gây ra xe tăng cũng cần phải được hiện đại hóa trên tất cả các phương diện, từ hỏa lực, sức cơ động đến khả năng tự bảo vệ.

Từ đó, các quốc gia đều đã nghiên cứu phát triển và một loạt các loại xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại đã ra đời như T-80, T-90 của Nga, M1 Abrams của Mỹ, Leopard 2 của Đức, Challenger II của Anh, Merkava của Israel...

Về sức mạnh hỏa lực, hầu hết các xe tăng hiện đại đều được trang bị pháo cỡ lớn: 120 mm cho các xe tăng phương Tây và 125 mm đối với xe tăng theo trường phái Nga - Xô. Có thể coi đó là cỡ pháo tối ưu đối với xe tăng vì nếu to quá sẽ ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác.

Chiến tranh hiện đại: Xe tăng vẫn là một thế lực không thể bỏ qua - Ảnh 4.

Xe tăng T-90MS của Nga.

Tuy nhiên, sức mạnh hỏa lực của xe tăng vẫn được tăng lên đáng kể nhờ các chủng loại đạn mới, trong đó đặc biệt phải nhắc đến đạn xuyên dưới cỡ và tên lửa chống tăng phóng qua nòng pháo. Ngoài ra, hệ thống điều khiển hỏa lực cũng được cải tiến mạnh mẽ nhằm nâng cao xác suất trúng và tốc độ bắn của xe tăng.

Về khả năng cơ động của xe tăng hiện đại cũng đã được nâng lên đáng kể nhờ việc tăng công suất riêng của xe. Với các động cơ hiện đại, có kích thước nhỏ nhưng rất khỏe, cho phép nâng công suất riêng lên xấp xỉ 20 mã lực/ tấn trong khi đó lại hạn chế tăng khối lượng của xe.

Cộng với những cải tiến trong hệ thống điều khiển và cơ cấu treo đã nâng cao đáng kể sức cơ động việt dã của xe tăng.

Tuy nhiên, điểm đặc sắc nhất trong quá trình hiện đại hóa xe tăng hiện nay chính là những sáng chế, cải tiến nhằm nâng cao khả năng tự bảo vệ của xe tăng trước sức công phá của các loại đạn chống tăng của đối phương.

Từ phòng thủ bị động bằng nâng cao chất lượng giáp thép, lắp giáp phản ứng nổ đến các thiết bị bảo vệ chủ động tạo ra một bán cầu an toàn đường kính vài chục mét cho xe tăng như thiết bị Stora của Nga hoặc Trophy của Israel...

Với những tiến bộ này, một số dòng xe tăng gần như "miễn nhiễm" trước mọi loại hỏa lực và thực sự trở thành "quái vật chiến trường" như T-90MS của Nga, các biến thể mới nhất của M1A2 Abrams của Mỹ, Leclerc của Pháp, Leopard 2A6/7 của Đức, Challenger 2 của Anh, Merkava của Israel... đặc biệt là dòng xe tăng T-14 Armata của Nga vừa mới trình làng.

Bên cạnh đó, những thay đổi trong nghệ thuật sử dụng và phương thức tác chiến tăng thiết giáp cùng với những tiến bộ trong tác chiến hiệp đồng quân binh chủng... đã từng bước lấy lại vị thế của xe tăng trên chiến trường.

Chiến tranh hiện đại: Xe tăng vẫn là một thế lực không thể bỏ qua - Ảnh 5.

Xe tăng T-14 Armata.

... và ở Việt Nam

Trong thế trận quốc phòng toàn dân của Việt Nam, xe tăng vẫn được đánh giá là "lực lượng đột kích quan trọng của Lục quân; trong một số trận đánh, chiến dịch có thể cùng với bộ binh giữ vai trò quyết định".

Với đánh giá như vậy, lực lượng xe tăng trong Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn được bảo toàn và có phần phát triển lên một tầm vóc cao hơn.

Bằng chứng rõ ràng nhất cho nhận định này là việc nâng cấp các Trung đoàn xe tăng thuộc các quân khu, quân đoàn trở thành các Lữ đoàn với những bổ sung về nhân sự và trang bị một cách đồng bộ và đầy đủ hơn.

Tuy nhiên, do kinh tế còn nhiều khó khăn nên trong tương lai, việc mua sắm các xe tăng hiện đại mới chỉ dừng ở một con số khiêm tốn để sử dụng ở những hướng tác chiến trọng yếu.

Hướng đi chủ yếu của Quân đội nhân dân Việt Nam trước mắt vẫn là tiếp tục nâng cấp, cải tiến dòng xe tăng T-54, T-55 lên các chuẩn mới, trong đó chú trọng nâng cấp hệ thống hỏa lực và khả năng tự bảo vệ.

Đây là dòng xe đã được thử thách trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc trước đây, tỏ ra phù hợp với địa hình đa dạng của Việt Nam và đặc điểm thể chất, trình độ người Việt Nam.

Khi được nâng cấp chúng sẽ đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tóm lại, trong điều kiện chiến tranh hiện đại - xe tăng vẫn chưa hết thời và vẫn là một thế lực không thể bỏ qua trong quân đội các nước!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại