Chiến tranh hiện đại vẫn có cận chiến đẫm máu chứ không chỉ bấm nút để đánh từ xa?

Trung Hiếu |

Mặc dù công nghệ vũ khí hiện nay đã phát triển vô cùng, giới lãnh đạo Lục quân Mỹ vẫn cho rằng lối đánh cận chiến trên bộ vẫn có vị trí quan trọng trong tác chiến hiện đại.

Bất chấp những tiến bộ nhanh chóng trong lĩnh vực vũ khí mạng, máy bay không người lái (drone/UAV), và trí tuệ nhân tạo (AI), giới chỉ huy Lục quân Mỹ vẫn nhấn mạnh rằng các cuộc chiến tranh sắp tới vẫn có nội dung cận chiến với nhiều đổ máu.

Chiến tranh hiện đại vẫn có cận chiến đẫm máu chứ không chỉ bấm nút để đánh từ xa? - Ảnh 1.

Binh sĩ lục quân Mỹ trong một cuộc huấn luyện. Ảnh: Rachel Christensen.

Tướng Mỹ Ted Martin nói: "Công nghệ phát triển thật đáng sợ, nhưng rốt cuộc người ta vẫn sẽ phải chiến đấu trong thành phố, phải quăng lựu đạn, đại loại như thế...".

Tốc độ và cơ động đóng vai trò quan trọng trong việc lẩn tránh hỏa lực của đối phương và tiến sát vị trí quân thù một cách nhanh chóng để khiến đối phương khó lòng ném bom do nguy cơ đánh trúng quân của chính họ.

Tướng Martin nói: "Chúng ta sẽ không thể chiến đấu kiểu như năm 2003 nữa, khi chúng ta có ưu thế trên không và không gian mạng vẫn chưa đóng vai trò quan trọng".

Theo ông Martin, các đối thủ của Mỹ như Nga và Trung Quốc sẽ là thách thức lớn đối với quân đội Mỹ vì họ có năng lực theo dõi từ vệ tinh và có thể ngắm bắn quân Mỹ từ cự ly xa, do đó lực lượng lục quân Mỹ cần có khả năng nhanh chóng tiếp cận và tiêu diệt mục tiêu.

Một báo cáo của Cơ quan nghiên cứu Quốc hội phi đảng phái ghi nhận mặc dù Mỹ vẫn tiên tiến hơn Nga và Trung Quốc về công nghệ nhưng hai nước này đang tiến bộ đều đặn trong phát triển công nghệ quân sự tiên tiến.

Đầu tháng 10/2021, tờ Financial Times đưa tin về việc Trung Quốc thử nghiệm một hệ thống lướt siêu vượt âm, phóng từ rocket ở quỹ đạo Trái Đất tầm thấp - hệ thống này về lý thuyết có thể tránh được các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Tướng Mark A. Milley – Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, nói với Bloomberg rằng các cuộc thử tên lửa đó đã khiến Lầu Năm Góc bất ngờ, coi việc này là "rất sát" với khoảnh khắc Sputnik năm xưa, khi Liên Xô phóng một vệ tinh mang tên Sputnik vào vũ trụ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Ông Milley nói: "Họ đang mở rộng nhanh chóng năng lực quân sự trong lĩnh vực vũ trụ, không gian mạng, rồi các địa hạt truyền thống trên bộ, trên không, và trên biển".

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng vụ thử vào tháng 8 nói trên là thử "tàu vũ trụ, chứ không phải tên lửa".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã liên tục nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang hiện đại hóa quân đội và là thách thức cho Lầu Năm Góc.

Tuần trước, Giám đốc CIA Bill Burns nói rằng Trung Quốc là mối đe dọa công nghệ lớn nhất đối với Mỹ./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại