Sau khi cuộc phản công phát động từ tháng 6/2023 không đạt kết quả và các đối tác phương Tây thể hiện sự mệt mỏi trong nỗ lực viện trợ quân sự, Ukraine đã chuyển từ thế tấn công sang thế phòng thủ trên chiến trường. Trong khi đó, Nga đang được cho là chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công lớn trên bộ trong những tuần tới.
Stefan Wolff và Tetyana Malyarenko – hai chuyên gia quốc tế thuộc trường Đại học Birmingham và Đại học Odessa cho rằng, tình trạng thiếu hụt vũ khí và đạn dược khiến Ukraine ngày càng khó giữ phòng tuyến, chứ chưa nói đến việc tạo ra những đột phá trên chiến trường mà Ukraine cùng các đối tác phương Tây rất cần.
Hiện, Ukraine cũng đang thiếu nhân lực trầm trọng. Chính phủ nước này cho biết đang có kế hoạch huy động thêm 500.000 binh sỹ trong năm nay, đồng thời đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt để tăng cường tuyển mộ binh sỹ.
Tình trạng thiếu đạn dược của Ukraine
Ukraine đang chuẩn bị cho một mùa đông khắc nghiệt khi Nga nối lại các cuộc pháo kích và không kích. Kiev đã che phủ cơ sở hạ tầng năng lượng bằng các bao cát, tấm bê tông, lồng kim loại hoặc dịch chuyển xuống lòng đất, đồng thời khôi phục nguồn cung cấp điện cho 9 triệu người.
Ukraine hiện có hai hệ thống phòng không Patriot tiên tiến nhất do Mỹ sản xuất, có thể đánh chặn tên lửa hành trình siêu thanh Kinzhal. Nhưng mỗi tên lửa dành cho hệ thống Patriot có giá tới 4 triệu USD. Thời gian gần đây, Mỹ cảnh báo rằng, nguồn cung cấp tên lửa có thể bị thiếu hụt. Ngoài Patriot, Washington cũng cung cấp tên lửa phòng không tầm trung Hawk có tuổi đời hàng chục năm và xe tăng phòng không Gepard cho Kiev.
Ngoài các hệ thống trên, Ukraine cũng sở hữu Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS) do Mỹ sản xuất và hệ thống IRIS-T do Đức sản xuất.
Tuy vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umierov ngày 18/1 cảnh báo, Kiev đang rất cần đạn pháo và cho rằng: “Nga vượt trội hơn Ukraine rất nhiều trong các cuộc tấn công bằng pháo binh với số lượng đạn pháo nhiều hơn từ 5 đến 10 lần”.
“Tình trạng thiếu đạn dược là một vấn đề cực kỳ cấp bách mà Lực lượng Vũ trang của chúng ta phải đối mặt”. "Chúng ta cần cùng nhau tìm cách giải quyết vấn đề này”, ông Umierov lưu ý.
Còn Chuẩn tướng Ukraine Oleksandr Tarnavskyi cho biết, quân đội nước này đang thay đổi chiến lược do tình trạng thiếu đạn pháo "trên toàn bộ chiến tuyến".
Trả lời phỏng vấn New York Times trong một cuộc họp báo ở Davos vào ngày 18/1, Tổng thống Ukraine Zelensky thừa nhận, việc thiếu đạn dược đang cản trở nỗ lực của Ukraine nhằm đạt được "những mục tiêu nhất định" trong cuộc xung đột hiện nay với Nga.
Theo ông Zelensky, việc đáp ứng nhu cầu của quân đội Ukraine không hề đơn giản. "Sản lượng vũ khí hiện tại của thế giới, như đạn pháo, không đủ để quân đội Ukraine trụ vững trong cuộc chiến với Nga", nhà lãnh đạo Ukraine nói.
Ông nhấn mạnh thêm rằng ngay cả một triệu máy bay không người lái mà ông nói Ukraine sẽ sản xuất được vào năm 2024 cũng sẽ không đủ để giúp họ chiếm ưu thế trước Nga.
Tuy nhiên, ông Zelensky vẫn kêu gọi Mỹ và các đồng minh tiếp tục cung cấp đạn dược cho Kiev. Ông giải thích, nếu không có vũ khí của nước ngoài, Ukraine sẽ bị yếu thế trên chiến trường, bởi họ đang thiếu hụt một lượng lớn đạn pháo và sẽ không thể đối phó với các cuộc tập kích tên lửa đạn đạo của Nga. Nhà lãnh đạo của Ukraine cảnh báo, điều này cuối cùng sẽ dẫn đến một "cuộc khủng hoảng lớn cho toàn bộ châu Âu".
Ở phía bên kia chiến tuyến, Nga đã tuyên bố tăng 70% chi tiêu quân sự và chuyển sang nền kinh tế thời chiến. Để có thể đứng vững trong một cuộc xung đột tiêu hao, Ukraine phải tạo ra những nỗ lực đáng kể để thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng vốn đã tụt hậu trong nhiều năm qua, nhằm tăng cường cả số lượng và chất lượng.
Chiến thuật mới của Nga
Một chuyên gia quân sự cho biết, Nga không chỉ tăng cường các cuộc tấn công mà còn tìm cách nâng cao hiệu quả bằng cách kết hợp giữa máy bay không người lái và tên lửa.
Trung tướng Ihor Romanenko, cựu Phó tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết, Nga đã tìm kiếm những tuyến đường phức tạp để tên lửa hành trình bay qua Ukraine, vượt qua các khu vực được hệ thống phòng không bao phủ và tấn công mục tiêu từ những hướng bất ngờ.
Do các hệ thống phòng không của phương Tây cung cấp lắp đặt tại Kiev hoạt động khá hiệu quả khi bắn hạ nhiều tên lửa và máy bay không người lái của Nga, Moscow đã tập trung vào các khu vực đô thị khác như các thành phố phía Đông sông Dnipro và Kryvyi Rih, ông Ihor Romanenko lưu ý.
Ngoài ra, Nga bắt đầu sơn một số máy bay không người lái màu đen để tấn công vào ban đêm và thay thế cánh quạt bằng động cơ phản lực để chúng bay với tốc độ 500 km/h.
Đánh giá về chiến thuật mới của Nga, ông Romanenko cho rằng: “Họ đẩy mạnh tấn công để buộc chúng tôi phải tham gia các cuộc đàm phán hòa bình, chấm dứt hành động thù địch, và công nhận quyền kiểm soát của họ ở miền Đông và miền Nam Ukraine”.
Hiện cả Nga và Ukraine vẫn chưa thể hiện thiện chí tham gia các cuộc đàm phán hòa bình. Vào tháng 12/2023, Tổng thống Putin cho biết: “Sẽ chỉ có hòa bình ở Ukraine khi chúng tôi đạt được mục tiêu của mình”. Trong 2 năm qua, Nga dường như đã tăng gấp đôi nỗ lực chiến đấu. Trái lại, phương Tây vẫn chưa vạch ra một chiến lược rõ ràng và một kết quả xác định cho Ukraine. Bên cạnh đó, sự chia rẽ nội bộ ngày càng gia tăng ở phương Tây đang làm suy yếu dần sự ủng hộ dành cho Ukraine, khiến Kiev khó đạt được bước tiến trong năm 2024.
Một số nhà phân tích cho rằng, cuộc chiến ở Ukraine không hề rơi vào tình trạng bế tắc. Cả hai bên vẫn có một số động thái để thay đổi kết quả cuộc chiến. Nhưng để làm được điều đó, các bên phần lớn phụ thuộc vào nguồn lực, ý chí chiến đấu và các hoạt động trên nhiều lĩnh vực, chứ không chỉ riêng hoạt động tấn công trên bộ.
Nước EU "xé" thỏa thuận lịch sử, mở chiến dịch nhắm vào 1000 người Nga: Ông Putin cảnh cáo rắn