Ukraine tha thiết mời gọi nhưng Trung Quốc dửng dưng

Bình Giang |

Trong khi Kiev cố gắng duy trì sự hỗ trợ của quốc tế cho nước này trong cuộc xung đột với Nga, lãnh đạo Ukrane nêu rõ tên một quốc gia mà ông muốn tham gia vào nỗ lực hòa bình: Trung Quốc.

Ukraine tha thiết mời gọi nhưng Trung Quốc dửng dưng- Ảnh 1.

Lính Ukraine bắn pháo ở chiến trường Bakhmut. (Ảnh: Reuters)

Gia tăng áp lực lên Bắc Kinh - đồng minh mạnh nhất của Mátxcơva – có vẻ là chủ đề chính trong các cuộc thảo luận của Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky và các quan chức khác tại hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ, trong tuần này.

Ở đó, ông Zelensky nói với các phóng viên rằng ông “rất muốn Trung Quốc tham gia” vào kế hoạch hòa bình của Ukraine. Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine cho biết nước này muốn tiếp xúc nhiều hơn với Trung Quốc ở “mọi cấp độ”, Interfax Ukraine đưa tin. Chánh văn phòng tổng thống Ukraine để ngỏ khả năng ông Zelensky gặp trưởng đoàn Trung Quốc bên lề hội nghị.

Tuy nhiên, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường rời WEF Davos mà không gặp ông Zelensky. Ông Lý cũng không nói đến việc giải quyết xung đột trong bài phát biểu dài khoảng 25 phút tại hội nghị, mà tập trung chủ yếu vào nền kinh tế Trung Quốc.

Năm ngoái, các quan chức Trung Quốc có nhiều nỗ lực để thể hiện mong muốn trở thành một bên hòa giải cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Bắc Kinh có thể coi thời điểm này chưa phải lúc để họ tận dụng mối quan hệ thân thiết với Nga, nhất là theo các điều kiện của Ukraine.

“Trung Quốc cho rằng họ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hướng tới hòa bình. Đó là phiên bản hòa bình của Trung Quốc, không phải điều mà ông Zelensky muốn thấy”, bà Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu Stimson tại Washington, nhận định.

Năm ngoái, sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc trao đổi với ông Zelensky lần đầu tiên sau 14 tháng xung đột bắt đầu, Bắc Kinh cử một đặc phái viên tới cả Kiev và Mátxcơva. Trung Quốc đã đưa ra đề xuất hòa bình của riêng họ, khác với kế hoạch hòa bình của Ukraine.

Bận tâm tới Trung Đông

Giờ đây, giới phân tích cho rằng những gì diễn ra ở Davos cho thấy Trung Quốc đang chờ đợi, để xem còn nỗ lực nào có thể kết thúc cuộc xung đột hay không, trong bối cảnh tình hình chiến trường Ukraine đang bế tắc và không bên nào có dấu hiệu lùi bước.

Trong khi đó, cuộc xung đột lớn ở Trung Đông đang gây chú ý toàn cầu.

“Trung Quốc trước đây có thể muốn đóng vai trò hòa giải vì không muốn Nga thua quá nhiều. Nhưng giờ đây, nguy cơ đó đã giảm nhiều… Trung Quốc có nhiều động lực hơn để tiếp tục quan sát diễn biến chiến trường trong thời gian tới, điều sẽ tạo nền tảng cho bất kỳ cuộc đàm phán (hòa bình) nào”, bà Sun nhận định.

Theo nhà nghiên cứu này, Mỹ đang bị phân tâm bởi tình hình Dải Gaza và nguồn lực dành cho Ukraine ngày càng hạn chế, khiến tình hình chuyển sang hướng có lợi cho Nga. Trung Quốc cũng có ít lý do để “thúc đẩy một nền hòa bình như phương Tây và Ukraine muốn”, bà nói.

Trong khi Thủ tướng Lý Cường tập trung bàn về kinh tế ở Davos thì Ngoại trưởng Vương Nghị tập trung vào Dải Gaza. Tại Cairo đầu tuần này, ông Vương đưa ra tuyên bố chung với Liên đoàn Ả-rập để kêu gọi “ngừng bắn ngay lập tức và toàn diện” ở Dải Gaza.

Ông Vương kêu gọi triệu tập một “ hội nghị hòa bình quốc tế quy mô lớn hơn, có thẩm quyền hơn và hiệu quả hơn”, kèm theo thời gian biểu cụ thể để triển khai giải pháp hai nhà nước cho Israel và Palestine.

Chưa rõ Trung Quốc có ảnh hưởng đến mức nào trong khu vực để có thể đóng vai trò mạnh mẽ như vậy, nhưng việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập cùng tồn tại với nhà nước Israel là phù hợp với chính sách đối ngoại lâu nay của Bắc Kinh.

Theo các nhà phân tích, trong cuộc xung đột này, Trung Quốc có cơ hội trở thành nhà lãnh đạo quốc tế thay thế Mỹ, đặc biệt đối với Nam bán cầu, nơi nhiều quốc gia cho rằng chính sách của Mỹ phá vỡ sự ổn định.

“Quá nhiều sự thất vọng và tức giận (toàn cầu) đã chuyển sang cuộc xung đột ở Dải Gaza… Đó là nơi Trung Quốc có thể ghi điểm bằng cách khẳng định vai trò thúc đẩy đối thoại và ngoại giao”, ông Alex Gabeuv, giám đốc Trung tâm Á-Âu Carnegie ở Berlin, đánh giá.

Hội nghị hòa bình mà Thụy Sĩ tổ chức tại Davos theo yêu cầu của ông Zelensky dự kiến sẽ thu hút các nhà lãnh đạo thế giới để thảo luận về cách chấm dứt cuộc xung đột, khi nó sắp bước sang năm thứ ba.

Ông Zelensky gọi đây là sự kiện “nơi mà tất cả các quốc gia tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine đều được chào đón tham dự”.

Khi được hỏi lời mời có được gửi tới Bắc Kinh hay không, Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối trả lời trực tiếp, chỉ cho biết lập trường của Trung Quốc là “tập trung vào việc thúc đẩy các cuộc đàm phán vì hòa bình” và ủng hộ “bất kỳ nỗ lực nào vì hòa bình”.

Đến nay, Nga chưa có đại diện tham gia bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình quốc tế nào trong số 4 cuộc được tổ chức. Trong số đó, Trung Quốc chỉ tham dự hội nghị diễn ra tại Ả-rập Xê-út.

“Chừng nào Nga không chấp nhận thì bất kỳ điều gì diễn ra tại hội nghị hòa bình đều không có nhiều ý nghĩa. Trung Quốc sẽ không ủng hộ những điều kiện mà Nga phản đối”, bà Sun đánh giá.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại